Ban chỉ đạo 389 yêu cầu các ngành khi triển khai kế hoạch chống hàng giả mạo xuất xứ không gây tác động xấu tới thị trường, doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo Quốc gia về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) vừa ban hành kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Kế hoạch này thực hiện theo chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi có tình trạng hàng hoá sản xuất nước ngoài nhưng gắn nhãn “Made in Vietnam” được nhập lậu qua biên giới để tiêu thụ nội địa.
Phó trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu các ngành, lực lượng phân định đúng chức năng, tránh chồng chéo; việc thực hiện kế hoạch cũng không gây tác động xấu đến thị trường, làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, trong kế hoạch gửi tới các cơ quan trực thuộc, Ban chỉ đạo 389 cũng nhấn mạnh, yêu cầu không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang nước thứ ba.
Trước đó, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đang ngày một tăng. Hàng nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Việc này, theo Cục Xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và tác động đến sản xuất trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Nguyễn Hà
Nguồn: Vnexpress.net