Vẻ đẹp kì bí núi đá Trùng Khánh (Cao Bằng)

0
188

(TITC) – Với địa hình cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) sở hữu hệ thống hang động mang vẻ đẹp kỳ thú như động Ngườm Hoài, Ngườm Đăm…, trong đó tiêu biểu nhất là động Ngườm Ngao và động Bản Thuôn ở xã Đàm Thủy, nằm cách thác Bản Giốc khoảng 3km về phía nam.

Từ Hà Nội, đi theo quốc lộ 3 khoảng hơn 300km đến thị trấn Quảng Uyên rồi rẽ tiếp theo tỉnh lộ 206, du khách sẽ đến động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun. Người dân địa phương đặt tên động là Ngườm Ngao (theo tiếng Tày có nghĩa là động Hổ) do tiếng suối chảy trong động phát ra ngoài nghe như tiếng gầm rú của hổ dữ.

Là hang động lớn được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của núi đá vôi cách đây khoảng 300 triệu năm, động Ngườm Ngao được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1921 bởi một nhà thám hiểm người Pháp nhưng mãi tới năm 1995 mới được khảo sát bởi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. Động có tổng chiều dài 2.144m (mới đưa vào khai thác du lịch 980m), gồm 3 cửa chính: Ngườm Lồm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi, Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và Bản Thuôn nằm phía sau núi, cạnh bản Thuôn của người Tày. Thông thường, du khách sẽ đi vào từ cửa Ngườm Lồm và trở ra bằng cửa Ngườm Ngao, qua đó chiêm ngưỡng được hầu hết vẻ đẹp hang động. Khung cảnh trong động vẫn giữ được nét hoang sơ tự nhiên với nhiều khối nhũ đá hình thù kì thú như tượng Phúc – Lộc – Thọ, cây đàn (mỗi khi gõ vào phát ra âm thanh như tiếng đàn Tơ rưng), ruộng bậc thang, cây san hô, con tàu, đài sen úp ngược, thác nước lấp lánh ánh vàng, ánh bạc… đáng chú ý là các cột thạch nhũ khổng lồ dựng đứng như đang đỡ lấy trần động nằm trải dài từ cửa động trở vào trong. Bao quát toàn cảnh, du khách sẽ thấy nhũ đá trong động có màu sắc khác hẳn so với các hang động khác do lượng canxi vôi hóa bị pha nhiều tạp chất. Tất cả đan xen hòa quyện cùng ánh sáng mờ ảo của đèn led khiến không gian nơi đây chẳng khác nào một mê cung kì diệu.

Du khách ra cửa Ngườm Ngao đi xuống chân núi rồi rẽ phải theo tuyến đường qua đèo Co Bây, bản Thuôn sẽ đến chân núi Phia Pảng, leo núi khoảng 50m sẽ tới động Bản Thuôn.

Cửa động hình vòm, cao 6m, rộng 9m. Hai bên cửa động có hai bức tường đá lớn do người dân bản địa dựng lên để làm lá chắn bảo vệ tính mạng và của cải trước nạn cướp phá của giặc phỉ vào cuối thế kỷ 19. Khoang ngoài của động có không gian khá rộng với những quần thể tượng đá hình các loài động vật được tạo hóa sắp đặt hết sức tài tình như chuột, nai, chim, sên, bọ ngựa… Đặc biệt, khoang ngoài còn có chiếc cổng đá cao gần 2m, bên cạnh là hai ngọn thạch đao chỉ thẳng lên trời và một cây đá cao hơn 1m. Qua một ngách nhỏ, du khách sẽ vào khoang trong với không gian rộng mở hơn. Nơi đây có cả một rừng đá được bố trí theo từng quần thể khác nhau như quần thể khối đá hình người lính, hình bầy trẻ nhỏ, hình những con vật (voi, chim…) đang tham gia ngày hội muông thú… Nổi bật nhất là khối thạch nhũ khổng lồ hình quả núi lấp lánh ánh vàng. Từ chân đến gần đỉnh núi, thiên nhiên đã kiến tạo những ô nhỏ tầng tầng, lớp lớp xếp chồng lên nhau như ruộng bậc thang. Trong các ô này có vô số hạt nhũ đá hình tròn, màu vàng trông như hạt dẻ Trùng Khánh. Trên đỉnh thạch nhũ có một khối đá hình tòa lâu đài tráng lệ với những lớp tường thành và chân các cột trụ được tạo tác khéo léo. Đây được xem như một tác phẩm điêu khắc tự nhiên đạt đến độ hoàn mĩ.

Động Bản Thuôn là điểm đến thu hút khá đông du khách khi đến với Trùng Khánh (Cao Bằng).

Thanh Hải

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn