‘Vết sẹo’ từ Covid-19 ở tiệm cà phê gốc Việt tại Sydney

0
‘Vết sẹo’ từ Covid-19 ở tiệm cà phê gốc Việt tại Sydney

Ở những nơi phải chịu lệnh hạn chế cứng rắn nhất tại Sydney, hoạt động kinh doanh và tâm lý người dân vẫn chưa thể phục hồi. Cuộc khủng hoảng khiến sự chia rẽ trở nên rõ nét hơn.

Minh Bui, chủ một quán cà phê ở Livepool, Sydney, Australia từng hiếm khi có thời gian nghỉ ngơi trong những giờ làm việc của mình, thế nhưng tuần này, cô không có gì phải vội. Trong quán cà phê, chỉ có cô và hai người phụ nữ.

Khi được hỏi về tình hình kinh doanh của quán kể từ khi lệnh phong tỏa ở Sydney được dỡ bỏ, Minh Buii nhìn vào những chiếc ghế trống xung quanh cô.

“Nó khá tệ, còn tồi tệ hơn trước khi bị phong tỏa”, cô chia sẻ với Guardian. “Trong hai năm qua, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn. Trước khi biến chủng Delta xuất hiện, công việc kinh doanh chỉ đạt khoảng 50% so với trước đây. Giờ đây, con số này đã giảm xuống 25%”.

Covid-19 anh 1

Minh Bui, chủ quán cà phê Oscarinos Espresso ở Liverpool, phía tây Sydney. Ảnh: Guardian.

Minh Bui cho biết quán cà phê của cô, Oscarinos Espresso, từng rất đông khách, chủ yếu là khách hàng từ các văn phòng ở khu vực xung quanh. Tuy nhiên, đến nay, những tòa nhà này vẫn còn bỏ trống.

Cô đã phải sa thải năm nhân viên và tự mình làm việc để duy trì hoạt động của quán.

“Tôi rất thất vọng và lo lắng về tương lai. Một công việc kinh doanh từng rất phát đạt, giờ đây trở thành quán cà phê vắng vẻ, hầu như không có khách. Tôi không muốn đóng cửa, nhưng có ai nói trước được điều gì?”, cô chia sẻ.

Trong khi nền kinh tế Sydney đang dần phục hồi sau đợt phong tỏa kéo dài do Covid-19, công việc kinh doanh của nhiều cửa hàng ở phía tây bị xáo trộn, đặc biệt là ở 12 LGA, nơi phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt nhất.

Hầu hết hạn chế đối với những người tiêm chủng đầy đủ đã chính thức được dỡ bỏ từ ngày 11/10, gần hai tháng trước, nhưng Minh Bui cho rằng Liverpool vẫn chỉ đang hoạt động với khoảng 20% ​​công suất.

Hết phong tỏa, vẫn thất nghiệp

Số liệu gần đây của Cục Thống kê Australia cho thấy ở một số vùng ngoại ô – những khu vực phải đối mặt với lệnh hạn chế khắc nghiệt nhất – tỷ lệ thất nghiệp hiện đạt mức cao nhất trong thành phố. Chỉ ba quận ở khu vực này chiếm gần một nửa số việc làm bị cắt giảm tại Sydney trong tháng 10.

Các chủ doanh nghiệp cho biết đó là dư âm sau nhiều tháng đầy thử thách, phải đương đầu với dịch bệnh trong tình trạng bế tắc.

Hiện nay, họ đang cảm nhận một cách rõ ràng nhất tác động của những hạn chế khắc nghiệt, khi niềm tin của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tâm lý thận trọng trong một thời gian dài.

Covid-19 anh 2

Quán cà phê Oscarinos Espresso ở ngoại ô Sydney. Ảnh: Guardian.

Dimitri Karam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Liverpool, nói rằng trong khi một số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thích ứng tốt với lệnh phong tỏa, đang phát triển mạnh mẽ, nhiều công ty vẫn đang chật vật để hồi phục, Guardian đưa tin.

“Tôi cảm thấy chúng ta vẫn đang sống trên bờ vực và không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta chưa hồi phục hoàn toàn và đó là lý do tại sao bạn vẫn thấy các doanh nghiệp có cảm xúc lẫn lộn”, ông chia sẻ.

Những “vết sẹo” tâm lý

Trong khi đó, theo Carla Filipakis, người sáng lập và chủ sở hữu của công ty Decorati, những “vết sẹo” tâm lý do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại, có thể mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.

“Tôi nghĩ rằng vết sẹo đó là việc thức dậy mỗi ngày để nghe về các ca mắc mới trong cộng đồng. Rất nhiều người trong chúng tôi đã thực hiện tốt các quy định nhưng vẫn cảm thấy mình là mục tiêu”, Filipakis chia sẻ với Guardian.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố tỏ ra không mấy hài lòng trước tình trạng này. Tuần trước, người đứng đầu cơ quan Việc làm, Đầu tư và Du lịch Tây Sydney, ông Stuart Ayres, nói với các phóng viên rằng khu vực này cần phải từ bỏ “tâm lý nạn nhân”.

“Tôi hoàn toàn bác bỏ ý kiến ​​cho rằng chúng ta sống trong một thành phố phân chia cấp bậc”, ông nói. “Chính phủ đã đưa ra quyết định để ngăn chặn dịch bệnh ở những nơi có virus”.

Covid-19 anh 3

Minh Bui trong quán cà phê của cô ở Liverpool. Ảnh: Guardian.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cộng đồng nhấn mạnh rằng cảm giác chia rẽ với phần còn lại của thành phố trong thời gian dài, và sự lo sợ các hạn chế có thể quay trở lại không chỉ đè nặng lên nền kinh tế, mà còn làm sâu sắc thêm các thách thức xã hội khác.

Một báo cáo về tác động của việc đóng cửa do diễn đàn cộng đồng Western Sydney và trung tâm nguồn lực người di cư Tây Sydney thực hiện, đã chỉ ra rằng cách tiếp cận của chính quyền thành phố có tác động tiêu cực đối với sự gắn kết xã hội.

“Người dân địa phương coi những lời tuyên bố trước công chúng là sự nhấn mạnh vào việc tuân thủ và trừng phạt hơn là sức khỏe cộng đồng. Điều này dẫn đến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong xã hội”, báo cáo viết.

Tiến sĩ Archana Voola, trung tâm nguồn lực cho người di cư Tây Sydney, nói với Guardian rằng cách tiếp cận của các nhà chức trách đang làm trầm trọng thêm và phơi bày sự chia rẽ vốn đã hình thành trong quá khứ.

“Nền móng đã có vết nứt và khi có động đất, những vết nứt đó sẽ sâu hơn. Sự chia rẽ vốn dĩ đã xảy ra từ trước, cuộc khủng hoảng lần này chỉ làm cho nó rõ ràng thêm”, bà cho biết.

“Chúng tôi vẫn nhận được những câu hỏi rằng chính phủ đang làm gì để khắc phục cảm giác chia rẽ này, kế hoạch là gì? Có phải các vấn đề sẽ chỉ được thảo luận mà không bao giờ được khắc phục?”.

Bà cho biết các lệnh phong tỏa đặc biệt ảnh hưởng đến cộng đồng người nhập cư dễ bị tổn thương. “Họ vẫn hiện diện với nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nhiều người trong số họ đã sử dụng những từ như căng thẳng, lo lắng, buồn bã, trầm cảm, để mô tả khoảng thời gian bị phong tỏa”.

Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị, bao gồm việc tài trợ cho các chương trình phát triển đa văn hóa, mở rộng cơ hội việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng y tế.

Trước đó, chính quyền bang New South Wales (NSW) đã công bố quỹ “WestInvest” trị giá 5 tỷ USD, nhưng vẫn chưa cho biết số tiền này sẽ được chi vào đâu và như thế nào. Văn phòng của ông Ayres đã không trả lời khi được hỏi chi tiết.

Tiến sĩ Voola cho rằng: “Chúng tôi cần nhiều hơn những lời nói. Điều chúng tôi mong muốn là đầu tư vào sự gắn kết”.

Bất chấp những thách thức phải đối mặt ở phía tây Sydney, bà vẫn lạc quan về tương lai.

“Tôi không nghĩ rằng người dân nơi đây không chỉ nghĩ về việc những gì đã xảy ra khủng khiếp như thế nào. Họ không coi đó là một tình huống vô vọng. Họ kiên cường và đang tiến về phía trước”, bà cho biết.

Nguồn: News.zing.vn