Sau khi Nga đồng ý nhập khẩu thêm thịt gà/gia cầm chế biến và sữa Việt Nam, tới đây Cục Thú y sẽ đăng ký xuất khẩu bột cá, thức ăn cho chó mèo sang nước này.
Chiều 23/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam – Liên bang Nga” tại Hà Nội. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Nga.
Từ đầu cầu diễn đàn tại Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết từ năm 2018 đến nay, giá trị xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Nga đã tăng trưởng mạnh, trung bình khoảng 900 triệu USD/năm.
“Chỉ riêng 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Nga chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo. Thị trường Việt Nam cũng khá ưa chuộng nhiều nông sản từ Nga như thủy sản, lúa mì, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa”, Thứ trưởng nói.
Tuy hai thị trường đã tiếp cận nhiều sản phẩm nông, thủy sản của nhau, theo thống kê của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hiện nay Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường này, trong khi tổng số doanh nghiệp Việt Nam nộp hồ sơ là 172.
Nga là đối tác quan trọng trọng hợp tác thương mại của Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/Bnews. |
Mới đây, Nga đã đồng ý nhập khẩu thêm 2 sản phẩm của Việt Nam là thịt gà/gia cầm chế biến và sữa. Cụ thể, quốc gia này đã cấp phép nhập khẩu cho Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty C.P. Việt Nam đối với thịt gà/gia cầm chế biến.
Tới đây, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) sẽ nộp hồ sơ đăng ký xuất khẩu bột cá, thức ăn cho chó mèo sang Nga. Cùng với đó, Bộ NNPTNT đề nghị Nga chấp thuận cùng đánh giá và công nhận tương đương về quản lý an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thủy sản và thịt thay cho kiểm tra đánh giá từng doanh nghiệp để có thể đưa nhiều doanh nghiệp hai bên xuất khẩu sang nhau.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), các mặt hàng xuất nhập khẩu nông, thủy sản giữa Việt Nam và Nga không mang tính cạnh tranh, chính vì vậy nếu hai bên phối hợp tốt và sớm tháo gỡ các vướng mắc, mở cửa hơn nữa thị trường nông sản cho nhau thì sẽ là cơ hội rất tốt cho cả hai.
Cũng trong diễn đàn, từ đầu cầu Liên bang Nga, ông Sergey Levin, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga, đánh giá đại dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến giao thương hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Sergey Levin cũng đánh giá Việt Nam và Nga có nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực sản xuất thịt, cá, dầu mỡ, rau quả, thức ăn chăn nuôi…
“Từ tháng 4, chúng tôi đã có đại diện chính thức làm việc tại Hà Nội, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Nga có nhu cầu xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam. Thời gian tới, hy vọng doanh nghiệp hai nước có thể có thêm các mối quan hệ kinh doanh mới, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Nga và Việt Nam”, ông Sergey Levin nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng thời gian tới, Việt Nam và Nga cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn về các cơ chế, hoạt động hợp tác thương mại nông, thủy sản nữa để biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên cần lưu ý tận dụng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU FTA). Rất nhiều mặt hàng nông sản của hai bên sẽ được hưởng mức ưu đãi thấp, có mặt hàng thuế đã giảm về 0% sau khi hiệp định này có hiệu lực.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn