Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp nước ta mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống của du khách ở mức đơn giản.
Ngày 18/5, tại TP Hội An diễn ra “Hội thảo phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn” do Tổng cục Du lịch phối hợp báo Nông thôn Ngày nay và tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Khách Tây thích thú làm nông dân, cưỡi trâu ở TP Hội An. Ảnh: Đắc Thành. |
Theo Tổng cục Du lịch, ở nước ta đã hình thành được một hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn trải dài từ bắc tới nam. Bước đầu loại hình du lịch này đã được du khách đón nhận.
Trong đó, một số tour đã trở thành thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như tour một ngày làm nông dân cho du khách nước ngoài ở làng rau Trà Quế (TP Hội An); tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long và tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải, Sa Pa, Pù Luông, Mai Châu…
Thiếu kết nối và quy hoạch
Tuy nhiên, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn chưa có nhiều sản phẩm độc đáo, hàm lượng chất xám cao, chuyên nghiệp. “Phần lớn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch nói.
Ông Phương cho biết nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách trong nước và quốc tế.
“Nhiều địa điểm du lịch đang khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là những người có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao. Trong khi đó, nhiều điểm du lịch có lao động nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp, chủ yếu là lao động giản đơn, không đáp ứng được yêu cầu phát triển”, ông Phương chỉ ra.
Ngoài ra, khả năng quản lý điều hành cơ sở du lịch nông nghiệp, làng nghề, bồi dưỡng để người dân bản địa có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, phục vụ khách chuyên nghiệp để tạo ra sức hút của sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.
Du khách khám phá tour một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế – TP Hội An. Ảnh: Đắc Thành. |
Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Nam chia sẻ, hiện giữa Bộ Nông nghiệp và Bộ Văn hóa chưa có sự lồng ghép, hướng dẫn cho các cơ quan địa phương thực hiện du lịch nông nghiệp. Còn phía tỉnh chưa quy hoạch địa điểm, cảnh quan, sản phẩm du lịch nông nghiệp, đồng thời thiếu liên kết và quảng bá sản phẩm.
Giữ bản sắc của mỗi làng nghề, địa phương
“Muốn phát triển du lịch gắn với nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin đối với du lịch nông nghiệp. Đặc biệt quan tâm đến đào tạo trình độ lao động, liên kết giữa các ngành để tránh những sản phẩm trùng lặp”, ông Tường kiến nghị. Dẫn chứng tại Hội An, ông Tường cho biết thành phố có 5 điểm du lịch nhưng trong đó có 3 điểm trùng lặp gồm hoạt động nghề nông ở làng rau Trà Quế; làng rau An Mỹ và làng rau Thanh Đông.
Ông Phạm Hà, CEO Luxury Travel cho rằng, để phát triển du lịch nông nghiệp cần chính sách thông thoáng và đầu tư phát triển hạ tầng. “Chúng ta phải xây dựng nơi người dân sống thành nơi đẹp hơn, đáng sống hơn và đáng để du khách đến thăm. Khách có trải nghiệm độc đáo để nhớ”, ông Hà bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng, phải có sự chung tay sự của cộng đồng dân cư để phát triển du lịch sinh thái bền vững, bởi những giá trị kinh tế mang lại rất lớn. Nó còn là có giá trị về tâm linh, thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc.
“Mỗi làng quê, mỗi địa phương, mỗi tỉnh thành phố đều có bản sắc riêng, do vậy chúng ta phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể của từng địa phương để phát triển ngành du lịch mũi nhọn này”, ông nói.
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia du lịch nông nghiệp cho rằng, điều quan trọng của việc phát triển du lịch nông thôn là phải giữ gìn và phát triển ngành nghề làm ra sản vật cũng như thị trường đã có sẵn lâu năm của các sản vật đó.
“Phải giữ gìn và phát triển lực lượng lao động lành nghề bao gồm cả các nghệ nhân với bí quyết nghề làm ra sản vật đặc sản có giá trị kinh tế cao được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, bà Oanh bày tỏ.
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Du lịch, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho bà con nông dân về kỹ năng, thái độ phục vụ khách phải đặt lên hàng đầu. Song với đó cơ sở hạ tầng, vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp cần được đầu tư hoàn chỉnh nhằm đảm bảo chất lượng.
“Xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa nông nghiệp, sản vật địa phương. Cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại hiệu quả để quảng bá du lịch nông nghiệp”, ông Chung nhấn mạnh.
Nguồn: Vnexpress.net