VN-Index chao đảo vì lo ngại biến chủng Omicron

0
VN-Index chao đảo vì lo ngại biến chủng Omicron

Thị trường chứng khoán trong nước cũng đang chịu áp lực lớn từ thông tin tiêu cực về biến chủng Omicron, cả 3 sàn đều ghi nhận tình trạng bán tháo ngay khi mở cửa phiên sáng.

Những thông tin tiêu cực về biến chủng Covid-19 mới Omicron bắt nguồn từ Nam Phi đang tác động rất tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Lo ngại về biến chủng mới đã bắt đầu xuất hiện từ cuối tuần trước khi VN-Index bị điều chỉnh đáng kể chỉ sau một ngày chạm được đỉnh 1.500 điểm và thị trường càng bị bán tháo ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần vào ngày 29/11.

Chỉ số đại diện sàn có vốn hóa lớn nhất HoSE đã bốc hơi gần 24 điểm ngay phiên ATO mở cửa, sau đó có dấu hiệu hồi phục dần khi tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh trở lại. Dù vậy tính đến 9h30, VN-Index đang giảm gần 23 điểm (1,5%) về dưới mốc 1.470 điểm.

Tình trạng bán tháo cũng được ghi nhận trên sàn HNX khi chỉ số mất gần 4 điểm (0,8%) về dưới 455 điểm và UPCoM-Index bốc hơi 1,5% còn 112,6 điểm.

Chung khoan toan cau lao doc,  lo ngai Omicron,  VN-Index lao doc anh 1

VN-Index lao dốc ngay khi mở cửa phiên sáng. Đồ thị: TradingView.

Trước phiên giao dịch đầu tuần, phần lớn công ty chứng khoán đưa ra quan điểm khá thận trọng trong ngắn hạn khi cho rằng chỉ số có thể bị điều chỉnh và có mốc hỗ trợ tại mức cứng 1.460 điểm.

KB Việt Nam nhận định áp lực chốt lời sau nhịp tăng mạnh cùng với việc hình thành mẫu nến engulfing tiêu cực khiến chỉ số đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh trong những phiên tới, xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.480 và sâu hơn là 1.460 điểm.

Sau khi tạm đóng các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ kê mua lại một phần tỷ trọng khi giá cổ phiếu mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ mạnh.

Yuanta Việt Nam cũng đưa quan điểm khá thận trọng khi cho rằng thị trường có thể bị điều chỉnh ở phiên giao dịch đầu tuần và mức hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 1.459 điểm. Chỉ báo tâm lý giảm trong vùng bi quan cho thấy tâm lý ngắn hạn vẫn còn rất thận trọng với xu hướng ngắn hạn và dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Nguồn: News.zing.vn