Thất bại chóng vánh của chính phủ Afghanistan, dù có quân số áp đảo Taliban, khiến nhiều người kinh ngạc. Nguyên nhân chủ đến từ báo cáo sai lệch và những tuyên bố “màu hồng”.
Hôm 15/8, Taliban tiến vào thủ đô Kabul, buộc Tổng thống Ashraf Ghani phải rời khỏi đất nước. Cuộc tấn công “thần tốc” của Taliban khiến cho nhiều người phải bất ngờ. Về lý thuyết, quân chính phủ Afghanistan áp đảo Taliban.
Lực lượng Taliban chỉ có khoảng 80.000 quân, con số chưa bằng 1/3 so với 300.699 binh sĩ trong quân đội chính quy Afghanistan theo các báo cáo. Thế nhưng, nhiều nơi trên khắp cả nước đã bị chiếm đóng chỉ trong vài tuần, giữa lúc một số chỉ huy quân đội đầu hàng.
Theo Guardian, đó là câu chuyện về hai đội quân mà một bên được trang bị kém nhưng có ý chí chiến đấu cao, trong khi bên kia được trang bị tốt trên danh nghĩa, nhưng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của NATO và bị nạn tham nhũng “bóp nghẹt”.
Các tay súng Taliban. Ảnh: Ghaith Abdul-Ahad. |
Tâng bốc quá mức
Vào tháng 7, Văn phòng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan (SIGAR) cảnh báo quân đội Mỹ hầu như không có thông tin để biết chính xác khả năng của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF) khi được yêu cầu hoạt động độc lập.
Mặc dù đã chi tới 88,3 tỷ USD để tái thiết an ninh tại Afghanistan, khả năng chiến đấu của quân đội nước này vẫn là câu hỏi lớn khi Mỹ rút quân.
Theo Guardian, điều đó là một dấu hiệu cho thấy Mỹ luôn tâng bốc quá mức về khả năng quân sự của Afghanistan, mặc dù không có bằng chứng đáng tin cậy để đưa ra đánh giá.
Cơ quan giám sát liên tục cảnh báo về “tác động ăn mòn của nạn tham nhũng” trong quân đội Afghanistan. Quân đội và cảnh sát tại đây từng trải qua thời gian dài với các vấn đề mù chữ, đào ngũ và tham nhũng. Một số chỉ huy vô đạo đức đã nâng khống quân số để chiếm đoạt tiền lương, còn gọi là “những người lính ma”.
Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan “được báo cáo khoảng 300.000 người, nhưng trong những ngày gần đây, con số thực chiến chỉ có 1/6”, New York Times dẫn lời quan chức Mỹ.
Và chỉ với việc phụ thuộc vào các trang thiết bị tiên tiến, lực lượng này không thể duy trì sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu một cách đáng tin cậy.
“Câu hỏi liệu số tiền đó được chi tiêu hợp lý hay không sẽ được trả lời bằng kết quả cuộc giao tranh trên mặt đất”, cơ quan giám sát từng cho biết. Và thực tế đã chứng minh là không.
Báo cáo từ cơ quan giám sát có khả năng sẽ được Quốc hội Mỹ xem xét để tìm kiếm nguyên nhân vì sao quân đội Afghanistan sụp đổ chóng vánh, bất chấp nước này đã đổ một số tiền lớn đổ vào việc huấn luyện.
Các binh sĩ Afghanistan được quân đội Mỹ huấn luyện năm 2009. Ảnh: AP. |
Hôm 8/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố khả năng Afghanistan bị chiếm đóng là hầu như không thể. Tuy nhiên, trên thực tế, thất bại này đã được báo trước.
Một tuần trước đó, mạng lưới các nhà phân tích độc lập Afghanistan báo cáo rằng Taliban đã chiếm được 127/420 quận trung tâm, tức khoảng 25% vùng lãnh thổ.
Vào ngày 21/7, Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết con số này đã tăng hơn một nửa. Sự kiện cuối cùng xảy đến vào hôm 15/8, khi lính Taliban ồ ạt tiến vào thủ đô Kabul mà không vấp phải sự phản kháng đáng kể nào.
Những yếu tố vô hình
Báo cáo của SIGAR cho biết tính đến tháng 3, hơn 88 tỷ USD đã được đổ đến Afghanistan để tái thiết đất nước trên khía cạnh an ninh quốc phòng. Nhưng họ phát hiện rằng Lầu Năm Góc luôn thấy việc đánh giá năng lực chiến đấu và quản trị của ANDSF là “cực kỳ khó khăn”.
Báo cáo của SIGAR cho thấy từ năm 2005, quân đội Mỹ bắt đầu đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh lính Afghanistan mà họ đang huấn luyện.
Tuy nhiên, đến năm 2010, họ thừa nhận rằng các quy trình giám sát và đánh giá của họ “không đo lường được các yếu tố vô hình, chẳng hạn như khả năng lãnh đạo, nạn tham nhũng và tinh thần chiến đấu – tất cả yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng của một đơn vị trong chiến tranh thực tế”.
Báo cáo cũng cho thấy có sự khác biệt giữa những gì các tướng lĩnh nói và những gì sĩ quan cấp dưới trình bày.
Chẳng hạn, báo cáo của SIGAR cho biết vào tháng 3/2011, khi điều trần trước Quốc hội Mỹ, Tướng David Petraeus – khi đó là chỉ huy của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế – tuyên bố rằng “các khoản đầu tư để phát triển khả năng quản lý, xóa nạn mù chữ và thiết lập thể chế đã giúp ANDSF gặt hái thành công đáng kể”.
“Các lực lượng Afghanistan đang đảm nhận những vai trò chiến đấu quan trọng chống lại Taliban. Các đơn vị cảnh sát địa phương đang ngày càng hạn chế khả năng đe dọa của Taliban với cộng đồng”, ông cho biết.
Nhiều tướng lĩnh Mỹ cũng đưa ra những tuyên bố lạc quan tương tự. Nhưng không ít báo cáo khác chỉ ra rằng tín hiệu tích cực không đồng đều ở các phương diện.
Một binh sĩ Taliban đứng canh các binh sĩ quân đội Afghanistan đã đầu hàng sau khi phiến quân chiếm được thành phố Ghazni. Ảnh: AP. |
Trong một bài báo trên Tạp chí Lực lượng Vũ trang năm 2012, Trung tá Daniel Davis, người đã dành một năm ở Afghanistan, viết rằng những gì ông nhìn thấy “không giống với tuyên bố chính thức ‘màu hồng’ của các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ đưa ra” .
Báo cáo của SIGAR cũng chỉ ra các chính trị gia và quân đội cấp cao có xu hướng chạy theo tin tốt.
“Theo lời của một cựu quan chức quân đội cấp cao: ‘Nó trở nên chính trị hóa khi các nhà hoạch định chính sách nhúng tay vào nó’”, ông nói. “Các chỉ huy quân sự, các nhà hoạch định chính sách của Bộ Quốc phòng đã có những đánh giá đầy vẻ hào nhoáng”.
Nguồn: News.zing.vn