Một mốc trung tâm châu Á ở Cộng hòa Tuva, Nga, một mốc xây sau ở Trung Quốc hiện vẫn là đề tài tranh cãi của các chuyên gia.
Nếu người La Mã có cột mốc Milion để đánh dấu trung tâm của thế giới một thời, người châu Á cũng tò mò với điểm trung tâm của châu lục lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện có hai cột mốc đánh dấu điểm trung tâm – một ở Tuva thuộc Nga, một ở Trung Quốc. Tới nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh đâu mới là điểm chính xác.
Công trình bí ẩn nhưng nổi tiếng ở Tannu Tuva
Trong hàng trăm năm, Tannu Tuva từng liên tiếp bị các triều đại của Trung Quốc và Nga cai trị. Tới khoảng 1921 đến 1944, chính quyền Liên bang Xô Viết mới công nhận Tuva là một quốc gia độc lập với tên khai sinh là Cộng hòa nhân dân Tannu Tuva. Sau này, Tuva đã sáp nhập với Liên bang Nga.
Tương truyền, hơn 100 năm trước, một du khách Anh từng đến Tuva đo đạc theo cách của riêng mình và kết luận rằng trung tâm của châu Á nằm trên khu vùng sông Yenisei chảy qua Tuva. Tin vào điều này, người dân Kyzyl (Tuva) dựng lên một cột mốc và hoàn thành vào năm 1968.
Sau lần tu sửa năm 2014, cột mốc này trở thành công trình có thiết kế một quả cầu lớn bằng vàng đặt trên lưng của 3 con hươu đá, bên dưới là hệ thống vòi phun nước có họa tiết của 12 con giáp.
Nguồn gốc của cột mốc đánh dấu điểm trung tâm của châu Á tại Kyzyl vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: Ritebook. |
Ngày nay, xét về mặt chính trị, du khách có thể ghé thăm Tuva dễ dàng hơn trước, bởi nó đã trở thành Cộng hòa Tuva thuộc Nga. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn do không có tuyến đường sắt nào dẫn đến thủ đô Kyzyl.
Trung Quốc vào cuộc
Giống với châu Âu và Bắc Mỹ, tìm ra trung tâm của châu lục là một công việc rắc rối. Riêng với châu Á, điều này lại càng khó khăn hơn, bởi khu vực này có rất nhiều các hòn đảo thậm chí không xuất hiện trong bản đồ. Bên cạnh đó, đường biên giới phía tây giữa châu Âu và châu Á cũng chưa rõ ràng. Nhưng Trung Quốc đã tự tạo một cột mốc đánh dấu điểm trung tâm châu Á gần thành phố Urumqi, Tân Cương. Sau khi đo đạc từ năm 1992, cột mốc được hoàn thành vào cuối thập niên này.
Công trình đánh dấu điểm trung tâm của châu Á tại Trung Quốc. Ảnh: Amusing Planet. |
Phương thức tính toán được người Trung Quốc sử dụng kỳ lạ hơn so với phép đo đạc mà du khách Anh từng làm trước đây, theo Condé Nast Traveler. Họ tính toán điểm trung tâm của 49 quốc gia châu Á, rồi xây dựng công trình của mình tại trung tâm trung điểm của tất cả 49 điểm đó.
Nguồn: Vnexpress.net