Là nước theo đuổi chiến lược “0 ca Covid” từ đầu đại dịch, Singapore nhận ra mình không thể đóng cửa mãi mãi. Câu hỏi lúc này là làm thế nào để mở cửa trở lại an toàn?
Giống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, và New Zealand, Singapore tuân theo chiến lược “0 ca Covid”, hay còn gọi là “chiến lược loại trừ”.
Một quốc gia theo chiến lược “0 ca Covid” sẽ cố gắng giảm số ca mắc mới xuống còn 0. Con số này sau đó sẽ được duy trì ở mức cực thấp bằng cách cách ly người nhập cảnh, xét nghiệm diện rộng, và yêu cầu giãn cách xã hội.
Vì thế, chiến lược “0 ca Covid” giúp người dân ở những quốc gia này vẫn duy trì được cuộc sống bình thường.
Nỗ lực “0 ca Covid” cứu những quốc gia châu Á – Thái Bình Dương nói trên không phải chịu cảnh tàn phá như ở Mỹ và châu Âu, nơi có hệ thống y tế gần như sụp đổ và hàng trăm nghìn người chết vì virus corona.
Nhưng hơn một năm trôi qua, Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, trong khi sức ép mở cửa để kết nối với thế giới đang ngày một gia tăng với các nước “0 ca Covid”.
Lúc này, Singapore, cũng như các quốc gia áp dụng cùng chiến lược chống dịch, phải đối diện với câu hỏi khó: Làm thế nào để mở cửa một cách an toàn?
Dù đạt được tiến triển trong việc tiêm vaccine, các bộ trưởng chính phủ Singapore đã khẳng định đảo quốc này sẽ không vội vàng nới lỏng hàng loạt biện pháp phòng dịch hay quy định giãn cách như một số nước phương Tây, cụ thể là Anh hoặc Mỹ.
Một người lái xe máy điện vào ngày 3/3/2020 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi từng là tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Thế lưỡng nan của chiến lược “0 ca Covid”
Trong buổi phỏng vấn ngày 9/7 với Bloomberg, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung đề cập tới thế lưỡng nan của những quốc gia và vùng lãnh thổ đang áp dụng chiến lược “0 ca Covid”.
Theo Bộ trưởng Ong, những nơi như Trung Quốc đại lục, Australia, và New Zealand duy trì kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, nhưng việc này cũng khiến họ gặp thách thức khi tái mở cửa.
Nguyên nhân là số ca nhiễm thấp, và việc người dân ở những nơi này còn quá chủ quan trước mức độ nguy hiểm của virus, ông Ong nói.
Hong Kong, đặc khu hành chính của Trung Quốc, dường như trở thành nạn nhân của chính sự thành công chống dịch ban đầu.
Ben Cowling, trưởng khoa dịch tễ học của Trường Y tế Công cộng, thuộc Đại học Hong Kong, cho rằng có thể vì trông thấy số ca mắc Covid-19 và ca tử vong thấp nên nhiều người dân tin rằng không việc gì phải vội đi tiêm vaccine,
Đến nay, chỉ mới 22,65% người dân Hong Kong tiêm chủng đầy đủ, dù nguồn cung vaccine luôn dồi dào trong khoảng 135 ngày qua, theo số liệu của Our World in Data.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nhận định tỷ lệ tiêm chủng cần đạt ngưỡng 80% mới có thể tạo ra sự khác biệt đối với sự lây lan của Covid-19.
Một người đàn ông đứng bên cạnh biển thông báo giãn cách xã hội tại bãi biển Bondi, Australia vào tháng 1. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tháng 7/2020, chính phủ Australia cũng từng cam kết mục tiêu “kìm hãm Covid-19 cho tới khi có vaccine hoặc phương thuốc chữa trị hiệu quả, với mục tiêu là không có lây nhiễm trong cộng đồng”.
Nhưng sau một năm chống dịch kiểu “pháo đài” với những lần phong tỏa chớp nhoáng và lệnh đóng chặt biên giới, Australia đã thay đổi.
Ngày 4/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết ông cùng thủ hiến các bang đã đồng ý “thỏa thuận mới” với 4 giai đoạn.
Đây được cho là con đường chuyển từ tập trung kìm hãm virus tới “kiểm soát Covid-19 như bao bệnh truyền nhiễm khác trong cộng đồng”, theo Sydney Morning Herald.
Tuy nhiên, thỏa thuận nói trên chỉ là bản phác thảo và vẫn cần được các viện chính sách góp ý về mục tiêu tiêm chủng.
Margaret Harris, phát ngôn viên của WHO với chuyên môn về y tế cộng đồng, cho rằng những quốc gia sử dụng biện pháp đóng biên giới là cách phòng ngự chủ yếu sẽ gặp khó khăn trong việc đánh giá thời điểm mở cửa.
