Việt Nam tạm thời công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời đang trao đổi với gần 80 đối tác khác về việc công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của nhau.
“Người mang giấy tờ thuộc danh mục 72 quốc gia, vùng lãnh thổ này sẽ được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong buổi họp báo chiều 21/10.
72 quốc gia, vùng lãnh thổ nói trên đã giới thiệu chính thức mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng tới Bộ Ngoại giao, bà Hằng nói.
“Trên thực tế, giấy chứng nhận tiêm vaccine do Việt Nam cung cấp cũng đã được một số nước công nhận và được nhập cảnh vào các nước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.
“Hộ chiếu vaccine” là giải pháp đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để mở cửa nền kinh tế. Ảnh: The Regulatory Review. |
Theo bà Hằng, để tạo điều kiện cho lao động, chuyên gia và nhà đầu tư, Bộ Ngoại giao cũng đã kiến nghị cấp có thẩm quyển đẩy mạnh điều chỉnh các quy trình xét duyệt cho người nước ngoài và nhập cảnh, theo hướng bổ sung hộ chiếu vaccine vào thành phần hồ sơ của quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa.
“Hộ chiếu vaccine” là giải pháp đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế – xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ hồi cuối tháng 9 đã ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc công nhận “hộ chiếu vaccine”.
Người nước ngoài đi theo hình thức “hộ chiếu vaccine” phải hoàn thành việc tiêm chủng, xét nghiệm PCR, cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn suốt hành trình.
Bên cạnh đó, hôm 7/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm Bộ Ngoại giao đã đề xuất bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine, trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố như loại vaccine.
“Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và đã trình chính phủ”, bà Hằng nói.
Nguồn: News.zing.vn