(Dân trí) – Trong quần thể làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang) thì ngôi nhà cụ Xoát ở ấp An Thạnh (xã Đông Hòa Hiệp) đặc biệt nhất vì xây dựng từ lâu đời lại có sự pha trộn giữa kiến trúc phương Đông – phương Tây rất độc đáo.
Từ Quốc lộ 1A, men bờ sông đi theo đường giao thông nông thôn khoảng 3 km về ấp An Thạnh sẽ bắt gặp ngôi nhà cổ bề thế quanh vườn nhãn mang kiến trúc độc đáo thu hút khách du lịch đến tham quan. Ở ngoài nhìn vào là hàng cột xi măng tròn, thẳng tấp được sơn màu trắng với nhiều hoa văn mang đậm lối kiến trúc cổ của phương Tây. Tuy nhiên khi vào nhà du khách càng ngỡ ngàng với căn nhà gỗ cổ kính mang đậm phong cách kiến trúc Huế.
Chủ nhân của ngôi nhà là ông Lê Quang Xoát, 61 tuổi (hậu duệ đời thứ 6 thừa kế ngôi nhà này) cho biết: “Ông tổ của tôi là Lê Văn Ký làm quan triều đình nhà Nguyễn nhưng không hiểu gì lý do gì vào vùng đất này lập nghiệp. Đến khoảng năm 1818 thì cho xây dựng ngôi nhà gỗ trên diện tích 750 m2 trong tổng tiện tích 1,2 ha của toàn khu đất. Đây là ngôi nhà gỗ với cột, kèo, mái ngói và vật dụng giống hệt nhà ở Huế thời điểm đó. Qua nhiều đời, đến năm 1920 thì ông Lê Quang Phiên cho xây dựng thêm mặt trước với kiến trúc Pháp nên ngôi nhà rất đặc biệt ở bên ngoài thì kiến trúc phương Tây, bên trong là kiến trúc phương Đông”.
Theo ông Xoát, kiến trúc phương Tây ở bên ngoài với bê tông rất chắc chắn để bảo vệ toàn bộ khung gỗ nhà bên trong của ngôi nhà. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngôi nhà cổ này là nơi nuôi giấu cán bộ, chứa giấy tờ nhờ vào phần trần la phông ở nóc của mặt trước. Sau đó, ngôi nhà bị trúng bom nên hư hỏng một phần. Hiện nay phần cánh cửa của căn nhà hư hỏng do bom đạn được chủ nhân của ngôi nhà tìm cách lắp ghép tạm thời bằng ván ép.
Ông Xoát cho biết thêm: “Đây là ngôi nhà cổ nhất trong làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp. Tuy nhiên đường vào quanh co nên du khách nước ngoài ít ghé tới. Nếu được nhà nước đầu tư nâng cấp đường sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn”. Hiện tại căn nhà đang xuống cấp, một tổ chức của Nhật Bản đã đến khảo sát để tài trợ trùng tu lại căn nhà cổ này. Khi đó, nơi đây sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa vì kiến trúc độc đáo của nó.
Không chỉ có kiến trúc độc đáo ngôi nhà được nhiều thế hệ vun đắp nên có những nét độc đáo. Giữa 2 lần xây dựng lớn cách nhau gần 100 năm nên có sự khác biệt rất lớn so với những ngôi nhà cổ khác trong vùng và là sự pha trộn triến trúc Đông – Tây nên tạo nét đặc biệt hiếm có của công trình cổ này.
Hoàng Trung
(email: hoangtrung@dantri.com.vn)
Nguồn: DANTRI.COM.VN