“… Văn hóa không chỉ là nghệ thuật, là biểu diễn, là văn học, mà văn hóa còn là tâm thức của con người, là hạnh phúc của mỗi dân tộc. Trong du lịch, văn hóa là tinh hoa, là trí tuệ tầm cao, nó chứa đựng cả giá trị vật chất và tinh thần. Chủ đề hội thảo Văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập không mới, nhưng nếu nhìn từ tư duy của thời kỳ hội nhập thì mới và cần thiết”.
Quang cảnh hội thảo quốc tế Văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập vừa được tổ chức tại Khu du lịch Sao Việt (TP. Tuy Hòa) – Ảnh: Trần Quới
Đó là một phần dẫn nhập của GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, tại hội thảo quốc tế với chủ đề Văn hóa du lịch trong thế giới hội nhập do Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên, Trường đại học quốc gia Văn hóa Moscow, Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng năng lượng sinh học vừa tổ chức.
Đa dạng loại hình du lịch văn hóa
Không khó để so sánh, đối chiếu, tìm ra mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch. Cũng có thể khẳng định trong du lịch mang yếu tố văn hóa đậm nét và sâu sắc. Theo TS Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, bản chất của du lịch là văn hóa. TS Từ phân tích: Du lịch là đi chơi, thăm thú, tìm hiểu một nền văn hóa khác lạ để trải nghiệm, nghỉ ngơi, không làm kinh tế. Du lịch là nghề chơi – chơi nhưng cũng lắm công phu! Lấy văn hóa để tiếp đãi văn hóa! Sản phẩm quan trọng của du lịch là du lịch văn hóa. Không có sản phẩm du lịch nào không mang nội dung, không thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Còn theo cách nói của nhà văn, nhà phê bình văn học Lê Quang Trang thì: “Du lịch là hành động đỉnh cao của văn hóa”.
Thực tế cho thấy, ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thu hút hàng chục triệu lượt khách quốc tế và nội địa là nhờ vào phát triển sản phẩm trên nguồn tài nguyên văn hóa, nhân văn giàu có. Nhiều loại hình du lịch văn hóa được định hình và phát triển, như: Du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch bảo tàng, du lịch sinh thái đồng quê… Đó là hệ thống di sản (vật thể và phi vật thể) có giá trị tinh thần tầm quốc gia và nhân loại. Chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” được phát động và tổ chức thành công tại Việt Nam từ những năm cuối của thế kỷ trước, xuất phát từ Quảng Nam là một ví dụ điển hình.
Việt Nam cũng là quê hương của các lễ hội và du lịch lễ hội đã trở thành 1 trong 6 nội dung trong Chương trình hành động quốc gia giai đoạn đầu thiên niên kỷ mới. Bảo tàng là điểm đến hấp dẫn của du khách. Trên thế giới đây là loại hình du lịch “sang trọng” bậc nhất. Đến với bảo tàng là đến với cả tinh hoa của nhân loại được lưu giữ và truyền bá. Gần đây, những người làm du lịch Việt Nam quan tâm và khai thác mạnh hơn lĩnh vực văn hóa ẩm thực. Du lịch là đi chơi, nhưng chơi xong phải ăn uống, mà ăn uống là cả một nghệ thuật từ cách nấu món cho đến cách dùng của thực khách. Đã từng có đề xuất đưa Việt Nam là điểm đến của thế giới về du lịch ẩm thực, là “bếp ăn” của thế giới.
Đối với Phú Yên, di sản văn hóa cũng là nguồn tài nguyên dồi dào có thể phát triển thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Cả tỉnh hiện có 20 di tích danh thắng, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội cầu ngư, bài chòi, nghệ thuật trình diễn trống đôi cồng ba chiêng năm). Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Phú Yên, đây chính là nền tảng, tài nguyên quý để hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa, chưa kể Phú Yên còn là vùng đất được biết đến với di sản văn hóa đá, mà biểu tượng nổi tiếng là: núi Đá Bia, gành Đá Đĩa, đàn đá kèn đá Tuy An…
Văn hóa với du lịch Việt Nam trong tiến trình hội nhập
Mở cửa và hội nhập quốc tế là quy luật, nguyên tắc sống còn để phát triển và tạo nên sự bình đẳng giữa các quốc gia. Những kết quả do hội nhập quốc tế mang lại đã mở ra nhiều cơ hội cho nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng lớn, đặc biệt là vấn đề “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở mỗi quốc gia”.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, yếu tố thành công của du lịch Việt Nam có được là do đã và đang khai thác hiệu quả các giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc đưa vào trong kinh doanh du lịch. Thông qua hoạt động du lịch; sự giao lưu, giao thoa giữa các dòng du khách nội địa và quốc tế với cư dân bản địa đã cho ra đời một loại hình sản phẩm văn hóa đặc trưng đó là những sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch là những sản phẩm văn hóa phục vụ các đối tượng du khách khác nhau. Khi đưa các sản phẩm văn hóa vào trong kinh doanh du lịch sẽ tạo nên các sản phẩm du lịch. TS Dương Văn Sáu (Trường đại học Văn hóa Hà Nội), phân tích: “Văn hóa du lịch chính là phương pháp để giải bài toán cung – cầu của du lịch Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Do vậy, văn hóa du lịch chính là sản phẩm của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Văn hóa có ý nghĩa quyết định trong các mối quan hệ giữa các cá nhân và cộng đồng, giữa các quốc gia trên thế giới trong tiến trình toàn cầu hóa bởi vì bản chất của toàn cầu hóa chính là sự giao thoa mọi mặt của đời sống xã hội. Trong nền kinh tế tri thức, mọi sản phẩm đều chứa đựng hàm lượng trí tuệ và hàm lượng văn hóa cao. Do vậy có thể nói, mỗi sản phẩm do con người tạo ra trong giai đoạn hiện nay đều là một sản phẩm văn hóa, trong đó có sản phẩm du lịch.
Trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa, hơn lúc nào hết vấn đề văn hóa với du lịch không còn “đóng khung” của mỗi quốc gia mà nó phải được hòa nhập và tiếp biến một cách hợp lý. Xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, như Đảng và Nhà nước ta xác định: “…Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa”.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN ĐÌNH PHÙNG: Giá trị du lịch được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại Du lịch đang là xu hướng phổ biến trên toàn cầu, trở thành một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên bình diện thế giới, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. Nhu cầu du lịch thế giới cũng đang có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (thể hiện ở tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (thể hiện ở tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (thể hiện ở tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên đang là những xu hướng nổi trội. Mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch là mối quan hệ tương tác, gắn bó mật thiết với nhau, hòa quyện vào nhau không thể tách rời. Văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn, là kho báu, là môi trường, là lực hấp dẫn để du lịch phát triển. Có thể khẳng định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc. Ngược lại, thông qua du lịch, văn hóa được giới thiệu, quảng bá, phát huy và có thêm những điều kiện để giao lưu phát triển. Với những tiềm năng về sinh thái và nhân văn nổi trội, Phú Yên xác định: Phải đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển du lịch Phú Yên phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường… ĐẠI SỨ NGA TẠI VIỆT NAM K.V.NUKOV: Du lịch cho ta biết nhiều hơn các nền văn hóa Du lịch trong thế giới đương đại không chỉ là thể loại nghỉ dưỡng phổ biến nhất, mà còn là một ngành quan trọng của nền kinh tế của nhiều nước. Điều này được thúc đẩy phần nhiều bởi các tiến trình liên kết quốc tế và khu vực, nó làm đơn giản hóa sự giao lưu tiếp xúc giữa người và người, dần xóa đi các loại rào cản hành chính, gia tăng sự cơ động của dân chúng và cuối cùng nó cho phép các dân tộc trên các châu lục khác nhau tìm hiểu tốt hơn nền văn hóa của nhau. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng, nhằm phát triển lĩnh vực du lịch. Cơ sở hạ tầng mới đang được xây dựng, thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ, áp dụng những quy tắc thuận tiện nhất cho khách du lịch, ví dụ như thị thực điện tử. Điều này đã cho những kết quả khả quan, trong năm 2016, Việt Nam đã đón lượng khách nước ngoài lớn nhất, với hơn 10 triệu lượt. Một phần trong số khách đó đến từ đất nước chúng tôi. Năm 2016, hơn 432.000 lượt khách Nga đến Việt Nam, đứng thứ 6 trong số các nước có khách du lịch đến Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, những con số này không phải là giới hạn, bởi việc nghỉ ngơi tại các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam được toàn thể người Nga thích thú, nhiều người trong số đó mong muốn được quay lại. Điều nổi bật là ngay tháng đầu tiên năm 2017, sự gia tăng số lượng du khách Nga đến Việt Nam đã là 37%… |
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn