Vấn nạn quấy rối tình dục ở lễ hội âm nhạc

0
Vấn nạn quấy rối tình dục ở lễ hội âm nhạc

Thống kê cho biết 95% phụ nữ giấu chuyện bị quấy rối khi tham gia lễ hội âm nhạc. Họ cảm thấy bản thân không được tin tưởng và nếu nói ra cũng chẳng giải quyết được gì.

Theo The Independent, cứ 10 phụ nữ tham gia lễ hội âm nhạc thì có 7 người bị quấy rối tình dục. Khảo sát của YouGov cho biết 43% phụ nữ dưới 40 tuổi từng bị sàm sỡ ở show nhạc trực tiếp. Nghiên cứu của Đại học Durham ước tính số vụ tấn công tại các lễ hội trên toàn nước Anh lên đến 250.000 vụ/năm.

Trước vấn nạn này, Safe Spaces Now – sáng kiến ​​mới của Liên hợp quốc nhằm tạo ra không gian công cộng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái – ra đời.

Giám đốc điều hành UN Women UK kiêm nhà sáng lập dự án UN Women’s Safe Spaces Now, bà Claire Barnett, phát biểu: “Đêm nhạc là nơi mọi người gạt bỏ mọi áp lực cuộc sống và hòa mình vào niềm vui cùng bạn bè. Tuy nhiên, việc mò mẫm, uống rượu bia, ăn mặc hở hang và hành vi bạo lực vẫn còn phổ biến”.

Barnett cho rằng thực trạng trên phản ánh mối đe dọa nguy hiểm đến nhiều phụ nữ, trẻ em gái, trong khi không biện pháp nào có thể giúp ngăn chặn triệt để.

phu nu bi sam so o le hoi am nhac anh 1

Gần phân nửa số phụ nữ tham dự các lễ hội âm nhạc là nạn nhân của quấy rối tình dục. Ảnh: Getty.

Câu chuyện của nạn nhân

Trả lời phỏng vấn The Independent, cô gái tên Sarah kể trong lần đầu dự đêm nhạc ngoài trời, khi đang đứng nhảy gần sân khấu, cô bị người đàn ông kéo váy lên và chạm vào vùng nhạy cảm. Mặc sự chống trả yếu ớt của Sarah, tên yêu râu xanh tiếp tục giở trò trong 10 phút mới biến mất vào đám đông.

Trải nghiệm kinh khủng này khiến Sarah ám ảnh, tự trách cứ bản thân. Hơn nữa, cô cũng bức xúc thái độ thờ ơ của đội an ninh. Khi xảy ra vụ việc, bảo vệ chỉ đứng nhún vai và không có động thái nào giúp đỡ cô gái 23 tuổi.

Khép lại đêm nhạc, thay vì bắt xe về nhà, Sarah đã lập tức đến đồn cảnh sát trình báo. Cô mất hàng giờ đồng hồ cho lời khai nhưng được đáp lại bằng sự dửng dưng, theo lời Sarah chia sẻ.

“Tôi tổn thương nghiêm trọng vì bị gã ta đụng chạm rất thô bạo. Đó là sự xâm phạm quá lớn, nhưng dường như cảnh sát không quan tâm. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao phụ nữ ngại chia sẻ chuyện này vì chúng tôi bị đối xử như thể tất cả là lỗi của bản thân mình vậy”, Sarah bức xúc.

Amy, 27 tuổi, ăn mừng việc hoàn thành bằng thạc sĩ bằng đêm nhạc vào mùa thu năm nay. Amy đến điểm hẹn với bạn lúc chập tối, thưởng thức nhiều món khác nhau. Đến khoảng 20h30, đầu óc cô trở nên thiếu tỉnh táo. Amy chỉ nhớ cô được một người đàn ông tiếp cận và liên tục chuốc rượu khiến cô không thể đứng vững.

phu nu bi sam so o le hoi am nhac anh 2

Những khán giả nữ hòa mình vào lễ hội âm nhạc ở Thụy Điển năm 2018. Ảnh: Esquire.

Trường hợp của Laura, 32 tuổi, còn kinh khủng hơn khi cô chỉ biết gào thét trong bất lực. Dựa trên lời kể, Laura bị kẻ biến thái tấn công ngay trước mặt bạn bè của hắn ta – những người chỉ biết đứng yên, cười và cổ vũ cho hành vi sai trái này. “Là nạn nhân nhưng tôi lại bị tên sàm sỡ chửi bới khi cố ngăn hắn sờ soạng”, Laura nhớ lại.

Theo The Independent, phụ nữ dần mất niềm tin vào các sĩ quan ăn mặc nghiêm trang – những người được đảm bảo sẽ giúp công dân cảm thấy an toàn hơn. Thống kê cho thấy 95% phụ nữ giấu chuyện bị quấy rối vì họ chắc chắn nếu nói ra cũng không thay đổi được gì.

