Tesla có đến 5 nhà đồng sáng lập, nhưng chỉ 2 trong số đó giàu lên nhờ sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên của Tesla, riêng Elon Musk trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới.
Theo Forbes, một buổi chiều tháng 7/2006, Tesla đã mời phóng viên đến một nhà chứa máy bay ở sân bay Santa Monica để giới thiệu chiếc roadster chạy pin. Đó là một chiếc xe 2 chỗ trị giá 100.000 USD. Rất ít chuyên gia tin rằng sản phẩm sẽ thành công.
Thời điểm đó, ông Martin Eberhard – vị CEO am hiểu công nghệ của Tesla – tuyên bố rằng sự khéo léo của Thung lũng Silicon sẽ dạy cho các gã khổng lồ của thành phố ôtô Mỹ Detroit cách tạo ra những chiếc ôtô hấp dẫn, không phát thải.
Chiếc xe đầu tiên của Tesla với 7.000 viên pin lithium-ion dựa trên nguyên mẫu của chiếc xe thể thao Lotus Elise. Theo ông Eberhard, những chiếc seden đời sau của Tesla sẽ rẻ hơn mẫu xe này.
Ông Martin Eberhard – CEO kiêm đồng sáng lập đầu tiên của Tesla – và Elon Musk tại sự kiện ra mắt chiếc roadster của Tesla ở Santa Monica (bang California) vào tháng 7/2006. Ảnh: Forbes. |
Những người đặt nền móng
Đến nay, tầm nhìn của ông đã thành hiện thực. Tesla vừa trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên được định giá 1.000 tỷ USD. Nhưng tên tuổi ông Eberhard không còn gắn với hãng xe điện và ông cũng không trở thành người giàu nhất hành tinh.
Vị trí đó thuộc về Elon Musk – nhà đầu tư sớm nhất, CEO hiện tại của Tesla. Musk cũng có mặt tại sự kiện ra mắt của Tesla hồi năm 2006, nhưng với vai trò mờ nhạt hơn ông Eberhard. Ông chủ yếu nói về sự cần thiết của việc giảm sử dụng xe chạy xăng càng nhanh càng tốt.
Ông Eberhard và Marc Tarpenning – hai giám đốc điều hành ban đầu của Tesla – là những người đầu tiên tuyên bố quyền sở hữu thương hiệu. Nhưng không ai trong số họ giữ lại đủ cố phiếu của Tesla để trở thành tỷ phú.
Trong khi đó, nguồn vốn ban đầu của Musk – đến từ thương vụ bán PayPal – đã hiện thực hóa tầm nhìn của ông Eberhard và Tarpenning. Cổ phần của Musk tại Tesla cũng tăng đều đặn sau 9 vòng gọi vốn trước IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của công ty. Các vòng gọi vốn cũng pha loãng cổ phần của 2 CEO Eberhard và Tarpenning ở Tesla.
Nếu vẫn giữ phần lớn cổ phần sau khi rời khỏi tập đoàn vào năm 2019, ông JB Straubel có thể nắm giữ khoảng 1,3 tỷ USD. Ảnh: Forbes. |
Ngay cả ở thời điểm hiện tại, cổ phần của Musk vẫn tiếp tục tăng lên khi ông nhận cổ phiếu hàng quý thay cho tiền lương.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Eberhard cho biết ông vẫn giữ một cổ phần “tương đối nhỏ” tại Tesla.
“Tôi đã bán một lượng lớn cổ phiếu cách đây khá lâu. Mọi người nghĩ rằng tôi là triệu phú khi sáng lập Tesla, nhưng tôi không phải”, người đàn ông 61 tuổi chia sẻ.
Nếu ông và ông Tarpenning kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán sách điện tử Rocket eBook, có thể họ đã không cần nhận vốn đầu tư ban đầu của Musk.
Musk thường nói rằng ông không quan tâm đến giàu nghèo. Nhưng tài sản của CEO Tesla vẫn phình to với tốc độ đáng kinh ngạc. Theo tính toán của Bloomberg, Musk hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 311 tỷ USD.
Còn ông Eberhard đã bán phần lớn cổ phần của mình sau khi bị đẩy khỏi Tesla vào năm 2007. Vào năm 2009, ông kiện Musk vì bị lật đổ và vu khống. Sau đó, vụ việc được dàn xếp với những điều khoản không được tiết lộ.
“Khi bị đuổi khỏi Tesla, tôi thực sự không có tiền. Tồi tệ hơn nữa, tôi không thể có việc làm mới trong một năm bởi thỏa thuận hạn chế về sở hữu trí tuệ với Tesla. Tôi đã không tham gia bất kỳ vòng đầu tư nào sau khi rời đi”, ông Eberhard chia sẻ.
Gần đây, ông Tarpenning cho biết vẫn sở hữu cổ phiếu Tesla, nhưng không có tên trong danh sách cổ đông lớn của công ty.
Chỉ 2 trên 5 đồng sáng lập thành tỷ phú
Trong số 5 nhà đồng sáng lập của Tesla, chỉ còn ông JB Straubel có khả năng thành tỷ phú với số cổ phần tại Tesla. Nếu vẫn giữ phần lớn cổ phần sau khi rời khỏi tập đoàn vào năm 2019, ông có thể nắm giữ khoảng 1,3 tỷ USD.
Hiện, ông là nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup pin tái chế Redwood Materials.
Còn kỹ sư Ian Wright gia nhập Tesla chỉ vài tháng sau khi công ty được thành lập. Nhưng ông đã rời đi vào năm 2004 để bắt đầu một hãng xe điện mới. Ông Wright bán cổ phần của mình từ nhiều năm trước.
“Tôi không còn giữ cổ phiếu Tesla nào. Tất nhiên, tôi chưa từng mơ đến việc công ty đạt vốn hóa 1.000 tỷ USD“, ông chia sẻ.
Ngoài biến Musk thành tỷ phú giàu nhất thế giới, Tesla đã tạo ra một cuộc cách mạng ôtô toàn cầu, thúc đẩy tương lai năng lượng sạch và giúp các nhà đầu tư, thành viên hội đồng quản trị – bao gồm Chủ tịch Oracle Larry Ellison – giàu lên.
Kỹ sư Ian Wright rời Tesla vào năm 2004. Ảnh: AP. |
Theo giáo sư David Hssu tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, tình trạng ở Tesla tương tự Apple. Vào năm 2011, cổ phần tại Apple của nhà đồng sáng lập Steve Jobs trị giá khoảng 2 tỷ USD, còn của nhà đồng sáng lập Steve Wozniak ước tính chỉ khoảng 100 triệu USD.
Ông Ronald Wayne – nhà sáng lập còn lại, ít được biết đến hơn – đã bán hết cổ phần tại Apple ngay từ sớm với giá chỉ 800 USD.
Theo ông Hsu, Musk đã trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới chỉ nhờ một ván cược đầy rủi ro vào Tesla.
Tuy nhiên, ông Eberhard – một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho Tesla – cho biết ông vẫn rất vui mừng vì thành công của công ty.
“Điều quan trọng là chúng ta rời bỏ nhiên liệu hóa thạch. Tesla là động lực chính cho quá trình này. Đó là thứ chúng tôi kỳ vọng từ đầu”, ông Eberhard chia sẻ.
“Dù nghĩ gì về Musk, tôi vẫn rất vui mừng khi được chứng kiến cuộc cách mạng ôtô điện mà chúng tôi đã khởi xướng”, ông nói thêm.
Nguồn: News.zing.vn