(Dân trí) – Không có núi non hùng vĩ, cũng chẳng có những thắng cảnh rợn ngợp, Đồng Tháp khiến những ai đã từng một lần đặt chân đến đều phải nhớ thương về vẻ đẹp bình yên, mộc mạc đậm chất Nam Bộ của những cánh đồng lúa phì nhiêu, những chiếc xuồng ba lá cùng tiếng chim râm ran trên sông rạch.
Khu di tích Xẻo Quýt
Vốn là một khu căn cứ quân sự từ năm 1960-1975 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Quýt nay đã là một khu du lịch nổi tiếng. Những hầm tránh bom chữ A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z,… của lực lượng cách mạng đã được phục chế nguyên vẹn. Môi trường sinh thái nơi đây cũng hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật và 200 loài động vật hoang dã.
Tham quan khu di tích, du khách có hai phương tiện để di chuyển. Nếu thích len lỏi dưới những tán cây rừng, du khách có thể đi bộ theo con đường độc đạo trong khu di tích, dài khoảng 1,5 km. Nếu không, bạn có thể trải nghiệm cảm giác ngồi thuyền trên sông nước miền Tây, chầm chậm len theo các con lạch nhỏ để khám phá toàn bộ khu di tích.
Bên cạnh trải nghiệm lịch sử, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian như đá gà, chọi chim, thăm phiên chợ quê đậm chất Nam Bộ và thưởng thức những món ngon nức tiếng Đồng Tháp. Ngoài ra, thuyền cũng đưa du khách tới thăm các làng nghề nổi tiếng, lắng nghe những câu hò trầm bổng và tiếng nhạc đờn ca tài tử bên sông.
Vườn quốc gia Tràm Chim – Tam Nông
Vườn quốc gia Tràm Chim – Tam Nông có diện tích tự nhiên 7.612 ha với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cùng hệ sinh thái vô cùng phong phú.
Vườn Quốc Gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới. Đây là nơi sinh sống của khoảng 130 loài thực vật khác nhau, có hơn 198 loài chim nước, chiếm khoảng 1/4 số loài chim có ở Việt Nam. Trong đó có nhiều loài chim quý hiếm như ngan cánh trắng, te vàng, bồ nông, già đãy Java và đặc biệt là sếu cổ trụi, hay còn gọi là sếu đầu đỏ.
Hằng năm, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 là lúc đàn sếu bay về Tràm Chim cư trú. Đến đây vào thời gian này, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh từng đàn sếu đầu đỏ bay về rợp trời, hòa cùng các loài chim khác kiếm ăn.
Vườn quýt hồng Lai Vung
Quýt hồng được trồng ở xứ này từ hơn trăm năm trước. Nhờ khí hậu, nước, đất phù sa màu mỡ, quýt hồng Lai Vung luôn cho nhiều trái to, tròn, mọng nước hơn quýt những vùng khác. Ở ba xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành của huyện Lai Vung, đâu đâu cũng thấy quýt đỏ rợp vườn, sai trĩu quả.
Quýt hồng trồng được khoảng 2 năm thì bắt đầu cho trái. Một cây quýt trưởng thành có thể cho từ 200 – 400kg trái/năm. Hoa quýt trổ đều vào tháng năm. Sau 9 tháng, quýt bắt đầu chín vàng cây. Nhưng hiện tại, người nông dân biết cách xử lí cho quýt ra trái quanh năm.
Rừng Tràm Gáo Giồng
Được xem là lá phổi của Đồng Tháp Mười, rừng tràm Gáo Giồng có diện tích khoảng 1.700 hec ta. Không gian Đồng Tháp Mười được phủ kín với những bưng trấp, bàu đầy sen, súng, lau sậy,… Cùng với đó, đây là sinh sống và làm tổ quanh năm của hàng chục loài như : trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời…
Vào mùa nước nổi, hàng nghìn cánh cò trắng bay lượn trên nền tràm xanh tươi tạo thành một khung cảnh ngoạn mục. Các lung sen lại là nơi quy tụ hàng nghìn con trích mồng đỏ thư thả kiếm ăn, thỉnh thoảng cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu tuyệt đẹp. Đến với Gáo Giồng, không những được thưởng thức tiếng chim hót, bạn sẽ bất ngờ khi thỉnh thoảng nghe thấy âm thanh của tiếng cá quẫy đuôi mời chào dưới nước.
Du khách đến với Gáo Giồng sẽ cảm nhận được sự thanh bình và thích thú khi lênh đênh trên xuồng ba lá đi qua các kênh rạch, chạy xe đạp trong rừng tràm, nghỉ mát tại chòi lá và thưởng thức các loại đặc sản mùa nước nổi.
Chợ âm phủ Đồng Tháp
Chợ âm phủ hay chợ ma là cái tên mà nhiều người dùng khi nhắc đến chợ chiếu Định Yên (thuộc huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Chợ đã tồn tại và phát triển từ hơn 100 năm nay.
Nét văn hóa độc đáo xưa kia của chợ chiếu Định Yên là chợ được họp từ nửa đêm đến hai, ba giờ sáng. Cả chợ chỉ dựa vào ánh đèn dầu leo lắt mà tiến hàng việc mua bán. Chợ không có sạp hay gian hàng nhưng người qua lại vẫn tấp nập. Trái ngược với những phiên chợ thông thường, ở nơi đây, người mua sẽ đứng yên, còn người bán mang chiếu đi khắp nơi rao hàng, thương lượng giá cả.
Chợ chiếu Định Yên- một nét văn hóa của Đồng Tháp.
Hiện nay, việc lưu thông buôn bán thuận tiện hơn nên “chợ âm phủ Đồng Tháp” không còn họp vào ban đêm. Chiếu Đồng Tháp được nhiều người biết đến bởi sự phong phú, đa dạng trong mẫu mã và sự hoàn hảo về chất lượng.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp
Nguồn: DANTRI.COM.VN