Việc những ngôi sao nổi tiếng như Jisoo, Bella Hadid chăm chụp ảnh trước chiếc gương màu hồng uốn lượn khiến nó được săn lùng.
Góc, ánh sáng và máy ảnh kết hợp với nhau là công thức để chụp những bức hình selfie thu hút. Tuy nhiên, ngày nay, những bức ảnh selfie trong gương hoàn hảo của các tín đồ thời trang dường như không nằm ở kỹ thuật. Nó phụ thuộc vào chính chiếc gương, theo Crfashionbook.
Chiếc gương nguệch ngoạc với ánh sáng hồng tạo cảm giác vui vẻ được các ngôi sao, từ Frank Ocean, Nicolas Ghesquière của Louis Vuitton, Jisoo (BlackPink) đến Elsa Hosk sử dụng. Do đó, chiếc gương Ultrafragola của công ty thiết kế Italy Poltronova trở thành món đồ nội thất được nhiều người thèm muốn.
Chiếc gương gợi nhớ đến vóc dáng phụ nữ
Dịch ra có nghĩa là “quả dâu tây cuối cùng”, Ultrafragola thường được bán hết và rất khó để bạn có thể chạm tay vào. Chiếc gương có hình dáng uốn lượn lần đầu được ra mắt tại triển lãm thương mại Eurodomus 3 ở Milan (Italy) vào năm 1970. Khi đó, nó vẫn còn nằm trong bản thiết kế của kiến trúc sư Ettore Sottsass.
Frank Ocean và Elsa Hosk chụp ảnh với gương Ultrafragola. Ảnh: Frank Ocean, Elsa Hosk. |
Sau đó, chiếc gương được chế tác từ nhựa đúc chân không và sợi thủy tinh – những vật liệu đã tạo nên cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp ôtô và tự nhiên nhưng vẫn chưa được sử dụng trong thiết kế nội thất. Kể từ đó, nó đã được Gustaff Westman phát hành lại cho Poltronova với giá bán lẻ 11.500 USD.
Món nội thất đắt đỏ này sử dụng khuôn nguyên bản năm 1970 với gương phản xạ bằng nhựa định hình nhiệt mới. Tuy nhiên, cả hai đều lấy thiết kế cong đặc trưng của Sottsass, được cho là “bắt chước” hình dáng phụ nữ, từ mái tóc đến đường cong.
Chiếc gương phát ánh sáng hồng nhẹ tạo cảm giác dễ chịu. Ảnh: sooyaaa_, Miley Cyrus, Bella Hadid. |
Hơn nữa, ánh sáng hồng dịu được nhiều chuyên gia nhận xét góp phần làm tôn lên làn da và thẩm mỹ của ngôi nhà. Về mặt tâm lý, bộ não của con người bị thu hút bởi ánh sáng rực rỡ với màu sắc ấm hơn. Những màu này có tác dụng tăng cường các cảm xúc như đam mê và hạnh phúc, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Harper’s Bazaar.
Bởi vậy, ánh sáng màu hồng đào tỏa ra từ Ultrafragola được ví như công cụ giúp nâng cao tâm trạng tối ưu.
Gương là biểu tượng của sự sung túc
Vua Louis XIV của Pháp từng đổi mới ý tưởng về sảnh đường với những tấm gương được chiếu sáng. Sảnh gương nổi tiếng vào năm 1678 dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Jules Hardouin Mansart, đại diện cho những tiến bộ về chính trị, kinh tế và nghệ thuật ở vương quốc của ông. 357 chiếc gương được coi là kỳ tích công nghệ của Louis.
Vào thế kỷ 17, gương rất hiếm và xa xỉ để mọi người có thể trang trí cho căn nhà của mình. Đối với nhà vua, gương đóng vai trò như thiết bị giám sát cho phép ông xem hình ảnh phản chiếu của mình và khách trong các sự kiện xã hội.
Sảnh gương ở Cung điện hoàng gia Versailles. Ảnh: CR. |
Khi nhà vua không có mặt, người ta vẫn cảm nhận được uy quyền của ông. Bởi ông có tài chính để cung cấp những chiếc gương nhập khẩu từ Venice, Italy. Những tấm gương được bổ sung thêm đôi mắt để bất kỳ ai cũng cảm nhận được sự hiện diện của ông.
Đến khi nội thất Rococo trở nên nổi tiếng với bảng màu pastel, đường cong chữ S gợi cảm, gương mới đóng vai trò quan trọng trong ngôi nhà, cung điện và cửa tiệm. Chiếc gương chuyển từ trọng tâm chính trị sang nỗi ám ảnh về thời trang khi nó trở thành tiêu chuẩn quý tộc.
Từ đó, chiếc gương vẫn là biểu tượng của sự sung túc. Tuy nhiên, nó không còn là món đồ dành riêng cho hoàng gia vì những tiến bộ công nghệ. Chiếc gương cho phép chủ sở hữu nhìn chính mình trong tầm mắt, hoàn toàn tự ý thức về ngoại hình khi nó được sử dụng tại nhà.
Nỗi ám ảnh của nhiều người
Hãy thử tưởng tượng bạn không thể nhìn chính mình khi không có gương. Bạn sẽ không thể biết được bản thân mặc đồ có hợp không hay biểu cảm cảm trên gương mặt như thế nào. Đó là lý do Coco Chanel (Gabrielle Bonheur Chanel) cũng không thể sống thiếu gương.
Jennie chụp ảnh tại cầu thang gương của Coco Chanel. Ảnh: jennierubyjane. |
Tại số nhà 31 Rue Cambon (Paris, Pháp) – cửa hàng Chanel và căn hộ riêng trước đây của Gabrielle Chanel, có cầu thang gương dẫn từ cửa hàng đến không gian sống. Chanel đã bố trí những chiếc gương dọc theo chiều dài của cầu thang để ngồi từ bậc thang thứ năm (con số may mắn của bà). Đây là điểm thuận lợi để bà có thể nhìn mọi chi tiết trong buổi trình diễn của mình, từ chuyển động của trang phục, tư thế của người mẫu đến phản ứng khách xem bên dưới.
Những chiếc gương cho phép bà riêng tư vì cầu thang ngăn cách căn hộ riêng với cửa hàng. Bà đã sử dụng chúng như chiếc máy ảnh hiện đại để ghi lại mọi chuyển động cùng lúc. Sau đó, khía cạnh sang trọng này đã được giám đốc sáng tạo Virginie Viard tái hiện khi mang đến 26 bộ trang phục Chanel cho show diễn Metiers d’Art vào năm 2020.
Show diễn Chanel Métiers d’Art 2020. Ảnh: Chanel. |
“Trong khi vật dụng trong nhà là một món đồ trang trí, gương luôn giúp nhận thức về bản thân và hình ảnh của chúng ta. Như lịch sử cho thấy, mọi người luôn bị ám ảnh bởi chiếc gương hay đúng hơn là hình ảnh của chính mình”, tác giả Eman Alami nhận định.
Do đó, Ultrafragola được xem như nỗi ám ảnh phản chiếu mới nhất trong giới thời trang. Với việc được nhiều người nổi tiếng lựa chọn, nó cũng đã mở ra một kỷ nguyên của thiết kế nội thất sôi nổi và lung linh, nơi các góc vuông không tồn tại, chỉ có đường cong, nét tròn trịa.
Nguồn: News.zing.vn