(Dân trí) – Bình Định là địa danh nổi tiếng khắp nước về võ thuật, ngay cả đàn bà, con gái vẫn biết côn, quyền. Về Bình Định người ta không mấy ngạc nhiên, khi bắt gặp những thiếu nữ xinh xắn, múa quyền, tập võ.
Trong hành trang văn hóa dân gian Bình Định, dấu ấn “miền đất võ” được thể hiện khá đậm nét, từ văn học đến hội lễ, từ âm nhạc đến vũ đạo, được vận dụng khá nhuần nhuyễn cho một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định là hát bội.
Dưới thời phong kiến, quan niệm trọng nam khinh nữ ăn sâu vào nếp nghĩ, nhưng con gái Bình Định cũng được học võ, luyện võ chính điều ấy đã làm cho Bình Định trở nên khác biệt và hấp dẫn.
Võ Bình Định khởi đầu là những phản xạ phòng thân, được chọn lọc, đúc kết thành đường nét, phép tắc, bài bản, trở thành một hệ thống giá trị được áp dụng.
Người Bình Định xưa ít nói đến trăng khi thề thốt, ít nói đến hoa khi hò hẹn yêu đương. Cái mà người Bình Định xưa thường vận đến như một vật chứng thiêng liêng là lưỡi gươm vàng. Rằng: “Chàng ơi đưa gói thiếp mang / Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không”.
So với đám đàn ông, những nữ sinh Bình Định mang ưu điểm nổi bật là rèn luyện chuyên cần cũng như sự khéo léo trong các đường quyền.
Với những cú đòn hiểm như thế này, đã có nhiều tên cướp đã bị đo ván bởi nữ sinh Bình Định
Thường nữ thích học biểu diễn quyền, binh khí nhưng cũng có một số em chịu khổ luyện thi đấu đối kháng với những món đòn độc.
Tại những lò võ cổ truyền ở Bình Định lực lượng nữ võ sinh đông không kém gì nam sinh.
Và ít ai ngờ những nữ sinh non trẻ này có trong mình những đường quyền mạnh mẽ. Truyền thống “Con gái Bình Định múa roi đi quyền” như mạch nguồn không bao giờ vơi cạn. Các thế hệ con gái Bình Định đã thay nhau thắp sáng ngọn lửa đam mê võ cổ truyền, tạo nên hình ảnh “con gái đất Võ” mạnh mẽ, khí phách đã đi vào lịch sử và sự nể phục của mọi người mỗi khi nhắc đến.
Bài và ảnh: Hữu Thắng
Nguồn: DANTRI.COM.VN