Dù còn nhiều vấn đề cần xem xét, việc để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà có thể là giải pháp lâu dài trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại TP.HCM.
Với tổng cộng hơn 10.000 bệnh nhân Covid-19 sau hơn 2 tháng, số ca mắc mới trong ngày thường xuyên ở ngưỡng 3 con số cùng hàng loạt ổ dịch được ghi nhận rải rác khắp địa bàn, yêu cầu về việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các trường hợp liên quan bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM đang được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương tiêu tốn rất nhiều nguồn lực về con người cũng như cơ sở vật chất. Thậm chí, việc làm này còn dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus cao nếu công tác tổ chức không được đảm bảo chặt chẽ. Bản thân người dân cũng có tâm lý lo lắng và ngại đi lấy mẫu, từ đó giảm hiệu quả sàng lọc.
Do đó, các chuyên gia cho rằng TP.HCM có thể cân nhắc tạo điều kiện cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà nhưng phải đảm bảo một số yếu tố về tính chính xác.
Kỹ năng và thiết bị là mấu chốt
Chia sẻ với Zing, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), nhận định việc người dân tự lấy mẫu và xét nghiệm Covid-19 là khả thi. Tuy nhiên, ngành y tế cần đảm bảo hướng dẫn cụ thể và nguồn cung cấp bộ kit xét nghiệm.
“Ngành y tế TP.HCM có thể quay, dựng một video đơn giản để hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, xét nghiệm tại nhà, sau đó yêu cầu họ xem kỹ và làm theo. Phần đông người dân TP.HCM có dân trí cao nên tôi nghĩ địa phương này hoàn toàn đủ điều kiện để thí điểm giải pháp này”, ông Nhung nói.
Việc hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân tự lấy mẫu tại nhà có thể là giải pháp lâu dài. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng nêu ví dụ trong một gia đình cần lấy mẫu xét nghiệm, một thành viên ở độ tuổi trưởng thành, có thể tiếp cận với công nghệ, xem video hướng dẫn là có thể thực hiện cho những người còn lại.
Cùng quan điểm này, TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cũng cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để lấy mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên là người thực hiện phải được đào tạo kiến thức bài bản.
“Ngoài kiến thức cơ bản về giải phẫu, người thực hiện còn cần được đào tạo một khóa, có thể ngắn ngày, về kỹ thuật lấy mẫu”, bác sĩ Hùng cho biết.
Theo PGS Nhung, một yếu tố quan trọng khác để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà là trang thiết bị. Theo ông, ngành y tế cần đảm bảo mỗi cá nhân đều được trang bị bộ kit xét nghiệm chất lượng.
“Hiện sản phẩm này chưa được phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, TP.HCM có thể tham khảo cách làm của Bắc Giang và Bắc Ninh trong đợt dịch vừa qua. Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương có thể cung cấp kit xét nghiệm cho các gia đình, yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn”, ông Nhung nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng trong trường hợp cần thiết, ngành y tế thành phố cũng có thể tạo điều kiện về nguồn cung để người dân tự mua và thực hiện.
Việc đảm bảo chất lượng và nguồn cung thiết bị lấy mẫu xét nghiệm cũng cần được chú trọng. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Trong khi đó, theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, vấn đề môi trường lấy mẫu xét nghiệm cũng là yếu tố cần thận trọng khi cho người dân tự thực hiện. Cụ thể, các hộ gia đình cần vệ sinh kỹ, bảo quản môi trường sống sau khi lấy mẫu bệnh phẩm.
Phó trưởng khoa Cấp cứu nói thêm: “Bản thân bộ kit xét nghiệm cũng phải được bảo quản ở nhiệt độ và môi trường cụ thể theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc bảo quản các bộ kit không phù hợp có thể khiến kết quả bị sai lệch”.
Cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích
Đánh giá cao giải pháp này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng TP.HCM hoàn toàn có thể cân nhắc thêm phương án hướng dẫn và khuyến khích người dân có điều kiện, kỹ năng chuyên môn tự lấy mẫu xét nghiệm cho bản thân và gia đình.
“Việc làm này có thể tiết kiệm rất nhiều nguồn lực về mặt kinh tế và nhân sự, giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế, đồng thời đảm bảo an toàn cho chính người dân”, vị chuyên gia này giải thích.
Dù nhân viên y tế thực hiện, việc lấy mẫu bệnh phẩm cũng mang đến cảm giác khá khó chịu. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Theo ông, đây là giải pháp và bước tiến tiếp theo khi số lượng người phải lấy mẫu quá lớn. Các gia đình, công ty có điều kiện tài chính thậm chí có thể liên kết với một bệnh viện, phòng khám ngoài công lập đảm bảo đủ những tiêu chuẩn nhất định để lấy mẫu xét nghiệm và thông báo kết quả cho y tế địa phương. Qua đó, tốc độ phát hiện F0 của thành phố có thể được đẩy nhanh hơn.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh công tác quản lý đối với giải pháp này sẽ đỏi hỏi cao hơn một mức, tránh bỏ sót và để lại hậu quả nguy hiểm.
“Việt Nam có thể tạo điều kiện để người dân tự lấy mẫu, xét nghiệm nhưng phải dựa trên quy định, tiêu chuẩn và hướng đi của Chính phủ. Đồng thời, quá trình theo dõi, giám sát kết quả phải được thực hiện chặt chẽ ở mức tối đa”, vị chuyên gia nhận định.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng cũng chia sẻ lo ngại về việc người dân không được đào tạo về chuyên môn, chưa nắm rõ kỹ thuật, khi lấy mẫu bệnh phẩm sẽ rất dễ sai lệch, từ đó ảnh hưởng đến công tác cách ly và phòng, chống dịch.
“Với Covid-19, người dân sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm qua đường mũi và họng. Khi đưa que lấy mẫu vào vùng hầu họng hay mũi, dù là nhân viên y tế có chuyên môn thực hiện, chúng ta cũng thường cảm giác rất khó chịu. Do đó, việc để người dân tự lấy mẫu bệnh phẩm cho nhau có thể dẫn đến một số sai lệch trong kết quả do thực hiện chưa đúng”, bác sĩ Hùng nói.
Nguồn: News.zing.vn