Tiến sĩ Hannah Bows của Đại học Durham chia sẻ: “Chúng tôi đã nói chuyện với những phụ nữ từng là nạn nhân hoặc nhân chứng của quấy rối tình dục ở lễ hội âm nhạc. Đa số họ không lên tiếng vì cảm thấy mình không được tin tưởng. Vì thế, tôi cho rằng việc lắng nghe và tin vào câu chuyện của phụ nữ nên được đặt lên hàng đầu”.

Nữ ca sĩ cũng bị quấy rối

The Independent đưa tin từ tháng 8, hàng chục phụ nữ hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc, gồm cả Mabel, Sophie Ellis-Bextor và Emily Eavis, đã ký vào văn bản của tổ chức UN Women UK, nhằm kêu gọi chấm dứt tình trạng phụ nữ cảm thấy không an toàn tại các show nhạc trực tiếp.

“Để phụ nữ lo sợ khi tham gia lễ hội âm nhạc là không ổn. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo không gian giải trí lành mạnh, bảo vệ họ trước sự quấy rối, bạo lực và lạm dụng quyền lực”, văn bản viết.

phu nu bi sam so o le hoi am nhac anh 3

Ca sĩ Holly Humberstone là một trong những người ký vào văn bản kêu gọi chấm dứt việc phụ nữ cảm thấy không an toàn tại các sự kiện âm nhạc trực tiếp. Ảnh: Flaunt.

Ca nhạc sĩ người Na Uy Sigrid đã ký vào văn bản, nêu quan điểm rằng phụ nữ hay bất kỳ ai cũng có quyền được tận hưởng niềm vui và sự thăng hoa mà âm nhạc mang lại. Những hành vi sai trái, dù là nhỏ nhất, đều đáng bị trừng phạt.

Dưới góc độ người biểu diễn, Holly Humberstone – ca sĩ người Anh nổi tiếng với bài hát The Walls Are Way Too Thin – bày tỏ: “Chúng tôi có thể yên tâm trình diễn mà không sợ bị tấn công, thì những người đứng dưới khán đài cũng vậy. Chị em và bạn bè đã dự nhiều show nhạc của tôi và họ đã ghi lại những khoảnh khắc thú vị. Sự ra đời của sáng kiến Safe Spaces Now rất quan trọng trong việc giúp phụ nữ có kỷ niệm đẹp khi tham gia đêm nhạc”.

Là nghệ sĩ, Jess Eastwood bị lợi dụng ôm ấp, sờ soạng và hôn vào má khi xuống sân khấu giao lưu với khán giả. Eastwood trải nghiệm cảm giác tồi tệ này nhiều lần nên không xem đây là vấn đề cá nhân. Bởi vậy, cô quyết định lên tiếng bảo vệ phái nữ.

Eastwood khẳng định các thành viên ban nhạc nam hiếm khi bị sàm sỡ. Cô kể: “Trong một lần, khán giả nam đã hét vào mặt tôi rằng: ‘Hãy kéo áo của cô xuống’. Vì là phụ nữ, chúng tôi mới bị đề nghị khiếm nhã một cách trắng trợn như vậy. Tình hình sẽ ngày càng tệ hơn nếu chúng ta cứ im lặng”.

Mary Crilly, người điều hành tổ chức Safe Gigs Ireland, đã hỗ trợ các nạn nhân bị tấn công tình dục tại tụ điểm âm nhạc và hộp đêm trong nhiều năm. Bà có nhiệm vụ lắng nghe, chữa lành vết thương của phụ nữ. “Chúng tôi đưa họ đi từ hoài nghi đến tin tưởng, từ sốc đến chấp nhận thông qua việc tư vấn và hỗ trợ”.

Nhà sáng lập dự án UN Women’s Safe Spaces Now – Claire Barnett – đã làm việc với ban tổ chức Strawberries & Creem Festival như sự kiện thí điểm biện pháp đảm bảo an toàn mùa lễ hội. Khán giả đến Strawberries & Creem Festival có thể gặp đội ngũ chuyên gia của Safe Spaces Now trong các trạm được dựng sẵn, để nghe tư vấn biện pháp tự vệ.

“Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với hàng nghìn người tham gia lễ hội ở mọi giới tính để chia sẻ các công cụ, đường dây trợ giúp, hỗ trợ người từng ám ảnh việc bị sàm sỡ nơi đông người”, bà Barnett cho biết.

Ngoài Strawberries & Creem Festival, Barnett hợp tác với nhiều lễ hội khác cho những sự kiện vào năm 2022. Trước đó, tổ chức của Barnett cũng tham khảo ý kiến 5.000 phụ nữ về cách thiết kế không gian an toàn hơn.

Bà cho hay: “Từ nhà vệ sinh đến khu nghỉ ngơi trong lễ hội cần phải được giám sát chặt chẽ, tăng cường đội ngũ an ninh đã qua huấn luyện bài bản. Các trường hợp xấu cần giải quyết kịp thời và không được giấu giếm hoặc phớt lờ như trước”.

Nguồn: News.zing.vn