Không phải thất bại trước UAE mà sự xuống sức rõ ràng của nhiều ngôi sao cho thấy tuyển Việt Nam có lẽ cần thay đổi chiến lược nhân sự tại vòng loại thứ ba World Cup.
Bình luận
Ba trận vòng loại World Cup, nhất là cuộc đối đầu với UAE, cho thấy phong độ các tuyển thủ Việt Nam liên quan chặt chẽ tới tình hình V.League như thế nào. Dễ nhận thấy, những người chơi tốt, ổn định hơn cũng là những người đang thể hiện ấn tượng tại giải quốc nội. Ngược lại, nhóm chơi tệ hầu hết vừa hồi phục chấn thương, đã lâu không ra sân ở trong nước.
Thực tế ấy cho thấy tuyển Việt Nam có lẽ phải thay đổi chính sách nhân sự hiện tại, vốn đã duy trì suốt hơn 3 năm qua. Câu hỏi đặt ra là: Ông Park nên chọn cầu thủ dựa theo phong độ V.League hay sự quen thuộc tại đội tuyển quốc gia?
Những cầu thủ bước ra ánh sáng
Nếu lấy Asian Cup 2019 làm mốc định hình bộ khung tuyển Việt Nam thì trong hơn 2 năm qua, đội hình của ông Park chỉ có đúng một thay đổi đáng kể nằm ở vị trí của Tuấn Anh. Hệ thống tuyển Việt Nam ổn định từ trên xuống dưới, duy trì xuyên suốt 3 đợt tập trung vòng loại World Cup năm 2019, bất chấp những biến động về nhân sự, chấn thương cùng chuyện đi về của nhóm cầu thủ chơi ở châu Âu như Công Phượng, Văn Hậu.
Nếu không có những tổn thất nặng nề về lực lượng nửa đầu năm 2021, sự ổn định ấy có lẽ vẫn được duy trì. Sự vắng mặt hàng loạt trụ cột đã buộc ông Park phải dùng nhiều cầu thủ mới, đồng thời cho chúng ta cơ hội được thấy những điều trước kia chưa từng biết.
Nếu Hùng Dũng, Tuấn Anh không vắng mặt, chúng ta đâu biết Hoàng Đức có thể chơi hay đến vậy? Nếu Văn Đức, Công Phượng không sa sút, Minh Vương có cơ hội tỏa sáng?
Hoàng Đức và Minh Vương chẳng phải người lạ. Đức đã khẳng định được khả năng tại các những hàng đầu V.League suốt 3 năm qua, đã có mặt ở đội tuyển từ năm 2019. Minh Vương còn sớm hơn. Anh lên đội một HAGL từ 2013, là cầu thủ trẻ hay nhất V.League 2014 và có mặt ở tuyển lớn từ năm 2017.
Họ đã tỏa sáng ở nhiều cấp độ, đã ở đội tuyển rất lâu. Nhưng tại sao phải nhờ những sự cố, họ mới có cơ hội bước ra ánh sáng?
Hoàng Đức lên tuyển từ năm 2019 nhưng tới bây giờ, anh mới có cơ hội thể hiện thực sự. Ảnh: Duy Anh. |
Thực tế cho thấy nhóm tuyển thủ Việt Nam tốt nhất trong 3 trận vừa qua cũng là những người đang chơi tốt tại V.League. Đó là nhóm HAGL và phần nào là nhóm CLB Viettel. Bên cạnh họ, những cầu thủ chơi tệ là nhóm CLB Hà Nội, tương ứng với phong độ của đội bóng này ở sân chơi quốc nội. Vấn đề không phải Quang Hải, Duy Mạnh thiếu đẳng cấp, vấn đề là họ tới UAE mà không ở tình trạng tốt nhất. Họ chơi tệ ở sân chơi quốc nội và không thể thay điều đó khi trở lại tuyển quốc gia.
Sự đóng băng tuyệt đối của các hoạt động quốc tế trong hơn một năm qua khiến V.League trở thành tấm gương phản ánh duy nhất và đúng nhất phong độ của từng tuyển thủ Việt Nam. 3 trận vòng loại World Cup vừa qua càng chứng minh vai trò của V.League với đội tuyển.
Nhưng ông Park không nghĩ vậy. Chính sách nhân sự của tuyển Việt Nam dưới thời HLV người Hàn Quốc dường như chưa xem xét đầy đủ vai trò của V.League. Đội tuyển có một bộ khung và duy trì bộ khung ấy bất chấp những thay đổi về phong độ của nhóm trụ cột. Ở các cấp độ bóng đá thấp hơn, khi đối thủ chưa phải là UAE hoặc mạnh hơn thế (tại vòng loại thứ ba), chính sách nhân sự của ông Park không tạo ra vấn đề. Nhưng 90 phút với UAE đã cho thấy những liên kết chặt chẽ giữa tuyển Việt Nam và V.League là thực sự cần thiết.
Ông Park không phải không biết tới Hoàng Đức, Minh Vương. Ông và cộng sự đã bỏ rất nhiều thời gian trên các sân bóng quốc nội. Danh sách đi sân của ban huấn luyện đội tuyển qua mỗi vòng dài tới cả trang giấy. Đừng nói V.League, không cái tên nào kể cả ở hạng Nhất qua được mắt ông Park. Vấn đề là ông chưa thực sự xem trọng các phát hiện mới.
