“Các địa phương cần xác định biện pháp chống dịch phù hợp với tình hình thực tế, không áp dụng như TP.HCM vì đặc thù lây nhiễm khác biệt”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Gần 90 ngày kể từ thời điểm bùng phát đợt dịch Covid-19 lần 4, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, khu vực Nam Trung bộ đang có nhiều diễn biến phức tạp. Số ca mắc tại các địa phương trong những ngày gần đây tăng cao.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết sau TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 và đẩy mạnh biện pháp ngăn chặn dịch. Tuy nhiên, các địa phương cần xác định đúng tình hình, đi đúng hướng và rút kinh nghiệm từ thực tế ở TP.HCM.
Cần tiếp tục truy vết nhanh
– Hiện tại, dịch Covid-19 không chỉ phức tạp tại TP.HCM mà còn lan rộng ở Hà Nội, các tỉnh miền tây và nam trung bộ. Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch tại Việt Nam hiện nay?
– Theo số liệu cập nhật từ Bộ Y tế, số lượng ca mắc mỗi ngày tại Việt Nam đều trên 3.000 ca bệnh. Đáng chú ý là số ca mới được phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế, tại cộng đồng vẫn còn ở mức cao.
“Điều chúng ta sợ nhất không phải là F0 nhiều mà lại F0 âm thầm lây lan trong cộng đồng mà không được phát hiện ra”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ
Điều này đặt gánh nặng rất lớn lên đến hệ thống điều trị không riêng chỉ TP.HCM có nguy cơ quá tải mà các địa phương cũng có nguy cơ tương tự. Trong khi đó, TP.HCM đang dồn mọi nguồn lực cho thành phố, việc chi viện cho các tỉnh khác chống dịch là không thể.
Tuy nhiên, điểm sáng là số ca mắc tăng cao do chúng ta tăng cường xét nghiệm để tách F0 ra ngoài cộng đồng. Điều chúng ta sợ nhất không phải là F0 nhiều mà lại F0 âm thầm lây lan trong cộng đồng mà không được phát hiện ra. Do đó, vấn đề truy vết nhanh, thần tốc vẫn là yêu cầu cấp thiết.
– TP.HCM đang thay đổi nhiều trong biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương có thể áp dụng các biện pháp này để kiểm soát dịch?
– Khi TP.HCM quyết định đổi chiến lược truy vết, xây dựng khung cách ly tại nhà với F0, F1…, chúng ta cần hiểu rằng đây là sự thay đổi tất yếu do thành phố đang kiểm soát dịch rất khó khăn và quá tải.
Những quyết định này được đưa ra để kiểm soát dịch tại khu vực “đỏ”, vùng có nguy cơ cao chứ không phải là sự thay đổi trong chiến lược chống dịch chung của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 6 (khu tái định cư Thủ Thiêm, An Khánh, TP Thủ Đức). Ảnh: Duy Hiệu. |
Tuy nhiên, những biện pháp này không áp dụng vào tất cả địa phương khác. Do đó, các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng đắn tình hình dịch để đưa ra biện pháp phù hợp, tránh áp dụng rập khuôn theo TP.HCM vì đặc thù khác biệt, chỉ phù hợp với TP.HCM chứ không thể áp dụng chung.
– Theo ông, các địa phương cần lưu ý điều gì để đảm bảo nhanh chóng kiểm soát dịch?
– Một số địa phương không đặt mục tiêu truy vết nữa, đây là điều sai lầm và cần điều chỉnh. Thực tế, truy vết rất quan trọng để tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng, đặt biệt ở các địa phương khác chưa có sự lây lan rộng như TP.HCM. Việc truy vết nhanh là con đường khống chế dịch sớm nhất. Tôi cho rằng biện pháp đầu tiên cần làm đó là đẩy mạnh hơn nữa việc truy vết tìm F0.
Thứ 2 là vấn đề siết chặt giãn cách xã hội. TP.HCM đã trải qua hơn 3 lần giãn cách xã hội nhưng vẫn chưa thể kiểm soát dịch. Một phần là do việc kiểm soát không kiên quyết, đặt biệt là nhà trọ, hẻm nhỏ, khu công nghiệp.
“Mỗi địa phương có số ca bệnh và tỷ lệ khác nhau nên không thể áp dụng như TP.HCM”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu của giãn cách xã hội là giảm di chuyển, ai ở đâu thì ở yên đó, giảm sự lây lan của virus. Do đó, việc giãn cách phải triệt để trong từng cá nhân, từng gia đình chứ không phải chỉ ở mặt đường lớn.
Điều đáng sợ nhất là ngoài đường lớn thì vắng lặng nhưng bên trong hẻm, thôn xóm vẫn tụ tập, giãn cách lúc này xem như thất bại.
Thứ 3 là điều chỉnh chiến lược xét nghiệm phù hơp. Phải biết địa điểm nào dùng test nhanh để dẫn đường, phụ thuộc quá nhiều vào xét nghiệm rRT-PCR là rất nguy hiểm. Mục tiêu của xét nghiệm là tìm thật nhanh tìm F0 mới hoặc xác định ai là F1 thành F0, nên yêu cầu đặt ra là kết quả xét nghiệm phải có sớm.
Các địa phương cần linh hoạt trong sử dụng test nhanh kháng nguyên và rRT-PCR, quy định rõ ràng mẫu nào phải có kết quả trong 2 giờ, mẫu nào có thể kéo dài đến 6 giờ và mẫu nào có thể trả sau 24 giờ.
Quân đội phun khử khuẩn đường phố tại Bình Dương sáng 24/7. Ảnh: Việt Linh. |
Thứ 4, chuyên gia này nhấn mạnh các tỉnh cần xác định mỗi địa phương có số ca bệnh và tỷ lệ khác nhau nên không thể áp dụng như TP.HCM. Việc truy vết và thực 5K lúc này rất quan trọng, đặc biệt khu vực nguy cơ cao như khu công nghiệp, nhà trọ, hẻm, khu nhà ở chật hẹp, chợ… Những địa điểm này từng là ổ dịch lớn gây sự bùng phát tại TP.HCM.
Đây là bài học cho các tỉnh có khu công nghiệp, nhà trọ nhiều. Các tỉnh cần nghiêm túc lên phương án phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống vì TP.HCM hiện tại không thể hỗ trợ được. Nếu không kiên quyết, hệ quả sau này sẽ rất khủng khiếp.
Lên phương án giảm tải cho khối điều trị
– Theo ông, các địa phương ngoài TP.HCM nên cân nhắc phương án cách ly F0 tại nhà chưa?
– Cách ly F0 tại nhà được tính đến khi hệ thống điều trị quá tải. Các địa phương khác hiện nay theo tôi thì chưa cần. Tùy năng lực điều trị của tỉnh thì cân nhắc phương án này, hoặc có thể cho F0 có nồng độ virus thấp về sớm hơn, giảm thời gian điều trị.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng và nghiêm túc Chỉ thị 16, hợp tác, không lơ là, các địa phương ở miền Tây Nam bộ, miền Trung và Hà Nội sẽ sớm kiểm soát được dịch.
Bên trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nơi điều trị cho hàng trăm bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
– F0 và F1 đang được theo dõi tại nhà hoặc chờ đến khu cách ly cần làm gì?
– Thứ nhất, F0 cần bình tĩnh, không hoảng loạn, việc hoảng loạn càng làm tăng. Thứ 2 là chủ động phân loại nguy cơ của bản thân. Nếu bạn là đối tượng nguy cơ (thừa cân – béo phì, trên 60 tuổi, có bệnh nền), cần nhanh chóng liên lạc ngay với y tế địa phương. Nếu bạn không phải là đối tượng nguy cơ, đa số sẽ tự khỏi trong 10 ngày.
Nếu chưa đến khu cách ly hay nơi điều trị, F0 và F1 tuyệt đối không ra khỏi nhà cho tới khi được phép của ngành y tế; giữ khoảng cách trên 2m, mang khẩu trang và tấm che giọt bắn trong lúc được tiếp tế và uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, tập thể dục để tăng sức đề kháng.
“Nếu thực hiện đúng và nghiêm túc Chỉ thị 16, hợp tác, không lơ là, các địa phương ở Tây Nam bộ, miền Trung và Hà Nội sẽ sớm kiểm soát dịch”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Trong thời gian này, bạn cần theo dõi và xử trí các triệu chứng thông thường như những lần bị cảm cúm, viêm họng trước đó như hạ sốt, giảm đau, giảm ho khi có triệu chứng. Nếu không có triệu chứng bạn không nên uống thuốc ngừa.
Khi xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở, khó thở khi nằm ngửa, nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút, nồng độ oxy máu đo ở đầu ngón tay (nếu có) dưới 95%, đau hoặc tức ngực thường xuyên; không tỉnh táo; da, móng tay, môi nhợt nhạt hay tím tái… cần liên lạc với cơ quan y tế.
– Để giảm tải áp lực cho nhan viên y tế và lực lượng chức năng địa phương, chúng ta có nên hướng dẫn người dân tự xét nghiệm tại nhà?
– Điều này rất cần thiết. Bởi thực tế, nhu cầu của người dân mong muốn tự đánh giá nguy cơ của bản thân. Dù không nhiều, vẫn có tỷ lệ nhất định người dân có nguy cơ nhưng không dám đến bệnh viện.
Thay vào đó, chúng ta có thể hướng dẫn người dân liên hệ cơ quan y tế nếu kết quả dương tính. Còn hiện tại, nhu cầu cấp thiết của chúng ta là tìm nhanh F0 và tập trung khu vực nguy cơ cao trước. Người dân tự đánh giá nguy cơ của bản thân, họ tuyệt đối không thực hiện điều này sơ sài. Chỉ cần mất một thời gian nhất định để tập huấn, xây dựng các video hướng dẫn cách làm.
Nguồn: News.zing.vn