Việt Nam cần làm gì trong tình hình dịch mới?

0
Việt Nam cần làm gì trong tình hình dịch mới?

Đứng trước số ca nhiễm nCoV đang có dấu hiệu tăng trở lại, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn tới hệ thống y tế và tiếp cận sớm với F0 để tránh diễn biến nặng.

Theo thống kê của Bộ Y tế trong một tuần qua, Việt Nam liên tục ghi nhận số ca nhiễm sau 24 giờ ở ngưỡng 9.000-10.000, tăng cao so với khoảng thời gian hồi cuối tháng 10. Điều này thực tế đã được các chuyên gia lý giải trước đó khi các quy định về giãn cách, phong tỏa được nới lỏng.

Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với SARS-CoV-2, các địa phương vẫn tiếp tục được yêu cầu đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và thường xuyên cập nhật cấp độ dịch. Bên cạnh đó, đợt bùng phát dịch nghiêm trọng tại TP.HCM vừa qua cũng mang lại nhiều bài học đối với hệ thống y tế.

F0 tăng, có nguy cơ bùng phát dịch nhưng không nên quá lo lắng

Tại điểm nóng về dịch Covid-19 trong thời gian qua là TP.HCM, trong cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo mới đây, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế đã khẳng định với tình hình hiện nay ở thành phố khi số F0 dao động mức 1.000 ca, không thể nói là có đợt dịch mới.

Với Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường nhận thức trong tình hình mới. Dự báo ca bệnh Covid-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới, ông Phong cho biết thành phố đã giao sở y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh và đề nghị chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.

Bộ Y tế vừa qua cũng phải gửi công văn hỏa tốc tới các tỉnh, thành phố đánh giá nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, thời điểm nào do lượng người dân di chuyển về địa phương từ vùng dịch sau nới lỏng giãn cách.

giai phap trong tinh hinh dich covid-19 anh 1

Đoàn người dân từ vùng có dịch trên đường trở về quê. Ảnh: Đức Anh.

Đáng chú ý, công văn này nhấn mạnh các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn nhưng phải đảm bảo thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, không cục bộ, “cát cứ”, ban hành quy định vượt quá mức cần thiết.

Nhận định với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay vẫn khá phức tạp. Song, các địa phương vẫn đang kiểm soát được dịch.

“Khi mình nới lỏng các hoạt động, cho phép đi lại, việc tiếp xúc giữa người với người tăng lên, người lành tiếp xúc với người nhiễm từ đó xuất hiện nhiều ca bệnh cũng như ổ dịch”, vị chuyên gia này lý giải.

Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, đánh giá số ca nhiễm trên cả nước hiện nay chỉ tương đương với thời gian cao điểm dịch vừa qua.

PGS Hùng nói thêm: “Trong khi đó, nhiều người dân tại các tỉnh, thành phố đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Đa số người nhiễm virus cũng diễn biến nhẹ, thậm chí không xuất hiện triệu chứng. Với căn cứ đó, chúng ta có thể không cần quá lo lắng và cần tiếp tục tập trung thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch đang làm”.

Không nên phụ thuộc vào vaccine

Dù số F0 tăng là điều có thể lý giải, PGS Trần Đắc Phu vẫn nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ ca nhiễm trên mỗi 100.000 dân/tuần như Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đề cập.

Ngoài ra, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng việc quan trọng cần làm là tính toán số ca nhiễm hiện nay có tỷ lệ tiêm chủng như thế nào. Ngành y tế cần đối chiếu giữa số ca mắc và trường hợp diễn biến nặng, tử vong, tỷ lệ người đã hay chưa tiêm chủng để đưa ra phương án đáp ứng phù hợp.

giai phap trong tinh hinh dich covid-19 anh 2

Người dân tại TP.HCM được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Nếu địa phương có số ca mắc cao nhưng tỷ lệ tiêm chủng cũng cao, lượng bệnh nhân diễn biến nặng thấp, chúng ta có thể không cần quá lo ngại. Ngược lại, những địa phương có mức độ bao phủ vaccine thấp sẽ đáng lo hơn. Chúng ta phải có phân tích tỷ lệ tiêm chủng, số ca mắc, người diễn biến nặng, trường hợp tử vong… chứ không nên chỉ nhìn vào số F0 tăng nhiều hay ít”, PGS Phu gợi ý.

Ông Phu nói thêm các tỉnh nên coi các nước châu Âu là một bài học khi chỉ trông chờ vào vaccine mà không áp dụng những biện pháp an toàn hay dự phòng cá nhân khiến nguy cơ bùng dịch tăng cao.

“Các địa phương cần có phương án lao động an toàn, hoạt động an toàn, cơ sở an toàn, xí nghiệp an toàn, chợ an toàn, bệnh viện an toàn… Không thể chỉ dựa vào vaccine và thả lỏng được”, ông kết luận.

PGS Nguyễn Việt Hùng cũng đồng ý rằng Việt Nam hiện nay cần tập trung cho những người có nguy cơ cao diễn biến nặng, tử vong, được sớm tiêm đủ 2 liều vaccine.

Tuy nhiên, bên cạnh vaccine, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng đợt dịch tại TP.HCM vừa qua cũng đã phơi bày một số vấn đề trong hệ thống y tế cần sớm cải thiện.

Thứ nhất, ông Hùng cho rằng vai trò của y tế cơ sở tại Việt Nam hiện nay còn chưa tốt, từ đó dẫn đến khả năng chăm sóc ban đầu cho người bệnh không hiệu quả. Cũng với lý do này, Nghị quyết 128 vừa qua đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chuẩn bị sẵn trạm y tế lưu động, đặc biệt là vấn đề sẵn sàng oxy tại y tế cơ sở.

Thứ hai, ngành y tế Việt Nam cần xem lại hệ thống vận chuyển, hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận việc điều trị chuyên sâu khi có diễn biến nặng.

giai phap trong tinh hinh dich covid-19 anh 3

Các bác sĩ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

“Bài học ở TP.HCM cho thấy nhiều bệnh nhân diễn biến nặng nhưng dịch vụ chăm sóc ban đầu thiếu oxy, việc chuyển F0 này lên cơ sở điều trị chuyên sâu lại muộn. Từ đó nhiều người bệnh đến nơi nhưng không thể chữa được vì đã quá muộn”, PGS Hùng nói.

Thứ ba, bên cạnh việc thống kê số giường hồi sức, lượng máy thở, các cơ sở y tế cũng cần đánh giá lại có bao nhiêu nhân viên y tế sử dụng thành thạo và đáp ứng được các kỹ thuật về điều trị chuyên sâu.

Vị chuyên gia đặt vấn đề: “Chúng ta đang thiếu bao nhiêu, cần bao nhiêu và hỗ trợ như thế nào về nhân lực để cải thiện lỗ hổng trong điều trị. Nếu thiếu nhân lực, các cơ sở này có kế hoạch tập huấn, đào tạo như thế nào, bao lâu sau có thể đáp ứng… Đó là những phương án cụ thể trong tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng cần được đưa ra”.

Bên cạnh điều trị, PGS Hùng cũng cho rằng các tỉnh, thành phố chưa triển khai cách ly F1, điều trị F0 diễn biến nhẹ tại nhà cần nhanh chóng vận hành hệ thống này, đảm bảo hoạt động trơn tru trong tình huống dịch bùng phát.

“Nếu để dịch lan rộng mới thí điểm, chúng ta chắc chắn sẽ không kịp đáp ứng”, vị chuyên gia kết luận.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết

Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021

Ca nhiễm

Hôm nay

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Nguồn: News.zing.vn