Khi các phóng viên hỏi ông Park về Tuấn Anh sau màn trình diễn ấn tượng trước Thái Lan hồi năm 2019, ông bảo mình không hề ngạc nhiên vì đã biết tới trình độ của cầu thủ này. Tức là dù chưa hề trực tiếp huấn luyện Tuấn Anh, dù chưa sử dụng tiền vệ này lần nào ở tuyển, ông Park đã “mặc định” cho Tuấn Anh một vị trí. Sự thừa nhận mặc định ấy giúp ông có một nhóm nòng cốt cực mạnh và ăn ý, nhưng cũng phần nào triệt tiêu nhiệt huyết của lớp ngôi sao phía sau. Ai dám chắc họ đủ tha thiết, đủ quyết tâm với màu áo đội tuyển nếu biết cơ hội là rất mong manh?
Tuyển Việt Nam không thiếu nguồn bổ sung, V.League không phải không đáp ứng được cho ông Park. Vấn đề là ông chưa thực sự lắng nghe những tín hiệu tốt từ giải quốc nội, sân chơi nền tảng của nền bóng đá.
Tuyển Việt Nam không chỉ có lứa Thường Châu. Ảnh: Duy Anh. |
Vì sao phải thay đổi?
Nếu tuyển Việt Nam vẫn chiến thắng, ông Park có lẽ chẳng cần thay đổi. Nhưng chệch choạc trước Malaysia và thất bại trước UAE đã làm lộ ra vấn đề. Thế hệ này của bóng đá Việt Nam đã chinh phục hết vinh quang này tới vinh quang khác suốt giai đoạn 2018-2021. Bốn năm là khoảng thời gian thường thấy cho một chu kỳ thăng hoa trong bóng đá.
Rất ít CLB hay đội tuyển duy trì được sức mạnh trong thời gian dài hơn. Bóng đá Thái Lan thống trị khu vực từ năm 2013 tới 2016 trước khi thảm bại ở vòng loại World Cup năm 2017 là một ví dụ.
Ba năm sau vinh quang Thường Châu, chúng ta vẫn quen dùng cụm từ các tuyển thủ trẻ để nói về đội tuyển Việt Nam. Họ thực ra không còn trẻ nữa.
Ông Park đã tung vào sân tổng cộng 20 cái tên trong 3 trận trên đất UAE. Hầu hết số này đang ở độ tuổi 25, 26. Đội trưởng Quế Ngọc Hải, đội phó Đỗ Hùng Dũng (vắng mặt vì chấn thương) và thủ thành Đặng Văn Lâm đều đã 28. Nguyễn Trọng Hoàng, Bùi Tấn Trường trên 30.
Trong 20 người, chỉ Đoàn Văn Hậu đủ tuổi dự SEA Games. Đội hình ấy không thể gọi là trẻ nữa.
Phần lớn tuyển thủ Việt Nam đang ở độ chín sự nghiệp. Nhưng vừa chín cũng có nghĩa là không còn xanh. Đỉnh cao hiện tại cũng nói họ không còn trẻ, phần lớn đã đi tới tận cùng tiềm năng, đã bộc phát trọn vẹn mọi thứ có thể.
Năng lực của họ giúp tuyển Việt Nam thống trị Đông Nam Á, nhưng rõ ràng chưa thể là đủ cho sân chơi châu Á. Chúng ta có thể đang được thấy giới hạn của rất nhiều tuyển thủ Việt Nam. Và giới hạn đó rõ ràng chưa tới tầm UAE, giới hạn đó nói đội tuyển cần những dòng máu mới.
Màn trình diễn tự tin của Hoàng Đức, những phút rực sáng của Minh Vương sẽ tiếp thêm cho ông Park lòng dũng cảm trên con đường thay đổi. Nếu trước khi tuyển Việt Nam tới UAE, thay đổi tuyển Việt Nam vẫn là một con tính đường xa mơ hồ, giờ đây nó đã trở thành nhu cầu thực tế, thậm chí cấp bách. Bởi so với những ngọn núi phía trước, UAE chỉ là triền dốc thoai thoải.
Sự trở lại ở tuổi 35 là tin vui cho Tấn Trường, nhưng nó cũng cho thấy lứa kế cận của bóng đá Việt Nam chưa có những thủ môn thực sự xuất sắc. Ảnh: Duy Anh. |
Và nếu xác định cần thay đổi, bóng đá Việt Nam còn đủ nguồn lực không?
Hai trận giao hữu với U22 Việt Nam cuối năm ngoái cho chúng ta một cái nhìn thú vị để giải đáp câu hỏi trên khi nhiều ngôi sao trẻ đã chơi tốt, gây khó khăn, thậm chỉ để lại ấn tượng họ có thể đứng cùng hàng ngũ với những đàn anh điển hình như Nguyễn Hữu Thắng, Huỳnh Công Đến hay Bùi Hoàng Việt Anh. HLV Park có lẽ cũng nhận ra điều đó. Bằng chứng là ông đã điền 7 cái tên U22 vào danh sách tuyển Việt Nam tới UAE.
Ngoài Văn Hậu, 6 người còn lại là Nguyễn Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân, Nguyễn Văn Toản, Lý Công Hoàng Anh và Nguyễn Hai Long. Hầu hết đang đá chính tại V.League. Khác với các đàn anh, họ đều ở độ tuổi đôi mươi và còn nhiều tiềm năng tiến xa trong sự nghiệp. Phải viết đầy đủ tên họ cũng từng người vì chúng ta kỳ vọng nhiều vào họ, không chỉ cho tương lai xa, mà còn cho thử thách phía trước đã ở gần.
Vòng loại thứ ba World Cup sẽ là sân chơi khó khăn nhất mà tuyển Việt Nam từng đối mặt trong lịch sử. Sân chơi mới cần có nội lực mới, nội lực từ hậu tuyến mà chúng ta đã từng quên lãng.
Nguồn: News.zing.vn