Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết TP.HCM giao việc quản lý giấy đi đường về một đầu mối nhằm kiểm soát lượng người được cấp giấy lưu thông và thuận lợi cho lực lượng kiểm soát chốt.
Học online và cấp giấy đi đường trong thời điểm TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội là hai chủ đề được đề cập trong chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 30/8.
Với hơn 350.000 lượt xem và hơn 3.000 bình luận, người dân đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những khó khăn khi gia đình có con học online hoặc vấn đề doanh nghiệp gặp khó khi xin cấp giấy đi đường tại UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Lưu lượng tham gia giao thông giảm 90%
Tại chương trình, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, chia sẻ việc quản lý cấp giấy đi đường được các cấp ngành của thành phố thảo luận nhiều.
Thời gian đầu, TP quy định cho các sở, ngành làm đầu mối để cấp giấy lưu thông cho công nhân viên trên lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, mật độ lưu thông không giảm và không đạt được yêu cầu về giãn cách xã hội. Do đó, TP quyết định giao cho một đơn vị quản lý thống nhất việc này.
Theo thượng tá Hà, có hai nguyên nhân để việc quản lý giấy đi đường được giao về một đầu mối. Thứ nhất, cơ quan chức năng sẽ biết được lượng người được cấp giấy lưu thông. Thứ hai, thuận lợi cho cho lực lượng kiểm soát trên đường, tránh tình trạng ùn tắc ở các chốt gây nguy cơ lây lan dịch.
Việc cấp giấy đi đường trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách là chủ đề được đưa ra bàn luận tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 30/8. Ảnh: HCM. |
Tuy nhiên, thượng tá Hà cho biết sau khi UBND TP giao cho công an quản lý việc cấp giấy đi đường, nhiều người hiểu nhầm là phải liên hệ trực tiếp công an để xin giấy. Thực tế, Công an TP.HCM chỉ là đơn vị in và cấp giấy đi đường thông qua các sở, ngành, UBND các cấp.
Quy trình thực hiện là trên cơ sở số lượng giấy lưu thông công an phát xuống, các đơn vị mới rà soát các lĩnh vực, ngành nghề được phép lưu thông và cấp giấy cho các trường hợp ra đường đúng quy định.
“Trên tinh thần quản lý nghiêm ngặt về người lưu thông, số lượng giấy chúng tôi cấp ban đầu có giới hạn để quản lý. Hiệu quả là sau khi chuyển qua công an cấp giấy, lưu lượng người tham gia giao thông giảm 90%, số người vi phạm quy định về ra đường cũng giảm”, ông Hà cho biết.
Khi có người dân phàn nàn việc UBND và công an quận, huyện đùn đẩy trong vấn đề cấp giấy, thượng tá Hà cho biết đây là thủ tục hành chính không có tiền lệ nên nhiều đơn vị, tổ chức chưa có sự thống nhất thực hiện. Ông Hà mong doanh nghiệp và người dân chia sẻ với thành phố.
“Trường tăng học phí trong lúc dịch bệnh là phản cảm”
Liên quan đến chủ đề giáo dục, tại chương trình, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi về tính hợp lý khi nhiều trường ngoài công lập tăng học phí 5%-10%, có trường tăng 15% trong thời điểm dịch bệnh, người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, cho biết theo quy định, các trường ngoài công lập có quyền được xây dựng khung học phí dựa trên sự thỏa thuận với phụ huynh. Do đó trên phương diện pháp luật, việc một số trường tư, trường quốc tế tăng học phí là được phép.
Dù vậy, sau khi tiếp nhận nhiều phản ánh của phụ huynh, Sở GD&ĐT TP.HCM đã trao đổi trực tiếp với từng trường để kêu gọi các trường tiết chế việc tăng học phí trong thời gian dịch bệnh. Theo đó, Sở đề xuất các trường giảm các hoạt động để giảm chi phí học tập trong thời gian này cho học sinh.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết nhiều trường có thể phải cân đối chi phí giữa việc xây dựng chương trình học online, việc giữ giáo viên lại để xây dựng dữ liệu dạy học, dẫn đến quyết định tăng học phí 5%-10%.
“Các trường ngoài công lập có cơ sở pháp lý để tăng học phí, nhưng về tính nhân văn thì việc tăng học phí thời điểm này là phản cảm. Việc này cho thấy nhà trường không có sự chia sẻ với phụ huynh và học sinh, những người gắn bó với nhà trường trong nhiều năm”, ông Hiếu nói.
Phụ huynh ở TP.HCM lo ngại việc học trực tuyến không hiệu quả đối với học sinh Tiểu học. Ảnh: Phụ huynh cung cấp. |
Riêng với trường công lập, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết cơ quan đã có văn bản tham mưu và thành phố cũng có chủ trương về việc giãn, giảm và hướng tới miễn học phí cho học sinh. Do miễn học phí là chủ trương phải do Quốc hội quyết định, vì vậy TP.HCM sẽ cấp bù kinh phí vào số tiền miễn, giảm cho học sinh trường công lập.
Về việc TP.HCM siết chặt giãn cách khiến người dân không thể đi làm thủ tục nhập học cho con vào lớp 1, ông Hiếu cho biết Sở đã linh động đến mức người dân chỉ cần gọi điện thoại để đăng ký nhập học cho con là có thể tham gia chương trình học của trường; không cần phải đến trường để đăng ký các hồ sơ, thủ tục.
Ông Hiếu khẳng định kể cả khi phụ huynh đăng ký muộn, các trường vẫn linh động và sắp xếp lớp cho học sinh.
Nói thêm về giải pháp khi nhiều phụ huynh chia sẻ việc thiếu phương tiện để học sinh học online, ông Hiếu chia sẻ lại giải pháp của một giáo viên đang giảng dạy ở một trường THCS tại quận 1. Theo đó, các trường sẽ vận động phụ huynh, giáo viên, mạnh thường quân có thiết bị điện tử như laptop, iPad, máy tính bảng cũ mà không dùng đến và chia sẻ lại cho gia đình các học sinh khó khăn.
“Các trường đang rất sẵn sàng nhận lại các thiết bị này để chia sẻ cho học sinh khó khăn mà không có phương tiện tham gia học trực tuyến”, ông Hiếu nói và kêu gọi người dân ủng hộ cho giải pháp này.
Ngoài ra, nếu không có phương tiện gì khác, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng làm việc với đài truyền hình thành phố để ghi hình tiết giảng của các thầy cô có kinh nghiệm, đưa lên kênh truyền hình theo lịch phát sóng cố định. Đến giờ học, học sinh sẽ bật truyền hình lên xem bài giảng, phụ huynh cũng có thể học với con.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn