Dịch virus corona bùng phát từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu và có thể hủy hoại những thành tích kinh tế Tổng thống Mỹ Donald Trump rất tự hào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào mùa tranh cử 2020 với những thành tích kinh tế ấn tượng. Theo CNN, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ duy trì ở mức thấp (3,6%), tiêu dùng trong nước ổn định và thị trường chứng khoán tăng 20% so với năm 2019.
Tuy nhiên, dịch virus corona đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giao thông và vận tải hàng không đình đốn khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa 15 thành phố tỉnh Hồ Bắc và cấm du lịch trong và ngoài nước.
Giới chuyên gia nhận định đến thời điểm này, vẫn chưa thể xác định được tác động của dịch virus Vũ Hán với nền kinh tế Mỹ. “Tôi đánh giá tác động chỉ ở mức tối thiểu”, CNN dẫn lời nhà kinh tế Beth Ann Bovino thuộc S&P Global.
Dịch virus corona khiến hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đình đốn, thị trường lao đao. Ảnh: Reuters. |
GDP sẽ giảm?
Một lý do khiến nhà kinh tế Beth Ann Bovino lạc quan là nền kinh tế Mỹ dựa chủ yếu vào các hoạt động kinh tế trong nước (chiếm khoảng 85% toàn bộ hoạt động kinh tế Mỹ).
Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra ước tính dịch virus corona có thể lấy đi 0,4% trong tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I. Tuy nhiên, Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý II.
Và đó sẽ là lợi thế cực lớn đối với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11. Trong bài phát biểu hôm qua ở Nhà Trắng, ông Trump cũng khẳng định dịch virus corona không phải là mối đe dọa với nước Mỹ.
Tuy nhiên CNN, dịch virus corona vẫn có thể làm tổn thương nền kinh tế trong thời gian trước mắt theo các cách dưới đây.
Giá dầu lao dốc
Dịch virus Vũ Hán đè bẹp nhu cầu dầu thô, khiến giá dầu giảm mạnh. Đây là một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất dầu Mỹ tại những bang như Texas, Alaska và North Dakota.
Đây là những bang ủng hộ đảng Cộng hòa của ông Trump. Cũng phải kể đến bang New Mexico, nơi ông Trump thất thế trước đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử 2016.
Dịch virus corona buộc các hãng hàng không hủy hàng chục nghìn chuyến bay ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Năm 2019, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc chiếm 14% tổng nhu cầu toàn cầu. Thị trường Trung Quốc đóng góp 50% trong tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới, theo IHS Markit.
Thêm vào đó, nhu cầu nhiên liệu máy bay cũng lao dốc khi hàng loạt hãng hàng không lớn hủy các chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc. Dù vậy, vẫn chưa rõ giá dầu có tiếp tục giảm hay không nếu dịch tiếp tục kéo dài.
OPEC có thể cắt giảm sản lượng khai thác dầu, nhưng vẫn chưa có động thái gì.
Trung Quốc chậm mua nông sản Mỹ
Nông dân Mỹ kỳ vọng sau thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” giữa Washington và Bắc Kinh, phía Trung Quốc sẽ sớm nhập khẩu ồ ạt hàng nông sản Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với việc dịch virus corona bùng phát, Trung Quốc sẽ khó thực hiện được cam kết này.
Như vậy, giới nông dân Mỹ – lực lượng ủng hộ ông Trump mạnh mẽ – sẽ phải chờ đợi lâu hơn để có trong tay những đơn đặt hàng đậu nành và ngô quy mô lớn từ Trung Quốc.
Đến nay, nhiều tổ chức nông dân đã bày tỏ sự thất vọng với ông Trump vì hậu quả của thương chiến. Tuy nhiên, nhiều nhóm khác vẫn tin tưởng vào ông và cho rằng họ sẽ có lợi về lâu dài. Để hỗ trợ nông dân, ông Trump đã tung ra hai gói trợ cấp trị giá lên đến 28 tỷ USD.
Theo thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều nông sản của Mỹ. Ảnh: Nikkei. |
Con số này cao gấp đôi gói cứu trợ ngành ôtô Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hồi đầu tuần, các quan chức chính quyền Washington thừa nhận dịch virus corona có thể ảnh hưởng đến tốc độ xuất khẩu hàng nông sản.
“Quả thực là sự bùng nổ xuất khẩu từ thỏa thuận thương mại sẽ bị chậm lại vì dịch virus Trung Quốc”, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Trump, thừa nhận khi trả lời phỏng vấn Fox Business.
Chuỗi cung ứng bị đứt quãng
Các nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động tại Trung Quốc và chưa rõ bao giờ mới mở cửa trở lại. Tình trạng tê liệt này ảnh hưởng trầm trọng đến các công ty Mỹ dựa vào nhà cung ứng Trung Quốc.
“Các công ty đang tìm cách đánh giá và đối phó với những gì đang xảy ra (với chuỗi cung ứng)”, ông Steve Lamar, Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ.
Nếu các đơn hàng nguyên vật liệu bị trì hoãn, toàn bộ ngành sản xuất toàn cầu sẽ lao đao. Ông Lamar cho biết ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp may mặc Mỹ vẫn đang quan sát tình hình, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo sự an toàn của công nhân.
Rất niều nhà máy tại Trung Quốc tê liệt vì dịch virus corona. Ảnh: AFP. |
Các doanh nghiệp Mỹ cũng lo ngại nguy cơ virus lây lan qua đường hàng hóa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định xác suất là rất thấp.
Bên cạnh may mặc, ngành công nghiệp điện thoại thông minh và ôtô Mỹ cũng phụ thuộc nhiều vào mạng lưới sản xuất tại Trung Quốc. Hãng sản xuất chip Qualcomm đã phải doanh thu mục tiêu trong quý tới do dịch bệnh bùng phát.
Nhiều nhà máy của General Motors và các hãng sản xuất xe hơi Mỹ ở Vũ Hán không thể khôi phục sản xuất do thành phố này bị phong tỏa từ trước Tết Nguyên Đán.
Tiêu dùng nội địa của Trung Quốc suy yếu
Việc người tiêu dùng Trung Quốc “cố thủ” trong nhà để vì sợ nhiễm virus corona sẽ tổn thương các công ty Mỹ kinh doanh tại đây. Tính đến cuối tháng 1, đại gia cà phê Starbucks đã đóng cửa 50% trong số hơn 4.000 cửa hàng ở Trung Quốc.
Hơn 42 cửa hàng Apple cũng tạm ngừng hoạt động.
Nike, Adidas và Capri Holdings (công ty sở hữu hàng loạt thương hiệu đình đám như Versace, Jimmy Choo và Michael Kors), cảnh báo các nhà đầu tư rằng lợi nhuận sẽ giảm mạnh nếu nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc trượt dốc vì dịch virus Vũ Hán.
Ngành du lịch Trung Quốc tê liệt vì virus corona. Ảnh: AFP. |
Hàng không lao đao
Chính quyền Tổng thống Donald Trump không cho phép công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Trong khi đó, công dân Mỹ về nước từ Trung Quốc bị cách ly.
Tình trạng này khiến các hãng hàng không lớn của Mỹ như American Airlines, United Airlines và Delta lao đao. Ba đại gia này đều phải tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cho đến cuối tháng 3 hoặc tháng 4.
Du khách Trung Quốc giảm mạnh cũng khiến Mỹ mất đi nguồn thu ăn theo du lịch từ các dịch vụ nhà hàng, cửa hàng. Có tới hơn 2,5 triệu du khách Trung Quốc đến Mỹ vào năm ngoái.
Virus corona lan rộng ở Trung Quốc và toàn cầu
‘Họ đi khắp nơi với virus đầy người’ – y tá bị kỳ thị giữa dịch corona
Đời sống
Đời sống
Trong khi nhân viên y tế ở Singapore vất vả chống dịch virus corona, một bộ phận người dân lại có thái độ miệt thị, xa lánh mỗi khi thấy họ mặc đồng phục xuất hiện ở nơi công cộng.
Người trốn khỏi khu cách ly dịch virus corona có bị xử phạt?
Pháp luật
Pháp luật
Luật sư nhận định hành vi bỏ trốn khỏi khu cách ly dịch virus corona là việc làm nguy hiểm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
WHO công bố thời gian sẵn sàng vaccine đầu tiên cho virus corona
Thế giới
Thế giới
Vaccine đầu tiên đối với virus corona có thể sẵn sàng trong 18 tháng, “thế nên lúc này chúng ta phải làm mọi thứ, sử dụng mọi vũ khí sẵn có”, tổng giám đốc WHO tuyên bố.
Dịch SARS năm 2003 tàn phá nền kinh tế Trung Quốc như thế nào
Kinh doanh
Tài chính
Virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc cùng họ với SARS, loại virus gây náo động quốc gia 1,4 tỷ dân và khiến kinh tế nước này thiệt hại nặng nề hồi năm 2003.
Thêm 94 ca tử vong ở Hồ Bắc, 1.110 người chết vì virus corona tại TQ
Thế giới
Thế giới
Số người tử vong vì virus corona đã lên tới 1.110 tại Trung Quốc đại lục hôm 12/2 sau khi tỉnh Hồ Bắc công bố 94 ca tử vong mới.
Nguồn: News.zing.vn