Vì sao Trung Quốc xin gia nhập CPTPP giữa lúc Mỹ lập liên minh AUKUS?

0
61

Ít lâu sau khi Mỹ, Anh và Australia tuyên bố liên minh quốc phòng ba bên, Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập CPTPP, hiệp định Mỹ từng rút lui dưới thời ông Donald Trump.

lien minh quan su AUKUS anh 1

Thời gian qua, Mỹ đã và đang hình thành một mạng lưới liên minh, bao gồm Ấn Độ và Nhật Bản.

Gần đây nhất, Mỹ, Anh, và Australia ngày 15/9 công bố liên minh an ninh có tên gọi AUKUS nhằm giúp Australia có tàu ngầm hạt nhân để tăng cường khả năng răn đe tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giới chức Nhà Trắng cho biết.

Cũng vì AUKUS, Australia hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá nhiều tỷ USD từ Pháp. Chính quyền Paris lên tiếng cáo buộc cả ba nước Anh, Mỹ và Australia phản bội. Trong một động thái gay gắt chưa từng có tiền lệ, Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia về nước hôm 17/9.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 16/9 gọi động thái của Mỹ là “cú đâm sau lưng”. Đại sứ quán Pháp tại Washington (Mỹ) cũng hủy buổi tiệc được lên lịch từ trước.

Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đã có bước đi đáng chú ý. Cùng ngày 16/9, quốc gia này cố mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế bằng cách thông báo đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong quá khứ, Mỹ từng tiến sát tới ngưỡng cửa của hiệp định thương mại khu vực nói trên (khi ấy có tên gọi TPP). Nhưng tới năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump rút lui khỏi TPP vì cho rằng các hiệp định thương mại đa phương bất lợi cho Mỹ.

lien minh quan su AUKUS anh 2

Mỹ rút khỏi hiệp định TPP, tiền thân của CPTPP, dưới thời ông Trump. Ảnh: Reuters.

Mỹ lập liên minh quân sự để tăng tính “răn đe”

Các chính quyền gần đây của Mỹ đã và đang cố gắng điều chỉnh chính sách đối ngoại để hướng về phía châu Á. Chính quyền ông Barack Obama nỗ lực “xoay trục sang châu Á” nhưng thành công đạt được chỉ ở mức tương đối, do các sáng kiến mới bị chiến sự tại Iraq và Afghanistan làm cho lu mờ.

Dưới thời ông Trump, Mỹ áp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng củng cố liên minh an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với mong muốn lôi kéo Ấn Độ vào nhóm các nước sẽ cứng rắn với Bắc Kinh.

Đến lượt mình, chính quyền ông Joe Biden liên tục nói rằng thách thức lớn đối với Mỹ không còn là chống khủng bố, mà là cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đằng sau việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

lien minh quan su AUKUS anh 3

(Từ trái qua) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng hội đàm tại Washington, Mỹ vào ngày 17/9. Ảnh: Wall Street Journal.

Trong buổi họp báo chung tại Washington vào ngày 16/9, các ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Australia cùng nhận xét hiệp ước mới là sự tiếp nối của mối quan hệ kinh tế – an ninh đã trải dài từ Thế chiến I cho tới Afghanistan.

Bốn vị quan chức “trao đổi cụ thể về những hoạt động gây bất ổn của Trung Quốc, cũng như nỗ lực cưỡng ép và đe dọa các nước khác của Bắc Kinh”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói.

Trong khi đó, một ngày trước, một quan chức Nhà Trắng khẳng định hiệp ước mới không nhắm vào một quốc gia nào mà nhằm “thúc đẩy lợi ích chiến lược của Mỹ, duy trì trật tự quốc tế theo luật lệ và ủng hộ hòa bình, ổn định tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton nêu ra “yếu tố răn đe” trong kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân. Quyết định của Australia được dựa trên nhu cầu bảo toàn “vị thế vượt trội trong khu vực” của hải quân nước này, ông Dutton nói.

Tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động ở tầm xa hơn và khó bị phát hiện hơn. Theo giới chức Mỹ, tàu ngầm Australia sắp mua sẽ không được trang bị vũ khí hạt nhân và Australia cũng không theo đuổi loại vũ khí này.

lien minh quan su AUKUS anh 4

Một tàu ngầm đỗ tại căn cứ hải quân của Australia. Ảnh: Shutterstock.

Bắc Kinh muốn ngang vai với Washington

Đáp trả, Trung Quốc nhận định thỏa thuận liên minh ba nước nói tiếng Anh là “cực kỳ vô trách nhiệm” và bắt nguồn từ “tư duy lạc hậu thời Chiến tranh Lạnh”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói ngày 16/9.

Theo Wall Street Journal, Trung Quốc vừa qua đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ quân sự và đặt ra các chính sách về lãnh thổ như thiết lập vùng cấm bay. Nhưng việc Trung Quốc cố sử dụng sức mạnh kinh tế vào chính sách đối ngoại đã đặc biệt đụng chạm tới Australia.

Năm 2020, Trung Quốc tung một số hình phạt thương mại với Australia như áp mức thuế cao đối với lúa mạch, ngưng nhập khẩu thịt bò và áp thuế chống bán phá giá với rượu vang. Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết chính phủ nước mình từ sớm đã mời Trung Quốc đối thoại nhưng “luôn không được chấp nhận”.

lien minh quan su AUKUS anh 5

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Bắc Kinh vào tháng 7. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ trước đến nay đã cố tái định hình quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ là quan hệ giữa hai cường quốc ngang hàng, theo Wall Street Journal.

Sau khi không thể khiến chính quyền Biden dỡ bỏ những chính sách cứng rắn từ thời Trump, ông Tập đẩy mạnh nỗ lực đối đầu với Washington, cũng như cố gắng lôi kéo các nước vốn nằm trong quỹ đạo truyền thống của Mỹ.

Ông Tập đang đánh cược rằng nhiều nước sẽ không sẵn sàng tham gia liên minh đối phó Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt vì sức hấp dẫn từ thị trường khổng lồ của xứ tỷ dân. Những nước không ủng hộ các mục tiêu phù hợp với quan điểm của Trung Quốc thường bị áp đòn trừng phạt kinh tế.

Tình thế bất đắc dĩ ấy theo quan điểm của Bắc Kinh sẽ là cơ hội cho Trung Quốc tận dụng để kết liên minh.

Thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia một phần là nhằm vô hiệu hóa ảnh hưởng kinh tế trong khu vực của Trung Quốc.

“Chúng tôi từng lên tiếng cả công khai và trao đổi kín về lo ngại rằng Bắc Kinh có hành động cưỡng ép kinh tế đối với Australia”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói. “Chúng tôi đã tỏ rõ rằng những hành động nhắm tới đồng minh của mình như vậy sẽ cản trở bước tiến trong quan hệ Mỹ – Trung”.

Theo Wall Street Journal, việc Bắc Kinh xin gia nhập CPTPP không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Ông Tập và các lãnh đạo cấp cao khác trong năm qua đã nói về lợi ích của Trung Quốc khi tham gia CPTPP. Nhưng thời điểm của đơn xin gia nhập thực sự gây chú ý.

Phía Australia cho biết không sẵn sàng đàm phán việc Trung Quốc đệ đơn gia nhập Hiệp định CPTPP trừ khi Bắc Kinh dỡ bỏ thuế trừng phạt nhắm vào hàng hóa nước này.

Phát biểu hôm 17/9, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan tuyên bố nước này cần hiểu rõ về “hồ sơ tuân thủ” các nguyên tắc thương mại tự do và cởi mở của Trung Quốc trước khi cân nhắc đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP, theo South China Morning Post.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn