Nói đúng hơn, có lẽ phải gọi nghệ thuật vẽ tranh này là một loại hình nghệ thuật chứ không chỉ đơn thuần là một phần của ẩm thực nữa.
Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với nền ẩm thực vô cùng phong phú, với những điểm khác biệt riêng và mang trong đó những nét nghệ thuật vô cùng tài tình. Thì đó, ngay như một chiếc kẹo đường thôi mà cũng chế tác nên cả một tác phẩm tranh vẽ vô cùng nghệ thuật rồi.
Chỉ từ một vài thìa đường nung chảy, người nghệ nhân đã khéo léo vẽ thành những bức tranh đường vừa đẹp mắt, hấp dẫn, khiến những vị khách đi qua không khỏi tò mò nán lại xem và mua lấy một chiếc.
Vẽ rồng vẽ phượng chỉ từ… đường để tạo nên những chiếc kẹo ngọt ngào, ẩm thực Trung Quốc quả là tài tình
Nghệ thuật tranh đường (còn gọi là đường hoạ, tiếng Trung Quốc là 糖画, bính âm là táng huà) là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Trung Quốc. Người nghệ nhân sẽ sử dụng dung dịch đường nóng chảy để vẽ nên những bức tranh đường, mà chủ yếu là hình các con vật. Đây cũng là món kẹo mà trẻ em vô cùng yêu thích.
Theo ghi chép, nghệ thuật tranh đường có từ thời nhà Minh, được tạo ra để phục vụ các nghi lễ tôn giáo. Sau đó, hình thức nghệ thuật này dần trở nên phổ biến, bắt nguồn từ tỉnh Tứ Xuyên và lan rộng sang nhiều nơi khác. Nhiều người đã sử dụng nó để kiếm sống bằng cách dựng nên các quầy hàng. Sau này, các quầy hàng làm tranh đường cũng thường xuất hiện ở những con phố, các khu chợ đông đúc, những nơi công cộng nhiều người qua lại…
Để làm tranh đường, người ta nấu đường nâu hoặc đường cát trắng cho tan chảy. Sau đó, các nghệ nhân có kinh nghiệm sẽ xác định thời điểm thích hợp mà đường có màu sắc đẹp mắt nhất và độ nóng phù hợp dùng để vẽ tranh. Mỗi tác phẩm sẽ được thực hiện trên một mặt phẳng bằng gỗ hoặc cẩm thạch, ngày nay thì còn có thể dùng vật liệu bằng nhựa.
Sau đó, người ta dùng muỗng đồng múc đường từ nồi ra rồi đổ lên mặt phẳng, cứ thế phác thảo thành hình theo ý muốn. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo… Mặt phẳng chính là một tờ giấy còn đường như một cây cọ, cứ thế họ tạo nên tác phẩm của mình. Khi đường còn ấm và mềm, nghệ nhân sẽ gắn lên một thanh gỗ (que tre) nhỏ để làm dụng cụ cầm cho chiếc kẹo.
Để lấy tranh khỏi mặt phẳng cũng cần hết sức cẩn thận. Chờ tới khi đường khô đủ độ thì dùng dụng cụ bằng kim loại mỏng để nạy lên.
Ngày nay, hoạt động làm và mua bán tranh đường diễn ra rất phổ biến. Khách hàng sẽ dùng quay một vòng quay, mũi tên chỉ vào hình nào, nghệ nhân sẽ làm cho bạn hình đó.
Các hình mẫu phổ biến thường là con rồng, phượng, chuồn chuồn, cánh bướm, con cá, khỉ, chó, các loài chim hoặc các loại hoa quả…
Nguồn: wiki, internchina…
Nguồn: KENH14.VN