Vì sao phải vệ sinh giày dép khi đến thăm hồ nước trong nhất thế giới?

0
Vì sao phải vệ sinh giày dép khi đến thăm hồ nước trong nhất thế giới?

NEW ZEALAND – Ẩn sâu trong những cánh rừng của Công viên quốc gia Nelson Lakes thuộc đảo Nam, có một hồ nước diệu kỳ, được công nhận là “trong nhất thế giới”.

Theo CNN Travel, người phát hiện ra hồ là Ngāti Apa, người Māori. Ông chính là người đã đặt tên cho hồ là Rotomairewhenua hay “hồ của vùng đất yên bình”.

Người Māori trước đây có tục dùng nước hồ để rửa sạch tro cốt người chết. Họ tin việc đó sẽ đưa linh hồn đến Hawaiki, nơi được cho là quê hương của bộ tộc này.

Blue Lake from above Photo DOC09 .jpg
Ảnh: Inside Gorverment NZ

Vài năm trở lại đây, Rotomairewhenua đặc biệt được chú ý khi các nhà khoa học khẳng định đây là “hồ nước ngọt trong nhất thế giới” về mặt thị giác.

Nhờ được bao quanh bởi những cánh rừng và nằm trên núi cao, cũng như được cấp nước từ hồ băng Constance, nên Rotomairewhenua có “độ tinh khiết quang học đặc biệt” với khả năng nhìn thấu sâu dưới nước từ 70-80m.

Cùng với những bức ảnh được lan truyền khắp mạng xã hội, hồ Rotomairewhenua ngày càng thu hút nhiều du khách tới tham quan, đặc biệt trong những ngày hè ở New Zealand kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. 

Điều đó khiến các nhà bảo tồn không khỏi quan ngại tới những hệ lụy có thể sẽ đe dọa tới mức độ tinh khiết của nước hồ.

2y4tgwrvfb.jpg
Ảnh: Nelson Tasman

Phil Novis, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu môi trường Landcare Research, cho biết mối lo lớn nhất hiện nay là sự lây lan của lindavia, loại tảo cực nhỏ lơ lửng trong không khí và có thể bám vào giày của du khách hay trong bình nước của họ.

“Chỉ cần một hạt tảo lindavia nhỏ li ti cũng có thể thay đổi hệ sinh thái của hồ nước mãi mãi”, ông Novis nói thêm. Dù không gây hại cho con người nhưng tảo này tiết ra “chất nhầy”, có thể làm đục nước hồ.

Nhà sinh thái học Jen Skilton, cố vấn môi trường cho một tổ chức phi lợi nhuận của bộ tộc Māori, cho biết: “Nếu vi sinh vật này xuất hiện ở Rotomairewhenua, nó có khả năng gây ra hậu quả lớn, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của hồ”.

43yrgefd870o.jpg
Tảo lindavia có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hệ sinh thái của Rotomairewhenua. Ảnh: Diatoms of North America

Bà nói thêm rằng, điều này được coi là “thảm họa” với người Māori vì với họ Rotomairewhenua có ý nghĩa văn hóa và tâm linh to lớn. Mặc dù các nghi lễ cổ xưa không còn diễn ra nhưng hồ nước vẫn là một phần bản sắc của họ.

Bộ Bảo tồn New Zealand phối hợp cùng tổ chức phi lợi nhuận của bộ tộc Māori đã đưa ra các biện pháp an toàn sinh học dọc theo tuyến đường.

Họ cho lắp đặt các trạm vệ sinh bên cạnh những nơi được phát hiện có tảo lindavia, cùng các biển báo thông tin yêu cầu du khách đi bộ đường dài vệ sinh giày dép và đồ dùng cá nhân trước khi đi về phía hồ Rotomairewhenua.

Thông qua các biển báo và video phát trên ứng dụng Te Araroa, Ban Quản lý Công viên Quốc gia Nelson Lakes kêu gọi du khách không chạm vào nước bất kể là bơi, làm ẩm khăn để hạ nhiệt hay chụp ảnh dưới nước.

Điều này không chỉ để tránh những rủi ro an toàn sinh học mà còn vì sự tôn trọng đối với nơi này. “Nước trong hồ Rotomairewhenua được coi là ‘tapu’ (thiêng liêng) với người Māori và việc chạm vào nó là hành vi bất kính”, bà Skilton nói.

Nguồn: Vietnamnet