(Nguồn ảnh: internet)
Từ trung tâm thành phố Hà Nội theo quốc lộ 3 đến trung tâm thị trấn Đông Anh, rẽ phải vào khoảng 10km, du khách sẽ đến làng rối nước Đào Thục.
Ông tổ của nghề múa rối nước Đào Thục là Nguyễn Đăng Vinh, tự Phúc Thiêm, ông nghè cuối cùng dưới triều Vua Lê Ý Tông (1735-1740). Khi làm quan “nội giám” trong triều, ông đã tiếp thu nghệ thuật rối nước của các phường rối biểu diễn phục vụ nhà vua và triều đình. Trở về làng, ông thành lập một phường rối nước nhỏ và truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho những người dân trong làng. Để tưởng nhớ công đức của ông, hàng năm, cứ vào ngày 24/2 âm lịch (ngày mất của ông), dân làng lại làm lễ dâng hương cúng giỗ vị tổ nghề và biểu diễn múa rối nước.
Ở làng rối nước Đào Thục, những con rối được chính những người dân trong làng sáng tạo ra theo hình tượng nhân vật trong các câu chuyện dân gian Việt Nam. Mỗi con rối thường cao khoảng 30 – 40cm, được làm bằng gỗ và phủ sơn bên ngoài để chống thấm nước. Nếu như ở các phường rối khác, các con rối chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo thì ở Đào Thục, các nghệ nhân có thể điều khiển con rối sang trái, sang phải và đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Để điều khiển con rối, những nghệ nhân ở đây sử dụng loại máy sào dây giúp con rối có thể lắc đều và vung vẩy được cả hai tay. Từng động tác của những con rối được trình diễn thuần thục, ăn khớp với lời thoại, lời hát và tiếng trống, tiếng đàn của người nghệ sĩ. Hơn 20 tích trò được các nghệ nhân tái hiện trong các vở diễn. Đây là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá…; các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa…; hay những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh… Những năm gần đây, các nghệ nhân làng rối nước Đào Thục còn sáng tác thêm một số tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như: “Tặng hoa ngày hội”, “Rước ảnh Bác Hồ”, “Hà Nội 12 ngày đêm”…
(Nguồn ảnh: internet)
Phường rối Đào Thục hiện có hơn 30 nghệ nhân, hầu hết là nông dân, thời gian biểu diễn chủ yếu vào lúc nông nhàn. Nhiều gia đình, dòng họ trong làng đã có 5 đời giữ nghề rối nước. Từ thế hệ trước đến thế hệ sau, họ truyền cho nhau bí quyết của nghề. Và để gắn bó được với nghề, họ cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau đổi mới để phù hợp với sự chuyển mình của thời đại.
Đến với làng rối nước Đào Thục, du khách không chỉ được vui vẻ, thư giãn với các tích trò rối nước đặc sắc mà còn có dịp thưởng thức những giai điệu dân ca mượt mà, tha thiết, những câu hát giao duyên thắm đượm hồn quê. Trải qua hàng trăm năm, người dân Đào Thục vẫn lưu giữ nghề rối nước như một báu vật của làng.
Lam Phương
Nguồn: Vietnamtourism.com