Sáng 12/5/2019, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 – Vesak 2019 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc tế Chùa Tam Chúc, Hà Nam.
Gần 3000 đại biểu chính thức tham dự Đại lễ trong đó có 1650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương. Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tham dự khai mạc Đại lễ còn có Tổng thống Myanmar Win Myint; Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu; Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli; Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan Tashi Dorji; Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Ủy ban Kinh tế – Xã hội Liên hợp quốc Armida Salsiah Alisjahbana; đại sứ một số quốc gia…Cùng với đó là các vị Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức học giả phật giáo trên thế giới.
Sau các nghi thức cung rước Chư tôn đức giáo phẩm, Tăng thống và các Nguyên thủ quốc gia, xưng tán Tam bảo, niệm danh hiệu Phật, Hòa thượng Thích Trí Quảng đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc Thông điệp của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ-Pháp chủ Giáo hội. Trong thông điệp, Pháp chủ tin tưởng, thông qua trao đổi các vấn đề trong đó có “cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” tại Đại lễ lần này, cộng đồng Phật giáo thế giới sẽ đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ chính tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu mà Liên Hiệp Quốc hướng tới.
Tiếp đến, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019 đọc diễn văn khai mạc, nêu bật ý nghĩa của Đại lễ Vesak 2019 lần thứ 16, nhấn mạnh Thông điệp của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại của chúng ta.
Đọc diễn văn chào mừng đại lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đại lễ là dịp để mỗi người cùng tĩnh tâm chiêm nghiệm lời Phật dạy, cùng nhau tìm ra giải pháp, kiến tạo thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Thủ tướng cho rằng Vesak là thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Liên Hợp Quốc vì thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát huy những giá trị tích cực của đạo Phật cùng nhau xây dựng thế giới hoà bình, dù các dân tộc, quốc gia có sự khác nhau về ngôn ngữ, truyền thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chủ đề Vesak 2019 về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, đồng thời kêu gọi “mỗi người hãy là sứ giả của Đức Phật để hiện thực hoá thông điệp hoà bình, yêu thương vào cuộc sống, góp phần hoá giải xung đột, khổ đau, để mọi người được sống yên vui, làm tỏa sáng ý nghĩa Vesak trong khắp cõi nhân gian, kiến tạo một cõi Niết bàn trong thế giới hiện thực.”.
Thủ tướng nhấn mạnh, với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng quan hệ hợp tác với các quốc gia với tinh thần đoàn kết, hoà bình, vì sự hoà hợp giữa các dân tộc, góp phần củng cố những giá trị văn hóa cao đẹp của toàn nhân loại. Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; đồng thời, tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới.
Thủ tướng tin tưởng rằng, “với nỗ lực chung của mỗi chúng ta vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp, thành tựu viên mãn”.
Với vai trò là nước chủ nhà Vesak 2019, Thủ tướng hy vọng, các đại biểu sẽ có những ngày ý nghĩa tại Việt Nam và hiểu thêm về con người, văn hoá nơi đây.
Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak LHQ Hòa thượng GS.TS. Phra Brahmapundit cũng có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của Phật giáo trong cuộc sống hiện đại. Theo Hòa thượng, từ chủ đề chính của Đại lễ, với 5 diễn đàn diễn ra trong những ngày Đại lễ sẽ được Ban soạn thảo đưa vào Tuyên bố chung Hà Nam. Những chủ đề của diễn đàn hôm nay nằm trong 17 mục tiêu phát triển của Liên Hiệp Quốc.
Tiếp đến, Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thư ký LHQ…lần lượt đọc diễn văn chào mừng Đại lễ. Đặc biệt, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu có bài thuyết trình với chủ đề : “Các tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Các đại biểu cũng nghe Thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từ màn hình.
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak là sự kiện văn hóa chính trị quan trọng của Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm và là lần thứ ba Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức (lần đầu tiên vào năm 2008, lần thứ hai vào năm 2014). Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần khẳng định sự hội nhập quốc tế của Phật giáo Việt Nam, cũng như vị thế, trách nhiệm của Việt Nam với các hoạt động của LHQ trên mọi lĩnh vực.
Theo Ban Tổ chức Đại lễ, hơn 7.000 Tăng Ni trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia các đội hình tình nguyện phục vụ Đại lễ Vesak 2019 ở các vị trí khác nhau như: lễ tân, hướng dẫn đoàn, đón tiếp, hậu cần, ẩm hực, đêm hoa đăng…
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn