Thất bại ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 là cột mốc để Malaysia nhìn nhận lại chính sách nhập tịch đang áp dụng.
Phân tích
Hôm 18/8, Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) có cuộc họp để bàn về chính sách nhập tịch. Sau đó, Chủ tịch FAM Hamidin Amin tuyên bố: “Nhập tịch là điều FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới) cho phép. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tạm dừng chương trình này vì muốn nghiên cứu về nó kỹ hơn cho tương lai”.
Đây là một quyết định đầy bất ngờ bởi hồi tháng 6, FAM còn lên kế hoạch nhập tịch cho 2 cầu thủ Nam Mỹ là Gonzalo Cabrera (người Argentina) của Johor Darul Ta’zim và Endrick dos Santos (người Brazil) của Penang.
Tuy nhiên, có thể hiểu được quyết định của FAM khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Tuyển Malaysia không thể lột xác chỉ bằng nguồn lực cầu thủ nhập tịch. Họ cần một chiến lược lâu dài để phát triển.
Dấu hỏi về chất lượng
Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, HLV Tan Cheng Hoe mang theo 3 cầu thủ nhập tịch là Mohamadou Sumareh (gốc Gambia), Liridon Krasniqi (gốc Kosovo) và Guilherme De Paula (gốc Brazil).Trong đó, chỉ Sumareh có kinh nghiệm thi đấu cho tuyển Malaysia.
Hai tân binh Krasniqi, De Paula chơi ở vị trí tiền vệ công và tiền đạo cắm. Cùng với Sumareh, tuyển Malaysia có hàng công gồm 3 cầu thủ nhập tịch. Trên lý thuyết, họ có thể cải thiện sức mạnh cho đoàn quân của HLV Tan Cheng Hoe. Nhưng thực tế, bộ 3 này chơi rời rạc và không để lại dấu ấn.
Krasniqi (trái) chơi nhạt nhòa trong chiến dịch vòng loại World Cup 2022 của Malaysia. Ảnh: Y Kiện. |
Sau 3 trận trên đất UAE, tuyển Malaysia ghi được 2 bàn thắng trên chấm phạt đền do công của De Paula và Safawi Rasid. 5 trận trước đó, họ có 8 bàn nhờ công của Sumareh (3 bàn), Syafiq (2 bàn), Brendan Gan và Safawi (2 bàn).
Rõ ràng, đóng góp của các cầu thủ mới là rất nhạt nhòa. Họ cũng tỏ ra khá lạc lõng trong đội hình Malaysia, đặc biệt là tiền vệ Krasniqi. Anh chơi tệ trong trận đấu với UAE, di chuyển chậm và thiếu tích cực. Đến trận gặp Việt Nam, Krasniqi lập tức bị đẩy lên băng ghế dự bị.
Trong khi đó, De Paula được đá chính ở 2 trận đấu mang tính then chốt của tuyển Malaysia. Anh ghi được một bàn từ chấm phạt đền vào lưới Việt Nam, nhưng chừng đó là không đủ để đánh giá chân sút này thi đấu hiệu quả. De Paula được tin tưởng một phần đến từ việc tuyển Malaysia không có sự phục vụ của Shahrel Fikri Fauzi vì chấn thương.
Trước khi nhập tịch, Krasniqi và De Paula đều có 6 năm thi đấu ở giải vô địch quốc gia Malaysia. Đó là khoảng thời gian đủ giúp họ hiểu nền bóng đá nước này, quen với những nội binh. Tuy nhiên, việc hòa nhập với các đồng đội là điều hoàn toàn khác.
Luqman, tài năng trẻ đang chơi bóng ở Bỉ, cần nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn. Ảnh: FAM. |
Kế hoạch cho tương lai
“Chúng tôi đang lên kế hoạch triệu tập một số cầu thủ mới vào tháng 10. Chúng tôi đang theo dõi sự tiến bộ của các cầu thủ tại giải vô địch quốc gia. Những người tỏa sáng sẽ được trao cơ hội. Chúng tôi cần ‘thay máu’ để tuyển Malaysia tiến bộ”, HLV Tan Cheng Hoe chia sẻ về kế hoạch trước mắt.
Cuối năm 2021, tuyển Malaysia sẽ thi đấu AFF Cup. Xa hơn, họ tranh tài ở vòng loại Asian Cup 2023, bắt đầu vào tháng 2/2022 và kết thúc vào tháng 9/2022.
Malaysia không còn cơ hội cạnh tranh ở vòng loại World Cup. Nếu không đặt nặng thành tích tại AFF Cup, Malaysia đang có thời gian để trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ.
Những cầu thủ trẻ sẽ tiến bộ rất nhanh nếu được tạo cơ hội thi đấu quốc tế. Bài học của đội tuyển Indonesia vừa qua cho thấy điều đó.
“Các cầu thủ trẻ sẽ tự tin hơn nếu được thi đấu quốc tế nhiều. Đó là điều chúng tôi cần làm vì mục tiêu lâu dài. Những cựu binh thi đấu tốt sẽ tiếp tục được chơi ở đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, chúng tôi cần chuẩn bị cho tương lai bằng cách cho ra mắt những gương mặt mới”, HLV Tan Cheng Hoe khẳng định.
Thời điểm này, tuyển Malaysia đang có nhiều tài năng trẻ cần được trao cơ hội. Luqman Hakim, Akhyar Rashid, Dominic Tan và Syahmi Safari là những cái tên được Liên đoàn Bóng đá Châu Á đánh giá cao. Trong đó, Luqman được chơi bóng ở Bỉ, từng vào danh sách những tài năng trẻ hay nhất thế giới năm 2019 của Guardian.
De Paula ra mắt tuyển Malaysia khi đã bước sang tuổi 34. Ảnh: Y Kiện. |
FAM cũng đã có bước chuẩn bị cho tương lai mang tính hệ thống. Họ sẽ bắt đầu từ các cấp độ trẻ cho đến đội tuyển quốc gia. Tại vòng loại U23 châu Á 2022, FAM sẽ cử đội U20 thi đấu để tích lũy kinh nghiệm, hướng đến vòng loại Olympic 2024.
Bên cạnh đó, tuổi tác của các cầu thủ nhập tịch cũng là một trở ngại. Trong trường hợp tuyển Malaysia được dự vòng chung kết Asian Cup 2023, những cầu thủ nhập tịch là Krasniqi, De Paula lần lượt bước sang tuổi 31, 36. Ứng viên mới là Gonzalo Cabrera cũng ở tuổi 36.
Tại những nền bóng đá hạng trung, tìm ra một ngoại binh chất lượng, tích lũy đủ thời gian thi đấu để nhập tịch mà vẫn ở độ chín sự nghiệp là vấn đề không hề đơn giản.
Tinh thần chiến đấu của các cầu thủ nhập tịch cũng là một vấn đề được giới chuyên môn Malaysia bàn đến. Pekan Ramli, một chuyên gia thể thao người Malaysia, khuyên FAM cần khắt khe hơn trong việc lựa chọn cầu thủ nhập tịch. Ngoài những yếu tố quan trọng như phong độ, trình độ hay tuổi tác, ông Pekan đề xuất FAM nên tổ chức các khóa học để những cầu thủ nhập tịch yêu đất nước Malaysia hơn, nâng cao tinh thần dân tộc.
Trong quá khứ, bóng đá Malaysia đã rất thành công mà không cần cầu thủ nhập tịch. Năm 2009 và 2011, họ giành 2 tấm huy chương vàng SEA Games ở bộ môn bóng đá nam. Giữa khoảng thời gian đó, họ nâng cao chiếc cúp vô địch AFF 2010. Đó cũng là cơ sở để những người làm bóng đá và cổ động viên Malaysia tin vào việc họ có thể vươn xa hơn với một đội hình gồm toàn bộ nội binh.
Nguồn: News.zing.vn