Các cuộc gọi báo cáo bạo lực trong mùa dịch đã tăng đáng kể, phần lớn là nạn nhân bị mắc kẹt với bạn đời trong một ngôi nhà, bị cô lập với thế giới xung quanh, theo The Lily.
Suốt 19 năm sống chung, Amanda (sống tại bang Virginia, Mỹ) luôn phải chịu đựng thói vũ phu và tính khí nóng nảy của chồng. Anh ta sẵn sàng la mắng khi cô đi làm về muộn hay miếng bánh không hợp khẩu vị. Người chồng theo dõi từng hành động của Amanda qua điện thoại và buộc tội vô căn cứ khi cô đi dạo vào buổi tối.
Cách đây gần 9 năm, cô bị chồng kề dao vào cổ. Trong cơn hoảng loạn, Amanda đã nhắn tin cho chị gái để dặn dò: “Nếu có chuyện gì xảy ra với em, chị hãy cứu bọn trẻ”.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, nhiều nơi trên khắp nước Mỹ bị phong tỏa, cơn ác mộng với Amanda ập đến. “Tôi không biết làm thế nào em gái tôi có thể sống sót qua thời gian này”, chị của Amanda nói trong một cuộc phỏng vấn.
Theo The Lily, nhiều sở cảnh sát cho biết các cuộc gọi báo cáo bạo lực gia đình trong mùa dịch đã tăng đáng kể (New York tăng 10%, San Antonio 18% và Portland là 22%). Phần lớn là nạn nhân bị mắc kẹt với bạn đời trong một ngôi nhà, không được liên lạc với gia đình và cô lập với thế giới xung quanh.
Tỷ lệ bạo lực gia đình ở Mỹ tăng nhanh trong đại dịch. Ảnh: Pinterest. |
Ngôi nhà giam cầm bạo lực
Khi bị giam trong nhà, nạn nhân phải vật lộn để thoát ra ngoài và gọi điện cầu cứu. Sanu Dieng, giám đốc điều hành tại Transitions Family Violence Services, một nơi trú ẩn ở thành phố Hampton, cho hay họ đã chi 75.000 USD để tăng số lượng phòng cho các nạn nhân.
Amanda đã thử gọi đến một nơi trú ẩn vào tháng 7/2020, nhưng họ không còn chỗ cho cô và 5 đứa con. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Amanda đã gọi cho cảnh sát 6 lần.
“Đầu tháng 2/2021, tôi đã gọi lại một lần nữa khi nghe con gái 4 tuổi kể: ‘Bố đang giấu một khẩu súng trong tầng hầm và định dùng nó để giết mẹ’. Giây phút ấy tôi gần như tuyệt vọng”, Amanda nói với The Lily.
Nhiều phụ nữ cũng từng gọi điện đến đường dây nóng để nhờ hỗ trợ. Ảnh: NBC News. |
Bạo hành gia tăng
Trong mối quan hệ với chồng, cô đã nhìn thấy những dấu hiệu độc hại từ rất sớm. Vài tháng sau khi hẹn hò, Amanda từng lo lắng và đắn đo có nên tiếp tục hay không. Sau khi biết chuyện, anh ta cứa cổ tay mình để khiến cô không dám chia tay.
“Tại thời điểm đó, tôi không có nhà, không có nơi nào để đi. Trong tâm trí lúc đó, anh ấy là người duy nhất muốn ở bên cạnh tôi”, Amanda kể.
Khi Amanda từ chối những thứ chồng muốn, anh ta liên tục sỉ nhục cô vào sáng hôm sau. Cô đã chịu đựng suốt những năm qua vì các con của mình.
Cô đã cố gắng bỏ nhà đi vào năm 2018 nhờ sự giúp đỡ của một người bạn. Họ cùng nhau gọi đến tất cả nơi trú ẩn địa phương nhưng không chỗ nào còn trống cho Amanda.
Tháng 5 năm ngoái, một cảnh sát đã đến nhà căn ngăn vì nhận được tin báo 2 vợ chồng xảy ra xung đột. Theo báo cáo của sĩ quan này, Amada đã bị đánh bằng thìa ăn. Khi nghe đoạn ghi âm cuộc cãi vã, cảnh sát đành rời đi vì không xác định được bên nào bắt đầu trước.
Hàng xóm cho biết họ đã quen với việc nhìn thấy chiếc xe cảnh sát đậu trước cửa nhà của Amanda và chứng kiến cặp vợ chồng gây gổ, la hét.
Giữa tháng 2/2021, Amanda cuối cùng cũng nhận được tin vui từ một nơi trú ẩn. Họ đã có phòng cho cô và những đứa trẻ.
Sau khi nói với chồng là cô sẽ bỏ đi, anh ta cố gắng ngăn căn và tấn công 6 mẹ con. “Tôi không thể tin được cô có thể làm như vậy”, đó là lời cuối cùng người chồng nói với Amanda.
Nhiều nạn nhân tìm cách giải thoát cho chính mình. Ảnh: The Conversation. |
Sau nhiều tháng sống tại nơi trú ẩn, tinh thần của cô đã ổn hơn một chút. Người chồng bị cảnh sát cấm xâm phạm đến cuộc sống của Amanda. Tuy nhiên, những bằng chứng cô đưa ra tại phiên tòa đang chưa được chấp nhận.
Điều khiến cô băn khoăn nhất hiện tại là cuộc chiến giành quyền nuôi con với chồng. Anh ta thường xuyên dọa sẽ chia cắt những đứa trẻ khỏi cô.
Amanda hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với chồng về quyền nuôi con chung. Bên cạnh đó, cô cũng phải kiếm một công việc mới khi hết tiền trợ cấp thất nghiệp vào tháng 9.
Đại dịch không chỉ khiến Amanda rơi vào tình trạng tệ hơn của bạo lực gia đình mà còn làm cô mất khả năng độc lập về tài chính. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, cô vẫn cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn.
“Tôi phải sống chung với người chồng đã từng dọa giết mình trong đại dịch. Nhưng hiện tại tôi rất biết ơn vì cuộc sống mới đang bắt đầu”.
Nguồn: News.zing.vn