Vì sao thâm hụt thương mại 1,45 tỷ USD?

0
52

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD, tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021 Việt Nam lại nhập siêu 1,45 tỷ USD.

Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi với kim ngạch ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 69,77 tỷ USD, tăng 7,7% và chiếm 26,04% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; khu vực kinh tế nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 198,16 tỷ USD, tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng 73,96%.

Công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tăng trưởng khi chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đối với nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ.

TRỊ GIÁ XUẤT NHẬP KHẨU VÀ CÁN CÂN THƯƠNG MẠI 10 THÁNG ĐẦU NĂM
Nhãn Xuất khẩu Nhập khẩu Cán cân thương mại
Năm 2021 tỷ USD 267.93 269.38 -1.45
Năm 2020 229.79 210.3 19.5

Về nguyên nhân dẫn tới nhập siêu trong 10 tháng năm 2021, Bộ Công Thương lý giải thứ nhất do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất.

Thứ hai, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Thứ ba, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu.

Cuối cùng là xuất khẩu giảm tốc từ tháng 6. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá đang có những thuận lợi khi khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.

Từ nay đến cuối năm để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương xác định tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc; tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn