Những đợt giảm giá của loạt thương hiệu cho thấy thời trang đang điều chỉnh để thích nghi với đại dịch.
SCMP đưa tin Victoria Beckham thông báo thương hiệu của cô sẽ giảm giá hàng loạt những bộ váy sang trọng. Giá trung bình của các sản phẩm hạ xuống khoảng 40%.
Thông báo được đưa ra vào tháng 6. Để làm được điều này, nhãn hàng sẽ thay đổi ở khâu sản xuất. Vào năm 2020, thương hiệu Mulberry giảm giá loạt túi xách.
Thị trường thời trang xa xỉ thường xoay quanh sự khan hiếm và độc quyền. Bên cạnh đó, biến động giá là một phần không thể thiếu. Hành động định giá của Victoria Beckham và Mulberry nói lên cách thời trang thích ứng với một thế giới bị đảo lộn bởi đại dịch.
Giảm giá để cứu vớt doanh số
Khi trình bày về hướng đi mới, Victoria Beckham nhận định sau dịch bệnh, mọi người ưu tiên trang phục dễ mặc và linh hoạt hơn là sự quyến rũ. Quần tây và sneakers được ưa chuộng hơn giày cao gót.
Victoria Beckham giảm giá để cứu vớt doanh số. Ảnh: The Business of Fashion. |
Ngành công nghiệp thời trang đang buộc phải đánh giá lại cách sản xuất và bán hàng hóa. Điều này bắt đầu bằng việc một số nhãn hàng thay đổi số lượng bộ sưu tập và cách phát hành. Trong trường hợp thương hiệu của Victoria Beckham, họ đánh giá lại đối tượng khách hàng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giảm giá sản phẩm không phải phương án hợp lý.
Athena Chan, chiến lược gia cấp cao khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại công ty dự báo WGSN, cảnh bảo việc giảm giá có thể gây bất lợi cho giá trị thương hiệu.
“Hạ giá sản phẩm làm thay đổi nhận thức về giá trị của một thương hiệu. Điều này gây tổn hại cho các nhãn hàng tự coi mình là xa xỉ”, bà cho biết.
Luca Solca, nhà phân tích về hàng xa xỉ tại công ty nghiên cứu Bernstein, đồng ý rằng giá cả rất quan trọng khi nói đến cách một thương hiệu được nhìn nhận.
Ông nói: “Giá tăng cho thấy nhận thức của khách hàng về giá trị sản phẩm. Trong khi đó, nó làm tăng áp lực mua ngay hôm nay. Vì nếu chần chừ, giá có thể tăng vào ngày mai”. Bởi vậy, Athena Chan nhận thấy tăng giá trở thành một động thái thể hiện quyền lực thực sự.
Nhiều thương hiệu xa xỉ tăng giá túi xách lên 15%. Ảnh: Who What Wear. |
Tăng giá – một động thái quyền lực
Trong khi nhiều thương hiệu quyết định hạ giá, Chanel, Louis Vuitton tăng giá túi xách lên khoảng 15%.
Đối với hành động này, Athena Chan nhận thấy: “Ở một mức độ, việc tăng giá sản phẩm phản ánh mức độ phổ biến của chúng trên thị trường. Các thương hiệu chỉ tăng giá cho một số dòng sản phẩm nhất định. Nhu cầu của khách hàng tăng cao với loạt thiết kế cổ điển”.
Cô khẳng định mỗi lần tăng giá, thương hiệu thu hút được sự chú ý của công chúng và kéo theo nhiều cuộc thảo luận giữa người tiêu dùng yêu thích hàng xa xỉ. Đồng thời, đợt tăng giá cho thấy sự phân tầng của các thương hiệu cao cấp.
Qua đại dịch, cách nhìn nhận về mặt hàng sang trọng đang tiếp tục phát triển.
Sophie Hersan, đồng sáng lập và giám đốc thời trang tại Vestiaire Collective, cho biết các hãng thời trang sang trọng cổ điển vẫn là niềm khao khát vĩnh cửu. Giá trị của chúng được lưu giữ theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều sản phẩm trở thành một khoản đầu tư thực sự.
Qua đại dịch, khách hàng hướng đến các sản phẩm có giá trị lâu dài. Ảnh: @isaacmoore_. |
Bà nhận định người tiêu dùng đang cân nhắc đầu tư vào các sản phẩm chất lượng cao và vẫn giữ nguyên giá trị trong 10 năm tới.
Trong khi đó, Athena Chan cho rằng khi người tiêu dùng sành điệu hơn, họ tìm lý do cho việc mua hàng sao cho có ý nghĩa và mục đích. Khách hàng đi sâu vào giá trị thương hiệu.
Bên cạnh đó, trải nghiệm mua sắm các mặt hàng xa xỉ ngày càng độc đáo. Nhãn hàng tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh bán lẻ khác nhau. Các sản phẩm không được gắn giá trực tiếp. Người mua phải tìm hiểu thông qua nhiều kênh và dựa vào các mối quan hệ lâu dài.
Nguồn: News.zing.vn