Làng cổ Đường Lâm là một vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử và là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Được biết đến với những cái tên thuần Việt như “Làng Việt cổ”, “Làng cổ đá ong”, làng cổ ở Đường Lâm được xếp hạng là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia đầu tiên của cả nước. Vì vậy, khi tới Hà Nội, sẽ thật thiếu sót nếu không ghé thăm “Cổ trấn Đường Lâm”.
Về lại xứ Đoài
Lời ca dao mẹ hát tự ngàn xưa
Mũi hài cũ rêu im ngón lạnh
Mái chùa cong qua gió mưa
(Trích đoạn trong bài thơ Về lại xứ Đoài – tác giả Thu Bồn)
Bước chân tới làng cổ Đường Lâm là như trở về với giá trị văn hóa lịch sử thiêng liêng – Ảnh: Thiện Tâm
Xứ Đoài, vùng đất thâm trầm mà sâu lắng lạ, nơi hồn thiêng sông núi còn vang vọng ngàn năm. Quần thể di tích Đường Lâm được hình thành và phát triển trong sự gắn bó đoàn kết, khăng khít hữu cơ với cuộc sống thường nhật vận động theo tiến trình của các thế hệ. Đó là những thành quả, trí tuệ, sự sáng tạo, gìn giữ, phát huy hồn cốt, văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Hầu như các di tích đều được các bậc tiền nhân dày công sáng tạo, xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của vùng, đó là đá ong xứ Đoài, thứ vật liệu bảo đảm cho công trình luôn vững chãi, mang vẻ đẹp cổ kính đặc trưng. Vì thế, quần thể di tích làng cổ ở Đường Lâm vẫn còn được nhắc đến với cái tên khác như: “Làng Việt cổ đá ong” hay “Làng cổ ấp hai Vua”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Văn Lợi, Bí thư xã Đường Lâm cho biết, Đường Lâm là một trong loại hình tổ hợp của cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, bao gồm cổng làng cổ, đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, giếng, điếm, văn chỉ, võ chỉ và đặc biệt là những ngôi nhà cổ mộc mạc, đơn sơ với mái ngói rêu phong trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thời gian. Ghé thăm nơi đây, du khách sẽ được khám phá nét độc đáo, đặc trưng của cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, đền Phủ bà chúa Mía, chùa Mía, đình thờ Phùng Hưng, đền – lăng Ngô Quyền… Những con đường hình xương cá, ngôi nhà cổ mấy trăm năm… luôn tạo sức hút, hấp dẫn và vẻ đẹp huyền bí, chứa đựng bao câu chuyện lịch sử thú vị.
Đến thăm quần thể di tích làng cổ ở Đường Lâm, ngoài các điểm tham quan tiêu biểu, các giá trị nổi bật, du khách không thể không bỏ qua một loại hình di tích quý là nơi trú ngụ sinh sống của các thế hệ người nông dân. Đó chính là những ngôi nhà cổ, được nằm ẩn mình phủ màu ngói vẩy cá rêu phong đã có tuổi đời vài thế kỉ… Hội tụ trong ngôi nhà ấy là những phong tục tập quán, tín ngưỡng, gia phong cổ truyền…
Làng cổ Đường Lâm với những ngôi nhà đá ong truyền thống – Ảnh: Thiện Tâm
Những di sản văn hóa làng cổ còn ẩn chứa một kho tàng văn hóa Hán Nôm, văn bia tiêu biểu được tồn tại trong các ngôi nhà cổ từ các bức hoành phi, câu đối, văn bia, đại tự, sắc phong. Trong không gian văn hóa làng cổ mang đậm hồn quê nông thôn Việt Nam, chúng ta còn được thưởng thức các giá trị ẩm thực được lưu truyền, bảo tồn, phát huy qua bao thế hệ như: Tương làng Mông Phụ, chè kho, chè lam, gà Mía, thịt quay đòn, bánh rán nước, kẹo dồi, kẹo lạc vừng của làng Đông Sàng; món cà dầm tương xé phay màu hổ phách, bánh gai làng Cam Lâm, củ cải khô Mông Phụ… hay cách nhộn nhịp, tấp nập của phiên chợ Mía mỗi sớm mai ngày mới, với vô vàn sản vật của cả vùng được bày bán trao đổi.
Những năm qua, lãnh đạo các cấp, các ngành đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cho làng cổ ở Đường Lâm về quy hoạch làng cổ, đầu tư cơ sở hạ tầng, tu bổ các công trình văn hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp và sản phẩm làng nghề. Đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích làng cổ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Cán bộ và nhân dân xã Đường Lâm cũng đã có nhiều cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế, giới thiệu các sản phẩm văn hóa truyền thống, phục vụ khách du lịch, thích nghi dần với phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ gắn với văn hóa du lịch.
Theo ông Phan Văn Lợi, hàng năm Di tích làng cổ Đường Lâm đón hơn 10 vạn du khách. Tính riêng năm 2016, làng cổ ở Đường Lâm đón trên 15 vạn du khách. Hiện làng cổ đã được UBND thành phố đưa vào danh sách là 1 trong 3 làng du lịch quốc tế (3 làng gồm: Làng cổ ở Đường Lâm – Sơn Tây, làng lụa Vạn Phúc – Hà Đông, làng gốm Bát Tràng – Gia Lâm). Theo dự báo về công tác phát triển du lịch, du khách đến với làng cổ ở Đường Lâm sẽ ngày càng nhiều. Đây sẽ là cơ hội cũng như thách thức để người dân Đường Lâm và các doanh nghiệp vươn lên làm giàu kinh tế, văn hóa, du lịch, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất cổ lịch sử.
Xứ Đoài, Đường Lâm – mới nghe tên thôi mà cứ gây bao thương nhớ, xuyến xao. Nếu một lần dừng chân, chắc hẳn bạn sẽ mãi lưu luyến chẳng muốn rời xa… Ngược dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, chúng ta đến quần thể di tích làng cổ không chỉ để được khám phá, tham quan các di tích, nhà cổ tiêu biểu mà còn được trải nghiệm, lắng đọng tâm hồn mình trong miền kí ức xa xôi, được chìm đắm trong thanh âm, khúc tráng ca oai hùng của ông cha, của lịch sử non sông gấm vóc vọng về. Mỗi tấc đất, mỗi con sông, ngọn núi, cánh đồng… đều thấp thoáng bóng dáng của quê hương xứ sở, nơi sinh ra và lớn lên của mỗi con người. Có bao giờ chúng ta suy nghĩ du lịch không chỉ đơn giản là được đến những nơi mình yêu thích, đặt chân đến vùng đất mới để thỏa mãn sự tò mò, thử thách cái tôi, mà đó còn là tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, sự trân quý, tôn vinh những giá trị lịch sử, hồn cốt của dân tộc. Nếu thăm Hà Nội, đừng quên ghé “Cổ trấn Đường Lâm”.
Thiện Tâm
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn