Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, các hoạt động kinh doanh và dịch vụ ăn uống còn ảm đạm chủ yếu do nhu cầu, tâm lý khách hàng.
Tại họp báo chiều 8/11, Zing đặt câu hỏi việc nhiều hàng quán bán tại chỗ ở TP.HCM vẫn gặp khó khăn vì các quy định của thành phố như: Cấm bán rượu bia, đóng cửa trước 21h.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – cho biết: “Dịch vụ ăn uống đơn vị không phụ trách trực tiếp nhưng rất quan tâm, hơn nữa hoạt động này không thể tách rời và có đóng góp lớn vào tổng mức bán lẻ, doanh thu của thành phố”, ông nói.
Do đó ông Phương cho biết Sở đã và đang phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Y tế để tham mưu cho UBND TP.HCM. “Chúng tôi đánh giá tình hình hoạt động bán hàng kinh doanh ăn uống tại chỗ chưa sôi động, không hẳn là do giới hạn thời gian mở cửa đến 21h”, ông nói.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hoạt động dịch vụ ăn uống liên quan đến nhu cầu, tâm lý khách hàng, nếu khách còn e ngại, chưa muốn tham gia thì rất khó. “Do đó, trước mắt căn cứ tình hình Sở sẽ phối hợp với cơ quan ban ngành có rà soát, đánh giá các yếu tố liên quan để tham mưu UBND thành phố để hỗ trợ hoạt động này”, ông Phương cho biết.
Nhiều nhà hàng vắng vẻ, đìu hiu khách sau khi mở cửa trở lại. Ảnh: M.D. |
Về việc thí điểm dịch vụ bán rượu, bia tại TP Thủ Đức và quận 7, ông Phương cho biết theo lộ trình tới ngày 15/11 sẽ có rà soát đánh giá và triển khai nhân rộng ra các địa phương. “Chúng tôi vẫn đang theo dõi và chưa có thống kê đầy đủ”, ông nói.
Thực tế, theo khảo sát, sau 2 tuần thành phố cho phép hàng quán mở cửa bán tại chỗ, tình hình kinh doanh tại các cơ sở ăn uống vẫn ảm đạm. Thậm chí, nhiều nơi chưa mở cửa hoặc thông báo sang nhượng cửa hàng.
Cùng ngày, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng 8/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết “đang bị phê bình” vì cho bán ăn tại chỗ và thí điểm bán bia, rượu (tại quận 7, TP Thủ Đức). Cụ thể, vị chủ tịch nhận được nhiều ý kiến cho rằng khi tình hình dịch đang tăng lên thì thành phố lại cho mở ra nhiều dịch vụ.
Người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết thành phố đang cân nhắc và tới ngày 15/11, dự kiến chính thức có một vài điều chỉnh trên tinh thần gần hơn với Nghị quyết 128. Cụ thể, tùy theo hoạt động, với cấp độ 1 có thể hoạt động 100%; cấp độ 2 hoạt động 75%; cấp độ 3 là 50%; và cấp độ 4 còn 25% hoặc phải tạm ngưng.
Nguồn: News.zing.vn