Về lại cố đô xưa: Cố đô Huế (Bài 3)

0
Về lại cố đô xưa: Cố đô Huế (Bài 3)

Cố đô Huế từng là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) – vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Không như các cố đô của các triều đại trước, cố đô Huế vẫn còn rất nhiều các công trình kiến trúc ghi dấu ấn của vương triều hưng thịnh xưa kia.

 Một trong những công trình kiến trúc của cố đố Huế xưa

 

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế và xây dựng Nhà Nguyễn, rất nhiều công trình kiến trúc gồm lăng tẩm, chùa, cung điện…đã được xây dựng trên địa bàn kinh đô Huế xưa, nay là thành phố Huế và một số vùng phụ cận. Trong số đó có nhiều di tích được xếp vào danh sách Quần thể di tích cố đô Huế đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam, đồng thời Quần thể di tích cũng là một trong các Di sản văn hóa của Thế giới đã được Unesco công nhận.


Vì là vương triều phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam, các di tích tại cố đô Huế nói chung còn khá nguyên vẹn, được chia thành các cụm công trình gồm: Cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và trong kinh thành Huế. Bởi số lượng các di tích – điểm thăm quan khá nhiều do đó không thể thăm quan cố đô Huế trong một ngày. Thường thì du khách sẽ lựa chọn danh 1 ngày thăm quan cụm công trình trong kinh thành Huế và ngày còn lại thăm quan ngoài kinh thành.


Kinh thành Huế được vua Gia Long cho khởi công xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Kinh thành Huế có diện tích lên tới 520 ha nằm ngay bên bờ sông Hương, Cổng chính và các kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành… đều xoay mặt về hướng nam. Thành có 10 cửa chính, trong đó có Cổng Ngọ Môn thường được ví như biểu tượng của Huế.


Bên trong kinh thành có Hoàng Thành, Tử Cấm Thành là những công trình chính, ngoài ra còn có các di tích như Kỳ Đài, Trường Quốc Tử giám, Điện Long An, Đình Phú Xuân, Hồ Tịnh Tâm…

 

Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế, là nơi ở của Vua và Hoàng gia cũng đồng thời là nơi làm việc của triều đình.

 

Hoàng thành được xây dựng năm 1804 những mãi đến năm 1833 mới thực sự  hoàn thành. Bên trong Hoàng thành lại có Điện Thái Hòa – nơi vua thiết triều; Tử Cấm Thành – nơi ở và sinh hoạt của hoàng gia; Khu vực các miếu thờ tổ tiên.


Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, di tích này được khởi công xây dựng năm 1803. Khi mới xây dựng di tích này được gọi là Cung Thành cho đến năm 1821 mới được đổi tên thành Tử Cấm Thành. Nhiều năm nay, người ta thường gọi gộp cả Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.


Bởi diện tích quá rộng lớn do vậy dù chỉ thăm quan trong kinh thành, du khách cũng không có đủ thời gian để tới tất cả các di tích mà chỉ có thể lựa chọn vài di tích tiêu biểu, thông thường là Đại Nội; Điện Thái Hòa; Điện Long An; Duyệt thị Đường…


Nếu như bên trong kinh thành đã làm du khách thấm mệt bởi sự rộng lớn thì bên ngoài kinh thành số lượng di tích và các điểm thăm quan còn đa dạng hơn rất nhiều. Riêng hệ thống các lăng đã gồm: Lăng Gia Long; Lăng Minh Mang; Lăng Thiệu Trị; Lăng Tự Đức; Lăng Đồng Khánh; Lăng Dục Đức; Lăng Khải Đinh. Ngoài ra còn có Phu Văn Lâu; Văn Miếu; Võ Miếu; Đàn Nam Giao; Hổ Quyền; Điện Hòn Chén; Chùa Thiên Mụ; Cung An Định.


Nếu chỉ có thời gian một ngày, du khách sẽ không thể đi hết các di tích nêu trên mà sẽ phải chọn lọc. Trong trường hợp muốn tìm hiểu thật cặn kẽ về cố đô Huế, du khách sẽ phải ở lại đây vài ngày như vậy mới có thể đi hết các điểm thăm quan đồng thời thưởng thức ẩm thực và nghệ thuật truyền thống tại vùng đất cố đô này.


Các lăng như Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng và chùa Thiên Mụ cùng với Phu Văn Lâu  là các di tích có số lượng khách thăm quan nhiều nhất bên ngoài kinh thành.

 

Lăng Minh Mạng còn được gọi là Hiếu Lăng do vua Thiệu Trị cho xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 để chôn cất vua cha. Lăng nằm trên đỉnh núi Cẩm Khê, đây cũng là điểm hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương.


Lăng Tự Đức do chính vua Tự Đức cho xây dựng khi ông còn tại vị. Lăng là một quần thể kiến trúc đẹp nằm trong thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng tổng Cư Chánh cũ, nay là thôn Thượng Ba, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng lăng được đặt tên là Vạn Niên Cơ, sau này đổi tên thành Khiêm Cung, cho đến khi vua Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Người đời sau quen gọi thành lăng Tự Đức, đây là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của triều Nguyễn.


Lăng Khải Định nằm trên núi Châu Chữ còn có tên gọi là Ứng Lăng. Lăng được xây dựng vào năm 1920 sau khi vua Khải Định lên ngôi. Lăng Khải Định có sự pha trộn giữa kiến trúc của phương Đông kết hợp với phương Tây cũng vì lẽ đó mà người đời sau khi xếp hệ thống kiến trúc lăng tẩm nhà Nguyễn thường không có tên lăng Khải Định.


Hầu hết các lăng tẩm, công trình kiến trúc tại cố đô Huế đều là những công trình kiến trúc đẹp có giá trị cao về mỹ thuật và lịch sử. Vì vậy, nếu có thể sắp xếp thời gian, du khách nên ở lại Huế để thăm quan hết các di tích cũng như tìm hiều về văn hóa mảnh đất cố đô. Tuy nhiên nếu thời gian không cho phép, lựa chọn những điểm thăm quan tiêu biểu trong hai ngày và tranh thủ các bữa trưa, tối để thưởng thức ẩm thực Huế cũng là một lựa chọn thú vị sẽ để lại cho quý khách nhiều kỷ niệm khó quên.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn