Về miền hoa ban

0
157

Ngược lên Tây Bắc bây giờ chẳng còn thấy hoa ban nở trắng trời, trắng núi như chừng chục năm về trước. Nhưng hoa ban vẫn còn đẹp lắm, quyến rũ lắm. Một khúc cua vòng tay áo trên đèo Pha Ðin khiến du khách phải giảm tốc độ, để rồi sững sờ, choáng ngợp mà dừng lại trước một gốc ban đang bung nở muôn vàn đóa hoa trắng muốt xòe cánh in dấu trên bầu trời xanh thẳm.

 

Rời Hà Nội theo quốc lộ số 6, qua Hòa Bình, rồi Thuận Châu (Sơn La), đến Tuần Giáo (Ðiện Biên), chúng tôi như lạc vào một giấc mơ tươi đẹp, một xứ sở thần tiên với sắc xanh rừng núi ngút ngàn được điểm tô bằng sắc hoa ban tinh khôi. Người yêu nghệ thuật say mê hoa ban trong những áng văn Nguyễn Tuân thế kỷ trước hay “hoa ban nở thành người con gái Thái” trong câu thơ Trần Mạnh Hảo “Gửi Lai Châu”, thuộc lòng những câu hát trắng rừng hoa ban trong “Phiên chợ ngày xuân”, “Thơ tình của núi”, “Về miền hoa ban”… Kẻ ưa xê dịch thì như bị “bỏ bùa” bởi những dốc Tà Lèng, đường Tây Trang, đỉnh Pha Ðin rực rỡ bao mùa hoa. Giờ người ta mang cây ban về trồng khá nhiều dưới miền xuôi, ở các đại lộ, các đô thị, nhưng được thưởng ngoạn loài hoa biểu tượng của Tây Bắc trên chính quê hương của nó vẫn đem lại những cảm xúc diệu kỳ không gì sánh nổi.

 

Cây ban thân mộc, dáng khẳng khiu. Mùa đông cây trút hết lá, dồn nhựa vào thân, đợi sang xuân đâm chồi nảy lộc. Lá ban mọc cách, không xếp thành tán và không rậm rạp như các loài cây khác. Trong con mắt những kẻ lãng mạn, chiếc lá ban trông rất giống hình một trái tim, nụ hoa thì thon thon, mềm mại như búp tay người con gái. Khi bừng nở, những cánh hoa trắng muốt ôm lấy nhụy cánh tiên phớt hồng tím, khẽ rung rinh trong gió tựa như những cánh bướm. Hương hoa chỉ khẽ thoang thoảng, phơn phớt, nhưng lưu lại rất lâu. Sức sống của cây ban cũng rất mãnh liệt, dù trên đồi cỏ gianh khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, hoặc dưới những thung sâu hút tầm mắt, đều có thể bắt gặp những trảng hoa ban trắng trong mơ màng, thỉnh thoảng xen lẫn một vài cây ban đỏ hoặc sắc hoa gạo đỏ nổi bật. Hoa ban gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người Thái, tượng trưng cho những quan niệm tốt đẹp như tình yêu đôi lứa thủy chung, lòng hiếu thảo của thế hệ sau với thế hệ trước.

 

Ðến với TP Ðiện Biên Phủ vào đúng dịp tổ chức lễ hội Hoa Ban, một hoạt động thường niên nhằm tri ân cội nguồn lịch sử và tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa, chúng tôi may mắn được hòa vào dòng người đi tham quan, chơi chợ phiên, thưởng thức những sản vật của rừng và xoay trong điệu xòe, điệu sạp bên ánh lửa bập bùng của những đêm hội bản. Hình ảnh cánh hoa ban trắng mỏng manh cài trên mái tóc huyền như hòa lẫn với hàng khuy bướm lấp lánh trên áo cóm của các cô gái Thái, là một vẻ đẹp đơn sơ giản dị mà khó quên.

 

Rồi vào thăm các bản người Thái chung quanh cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng, chúng tôi hết sức phấn khích khi phát hiện ra hoa ban không chỉ đẹp mà còn… ngon. Nghe có vẻ lạ đời, nhưng người dân xứ này bao đời nay đã tìm ra những cách dùng hoa ban nấu canh, làm nộm, xào thịt hoặc đồ lên chấm với dấm ớt măng chua, hết sức ngon lành, bổ dưỡng. Ðó là đặc điểm riêng của hoa ban mà nhiều loài hoa khác không có được. Cùng với quả mã tàng, hạt mắc khén, rau vón vén, hoa ban góp thêm phong vị núi rừng vào mâm cơm đãi khách ngày Xuân của gia chủ người Thái, vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Nguyên liệu làm món nộm hoa ban trứ danh không mấy cầu kỳ, chỉ gồm lá, hoa, cá suối nướng, tương, giềng và gia vị. Hoa ban luộc chín để nguội, ướp tương, giềng, muối, ớt, tỏi, mùi tàu, húng, mắc khén. Rồi đem trộn nhẹ nhàng, đều tay với thịt cá nướng than hoa xé nhỏ, cho đến lúc ngấm là có thể bày ra đĩa thưởng thức. Nhấp chén rượu cay nồng cùng món nộm hoa ban rừng độc đáo trong tiết Xuân, du khách hẳn sẽ còn lưu luyến mãi về ẩm thực và con người hiếu khách nơi đây.

 

Mỗi độ Xuân về, khi hoa đào, hoa mận đã dần phai thì hoa ban đua nở thắp sáng núi rừng Tây Bắc, lòng người lại náo nức muốn thêm một lần được về xứ hoa ban, gặp hội Xên bản, Xên mường, hòa mình vào những điệu hát giao duyên trên thuyền xuôi sông Ðà, sông Mã. Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ rừng núi thân yêu, còn có nỗi nhớ da diết loài hoa ban đẹp đẽ.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn