Văn hóa xếp hàng của người Anh đặc biệt ở chỗ họ có thể tự nhiên đứng thành hàng mà không cần rào chắn hay chỉ dẫn.
“Không cần barrier người Anh vẫn biết xếp hàng” là lời mô tả kèm bức ảnh chụp dòng người vào xem show trình diễn của Ed Sheeran từng gây sốt năm 2017, khi được đăng lên Reddit. Andrew Last, chủ nhân bức ảnh, còn tiết lộ khi ban tổ chức mở cửa vào khán đài, dòng người bắt đầu di chuyển nhưng không ai cố chen lấn hay cắt hàng.
Bức ảnh chụp ở sảnh trung tâm sự kiện The O2, London thu hút hơn 6.000 lời bình luận trên diễn đàn, hầu hết khen ngợi ý thức của người dân Anh. Ảnh: Andrew Last. |
Kỷ luật có từ đâu
Nhà báo Denise Winterman từng viết một bài báo trên tạp chí BBC, nhận định, ý thức giữ trật tự khi xếp hàng không phải thứ có sẵn trong máu của người dân Anh.
“Dường như hàng lối quy củ là một hình thái xã hội ra đời vào đầu thế kỷ 19, một sản phẩm của những đô thị công nghiệp thu hút đông đảo dân cư”, theo tiến sĩ Joe Moran, nhà sử học xã hội là tác giả cuốn “Xếp hàng cho người mới bắt đầu: Chuyện của thường ngày từ bữa sáng tới lúc đi ngủ” (Queuing for Beginners: The Story of Daily Life from Breakfast to Bedtime).
Một lượng lớn người dân thoát ly từ nông thôn lên thành phố, họ phải thay đổi thói quen hàng ngày, gồm cả việc mua sắm. Nhà sử học Juliet Gardiner cho rằng: “Những tiểu thương bắt đầu chuyển từ sạp hàng ở chợ tạm sang bán trong cửa hiệu khi tới sống tại thành phố. Đến một cửa hàng đàng hoàng hơn, người ta phải xếp hàng chỉn chu hơn”.
Dây chuyền sản xuất mở rộng, tuy nhiên không phải ai cũng có cuộc sống dư dả, nghèo đói vẫn tràn lan trên xứ sở sương mù thời ấy. “Xếp hàng dần dần trở thành hình ảnh gắn với người nghèo, bởi họ thường xuyên phải xếp hàng để nhận của bố thí hoặc đồ từ thiện”, theo Kate Bradley, giảng viên môn lịch sử và chính sách xã hội tại trường Đại học Kent, Anh.
Tuy nhiên, sự kiện đặc biệt làm nên danh tiếng của người Anh – những người xếp hàng văn minh, chính là Thế chiến II. Từ 8/1/1940, chính phủ Anh buộc dân chúng ăn theo tiêu chuẩn hạn chế với thịt lợn xông khói, bơ và đường. Khẩu phần được chia theo trọng lượng, giá trị tiền tệ hoặc điểm. Người dân có thể dồn điểm hoặc tích điểm để mua đậu lăng, ngũ cốc, đồ hộp, trái cây sấy, bánh quy và mứt. Trung bình mỗi tuần, một người được phát một quả trứng tươi và khoảng 30g pho mát. Thời kỳ này kéo dài đến năm 1954.
Người dân Anh kéo xe tới một nhà máy chất đốt để mua than cốc từ sáng sớm. Ảnh: Hartle Pool Mail. |
Bà Bradley nói: “Vào thời điểm đó, mọi chiến dịch tuyên truyền đều nhắc nhở người dân thực hiện nhiệm vụ của mình và chờ đến lượt. Đó là cách chính phủ nỗ lực kiểm soát tình hình”.
Theo tiến sĩ Joe Moran, xếp hàng dần được tô vẽ bằng những khái niệm gắn với khuôn phép lễ nghi, tinh thần ngay thẳng, dân chủ và câu chuyện khó tin về người Anh – những người xếp hàng kiên nhẫn, được nhào nặn lên từ đây.
“Thực tế, tình trạng lộn xộn và tranh cãi có xảy ra, cảnh sát thường phải can thiệp để giải quyết và sắp xếp lại trật tự. Xếp hàng rất mệt mỏi, khiến người ta nản lòng và căng thẳng”, ông Moran nói.
Những thứ không chia theo khẩu phần sẽ được bày bán, người này mách người kia và những hàng dài bắt đầu hình thành. Người ta thường đứng vào cuối hàng mà không biết chính xác điều gì đang chờ đợi phía trước, họ chỉ hy vọng đó sẽ là thứ gì đó hữu ích.
“Đó là một câu chuyện chúng tôi vẫn thích kể về mình. Chúng tôi nghĩ nó hợp với một ý tưởng về đặc tính của người Anh – rằng chúng tôi thực dụng và lạnh lùng”, tiến sĩ Moran đánh giá.
Nhưng vẫn có người cho rằng người Anh chỉ giỏi đứng vào hàng chứ không đủ kiên nhẫn chờ đợi.
Trẻ em Anh chen lấn trước một cửa hàng bán kẹo. Ảnh: Design C20. |
Văn hóa xếp hàng ngày nay
Thời hậu chiến, nhiều thứ đảo lộn, trong đó có cả thói quen xếp hàng. Những chính trị gia thường cố gắng tận dụng vị thế của mình, khi xếp hàng đợi phát chẩn vào những năm 1980.
Nhưng danh tiếng về văn hóa xếp hàng kiên nhẫn của người Anh vẫn vẹn nguyên tới giờ. Hình ảnh người dân đứng chờ xem giải quần vợt Wimbledon, dự nhạc hội Glastonbury hay show diễn Julibee phía trước điện Buckingham… vẫn được tung hô. Nhưng khung cảnh ấy không phải điều người ta thấy trong đời sống thường ngày.
Vòng chung kết Wimbledon được hàng nghìn người chờ đợi, những khán giả có thể phải căng lều xếp hàng tới vài ngày để mua vé. Video: Urban Pictures UK.
Hàng người đợi xe buýt thường được lấy làm ví dụ điển hình cho sự sụp đổ của thói quen xếp hàng. Khi xe buýt tới bến, mọi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều dồn lên, bởi không ai muốn chờ tới chuyến tiếp theo.
“Chúng tôi biết rằng, chừng nào người ta còn tán dương văn hóa xếp hàng như một phần cốt lõi trong phép tắc ứng xử của người Anh, họ còn phàn nàn khi ai đó phá hàng lối”, ông Moran nói.
Theo Kate Bradley, khi mọi người nói đến chuyện phá hàng, lòng ngay thẳng không phải điều thôi thúc họ lên tiếng, mà họ đang bảo vệ quyền lợi của chính mình. Suy cho cùng, nếu người Anh có thể bỏ qua việc xếp hàng, họ sẽ làm thế – như mọi người khác.
Năm 2005, một cửa hàng Ikea mở cửa tại London thu hút tới 6.000 người. Ngày khai trương biến thành thảm họa ngay khi cánh cửa mở ra, nhiều người bị thương trong sự kiện này. Video: Hotnicksno1/YouTube.
Nguồn: Vnexpress.net