Vì sao Nigeria thiếu vaccine nhưng vẫn phải vứt bỏ hàng triệu liều?

0
156

Nhiều liều vaccine Covid-19 tài trợ gần hết hạn sử dụng gửi tới khiến Nigeria không thể tiêm hết trong thời gian ngắn, dẫn đến việc phải vứt bỏ, giữa lúc nước này rất cần vaccine.

chien dich tiem phong covid-19 o nigeria anh 1

Chỉ có khoảng 3% dân số Nigeria được chủng ngừa đầy đủ vaccine phòng Covid-19 – một tỷ lệ bao phủ thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở châu Phi. Ở Nam Phi, con số này là 24%.

Nigeria, giống như nhiều quốc gia châu Phi khác dựa vào chương trình COVAX, đã phải vật lộn để tiếp cận nguồn cung vaccine Covid-19 trong năm qua. Những tuần gần đây, việc vận chuyển vaccine tới các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã được cải thiện khi nhiều quốc gia phát triển đang bắt đầu viện trợ những lô hàng dự trữ của họ.

Tuy nhiên, một vấn đề mới lại nảy sinh: Dù cho có thêm nguồn cung, các quốc gia châu Phi lại gặp khó khăn để sử dụng các liều vaccine đó, một phần là do có nhiều liều vaccine có thời hạn sử dụng quá ngắn, theo BBC.

Reuters hôm 8/12 đưa tin theo ước tính, một triệu liều vaccine Covid-19 đã hết hạn tại Nigeria trong tháng 11 và buộc phải vứt bỏ. Một số lô vaccine chỉ còn hạn 4-6 tuần khi được chuyển đến Nigeria. Mặc cho những nỗ lực của các cơ quan y tế, chúng không thể được tiêm trước khi hết hạn.

Vaccine được chuyển tới quá nhiều

Nigeria nhận được 700.000 liều vaccine AstraZeneca từ Anh vào tháng 8, 800.000 liều từ Canada vào tháng 9, 500.000 liều nữa từ Pháp vào tháng 10. Cùng thời gian này, Nigeria cũng có thêm 4 triệu liều vaccine Moderna và 3,6 triệu liều Pfizer từ Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ Y tế Nigeria cho biết việc một số liều vaccine được tặng gần hết hạn sử dụng đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng trong khâu hậu cần ở quốc gia này.

“Chúng tôi chỉ có quỹ thời gian rất ngắn, rất eo hẹp, chỉ vài tuần để sử dụng hết số vaccine được tặng, sau khi đã khấu trừ thời gian vận chuyển, dọn dẹp, phân phối và giao tới nơi cần sử dụng”, Bộ trưởng Y tế Osagie Ehanire cho biết.

Ông cho biết vì những liều vaccine có hạn sử dụng ngắn như vậy đến ồ ạt vào cùng một thời điểm khiến Nigeria rơi vào tình thế nan giải. Bộ Y tế Nigeria từ chối yêu cầu gia hạn thời gian sử dụng của vaccine thêm 3 tháng của một số nhà sản xuất do “không phù hợp với tiêu chuẩn của chúng tôi”.

chien dich tiem phong covid-19 o nigeria anh 2

Một người phụ nữ nhận liều vaccine AstraZeneca ở Abuja, Nigeria. Ảnh: Reuters.

Người đứng đầu Bộ Y tế Nigeria nói rằng các liều vaccine hết hạn sử dụng sẽ phải tiêu hủy, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

“Chính phủ hiện từ chối một cách lịch sự tất cả các đợt viện trợ vaccine có thời hạn sử dụng ngắn hoặc những liều vaccine không thể tới nơi kịp thời”, ông Ehanire nói.

Reuters cho biết giới chức Nigeria đang thống kê lại tổng số lô vaccine hết hạn. Kết quả chính thức vẫn chưa được hoàn thiện.

“Nigeria đang làm mọi thứ có thể. Tuy vậy, quốc gia này gặp khó khăn với các lô vaccine có hạn sử dụng ngắn”, một nguồn tin nói với Reuters. “Nguồn cung khá thất thường. Họ đang gửi đến quá nhiều”.

Số lượng vaccine phải vứt bỏ của Nigeria quá lớn trong một thời gian ngắn, thậm chí còn vượt xa tổng số vaccine mà một số quốc gia khác trong khu vực nhận được.

Tăng gánh nặng lên hệ thống y tế

Nigeria không phải là quốc gia duy nhất phải vứt bỏ vaccine do không kịp sử dụng.

Dù rất cần vaccine, các nước châu Phi, như Nam Sudan và Malawo, đã phải vứt bớt vì vaccine hết hạn sử dụng. Những nước như CHDC Congo phải trả lại liều chưa sử dụng vào kho vaccine để phân phối tới quốc gia khác. Hồi tháng 11, Namibia cho biết họ có thể phải tiêu hủy hàng nghìn liều quá hạn sử dụng.