“Việc phong tỏa người dân và khép cửa với thế giới dễ dàng hơn nhiều so với việc thoát khỏi tình thế ấy. Nguyên nhân là nhà chức trách rất khó chọn thời điểm và cách thức thích hợp để nới lỏng”, tiến sĩ Harris nói.
Quá nhiều ẩn số khi mở cửa ồ ạt
Với 50,38% dân số đã chích ngừa Covid-19 đầy đủ, chính phủ Anh dự định gỡ bỏ đa số giới hạn chống dịch từ ngày 19/7, Guardian đưa tin ngày 5/7.
Điều này có nghĩa mọi cơ sở kinh doanh sẽ mở cửa trở lại, trong khi mọi biện pháp giảm lây nhiễm như bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, khuyến khích làm từ xa, quy định tối đa số người tụ tập,… sẽ được phó mặc cho ý thức trách nhiệm của người dân.
Chỉ một số ít quy định chống dịch được duy trì như cách ly bắt buộc với người mắc Covid-19 hoặc người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân, giãn cách xã hội bắt buộc tại sân bay.
Việc ồ ạt gỡ bỏ đa số giới hạn chống dịch như vậy đã được mô tả là cách tái mở cửa kiểu Big Bang (“Big Bang” là cách gọi vụ nổ lớn hình thành vũ trụ, theo lý thuyết cùng tên).
Người dân thư giãn ở bàn ăn ngoài trời tại London, Anh vào ngày 28/5, thời điểm biện pháp giới hạn chống dịch tiếp tục được nới lỏng. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ong cho rằng có “quá nhiều ẩn số” với cách mở cửa này của Anh.
“Bạn không thể biết được liệu số ca mắc có tăng vọt hay không và liệu bao nhiêu ca trong đó sẽ chuyển biến nặng, thậm chí là dẫn đến tử vong”, ông Ong nói.
Chính Sajid Javid, Bộ trưởng Y tế Anh, khi được hỏi về ý định mở cửa kiểu Big Bang của chính phủ vào ngày 6/7 cũng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn.
“Bởi vì chưa quốc gia nào trên thế giới thực thi kế hoạch này, nên khi chúng ta càng đi xa, các dự báo có thể không còn chính xác nữa”, ông nói.
“Khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ và Anh bước vào mùa hè, chúng tôi dự đoán số ca nhiễm tăng cao, thậm chí lên tới 100.000 trường hợp. Nhưng điều quan trọng hơn cả là số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19”, ông nói.
Ông Javid cũng cho biết vẫn tồn tại rủi ro biến chủng Covid-19 mới xuất hiện và đi kèm khả năng kháng vaccine hiện tại.
Singapore chọn con đường trung dung
Khi chiến dịch tiêm chủng của Singapore dần lấy được đà, chính phủ nước này đã chuyển sang chuẩn bị cho sống chung với virus, thay vì theo đuổi chiến lược dập dịch hoàn toàn.
Nhưng Singapore sẽ chọn con đường trung dung hơn với việc “từng bước mở cửa, không kiểu ‘Big Bang’, và đảm bảo an toàn cho người dân trong mỗi giai đoạn”, Bộ trưởng Ong nói.
“Đảo quốc sư tử” dự kiến hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đủ 2 liều ngừa Covid-19 cho 2/3 dân số trước dịp Quốc khánh vào ngày 9/8.
Những người trên 70 tuổi tại Singapore ngồi chờ quan sát sau tiêm vào tháng 1. Ảnh: Reuters. |
Theo Bộ trưởng Ong, quan chức chính quyền Singapore sẽ phải hoạch định một lộ trình mở cửa cụ thể.
Việc nới lỏng giới hạn chống dịch sẽ song hành cùng các mốc tiêm chủng, và người được tiêm chủng đầy đủ sẽ được tận hưởng sự tự do lớn hơn.
Chẳng hạn, người tiêm chủng đầy đủ có thể tham gia các sự kiện đông người một khi nửa dân số Singapore đã tiêm chủng. Cột mốc này dự kiến được hoàn thành vào cuối tháng 7.
Ngoài ra, người đã tiêm chủng đầy đủ cũng sẽ là những người đầu tiên được du lịch nước ngoài, ông Ong nói.
“Để đạt miễn dịch cộng đồng, bạn có thể cần tiêm chủng cho 90-95% dân số. Nhưng chúng ta có khả năng không thể đạt được mục tiêu ấy, kể cả ở nơi người dân và nhà nước tin tưởng nhau như Singapore”, Bộ trưởng Ong nói.
“Rất khó để đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng có thể đạt được là viễn cảnh (Covid-19 trở thành) bệnh đặc hiệu và bạn có thể sống chung với virus”, ông Ong nhận định.
Nguồn: News.zing.vn