Trong khi đó, Nam Phi đã yêu cầu Johnson & Johnson và Pfizer trì hoãn việc giao vaccine vì họ còn quá nhiều lô hàng trong kho.

Vào tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 450.000 liều thuốc hết hạn sử dụng ở 8 quốc gia châu Phi vì hạn dùng quá ngắn. Do đó, WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi gần đây kêu gọi các nước thay đổi cách thức quyên góp vaccine để tránh lãng phí.

“Việc lập kế hoạch và đảm bảo tiêu thụ hết quá nhiều liều vaccine có thời hạn sử dụng ngắn sẽ làm tăng gánh nặng hậu cần cho các quốc gia có hệ thống y tế vốn đã mỏng manh”, tuyên bố nêu.

Hai tổ chức muốn số vaccine tài trợ có hạn sử dụng tối thiểu là 2,5 tháng, tính từ thời điểm lô hàng tới quốc gia được tặng. Ngoài ra, các quốc gia đó cũng cần phải được thông báo ít nhất một tháng trước khi vaccine được chuyển đến, và số vaccine nên đi kèm cùng với các nguồn cung cấp thiết yếu khác, chẳng hạn như ống tiêm.

Vaccine gần hết hạn không giúp ích nhiều

Các chuyên gia y tế cho biết tỷ lệ tiêm chủng cao ở châu Phi là yếu tố sống còn để chấm dứt đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Theo WHO, chỉ có 102 triệu người, tương đương 7,5% dân số châu Phi, được tiêm chủng đầy đủ.

Tình trạng thiếu nhân viên, thiết bị và kinh phí đã cản trở việc triển khai tiêm chủng. Theo số liệu từ Viện nghiên cứu chính sách Tony Blair về Thay đổi Toàn cầu, khoảng 40% vaccine đã tới lục địa này nhưng chưa được sử dụng. Viện cho rằng cần tăng tỷ lệ sử dụng vaccine gấp 4 lần mới có thể đáp ứng đủ nguồn cung đổ về trong những tháng tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nguồn cung tăng lên cũng là lúc các điểm yếu tại châu Phi lộ rõ hơn nữa.

Hệ thống y tế của Nigeria thiếu những vật dụng y tế cơ bản như tăm bông. Tủ lạnh chứa vaccine cần phải lấy điện từ máy phát chạy bằng nhiên liệu tốn kém. Hàng triệu người phải sống trong khu vực bị tàn phá bởi cướp bóc và nổi dậy bởi lực lượng Hồi giáo, không thể tiếp cận y tế.

Reuters dẫn nguồn tin nội bộ từ GAVI cho biết một lượng lớn vaccine tới châu Phi trong những tháng tới sẽ là của Pfizer – loại vaccine có tiêu chuẩn bảo quản khắt khe.

chien dich tiem phong covid-19 o nigeria anh 3

Người dân ở Kenya xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.

Willis Akhwale, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm về vaccine Covid-19 của chính phủ, cho biết ngay cả Kenya – quốc gia có dây chuyền siêu lạnh lưu trữ 3 triệu liều Pfizer – cũng lo ngại về khả năng bảo quản.

Ông Leonard Kouadio, người đứng đầu bộ phận y tế của UNICEF tại Cameroon, cho biết nước này có một xe tải đông lạnh để vận chuyển vaccine. Cameroon cần thêm ít nhất 2.500 đồng hồ đo nhiệt độ tủ lạnh và nhiều xe tải để tăng khả năng phân phối.

Mali – một trong những quốc gia nghèo nhất và rộng lớn nhất châu Phi – có hai xe tải lạnh để chở vaccine đi đường dài. Ông Abdoul Gadiry Fadiga, người quản lý chương trình y tế của UNICEF tại Mali, cho biết quốc gia này dự kiến ​​nhận được khoảng 3,5 triệu liều từ nay đến cuối tháng 3/2022, cao hơn gấp đôi so với số lượng nhận được kể từ khi bắt đầu tiêm chủng.

Mali có đủ năng lực dây chuyền lạnh để dự trữ số liều vaccine đổ ồ ạt từ nay cho đến tháng 3/2022. Nhưng nước này vẫn cần 288 tủ lạnh và tủ đông để triển khai chiến dịch tiêm chủng. Đến nay, Mali mới chỉ nhận được 10 tủ đông.

Do đó, các loại vaccine có thời hạn sử dụng ngắn không giúp ích gì nhiều cho các quốc gia châu Phi. Thậm chí, tình trạng này còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng vaccine.

“Hơn 8 tỷ liều đã được tiêm, đánh dấu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử thế giới”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói vào hôm 6/12 – ngày tròn một năm liều vaccine Covid-19 được sử dụng. “Nhưng chúng ta đều biết, thành tựu tuyệt vời đó đang bị hoen ố bởi sự bất bình đẳng tồi tệ”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn