VN-Index lại lao dốc hơn 30 điểm

0
VN-Index lại lao dốc hơn 30 điểm

Lực bán được đẩy mạnh khi về cuối phiên giao dịch, VN-Index lao dốc và chính thức mất mốc hỗ trợ 1.300 điểm.

Diễn biến VN-Index trong phiên chiều 23/8 tiếp tục chuyển biến xấu, lực bán dâng cao ở hầu hết nhóm cổ phiếu lớn, mặc dù lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện chỉ đủ kìm hãm đà rơi của chỉ số và tránh tình trạng bán sàn.

Lực bán càng được đẩy mạnh vào cuối phiên ATC dẫn đến VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên 1.299 điểm, tương đương với đà rơi 30,6 điểm (2,3%). Toàn sàn HoSE có 282 mã giảm giá (14 mã giảm sàn) chiếm áp đảo so với 101 mã tăng và 32 mã đứng giá.

Trước đó trong phiên cuối tuần, chứng khoán cũng bị bán tháo đồng loạt khiến VN-Index mất hơn 45 điểm. Tổng cộng trong 2 phiên gần nhất, chỉ số đại diện sàn HoSE đã rơi khoảng 75 điểm.

Trong khi đó sàn HNX ghi nhận mức giảm nhẹ hơn 3 điểm (0,95%) xuống 335 điểm, với 125 mã tăng và 89 mã giảm giá. Sàn UPCoM tương tự giảm hơn 1 điểm (1,34%) về mức 91 điểm.

Dien bien VN-Index,  Chung khoan ngay 23/8,  Co phieu chung khoan anh 1

VN-Index đóng cửa tại mức thấp nhất phiên. Đồ thị: TradingView.

Cổ phiếu ngân hàng gây tác động tiêu cực nhất khi đồng loạt giảm sâu 3-5%, thậm chí VIB còn giảm sàn 7% trong khi mã mạnh nhất là CTG kết phiên ở mức tham chiếu. Nhóm này góp mặt 6/10 mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số, trong đó VCB là lực cản lớn nhất khi giảm giá 2,8% trong phiên.

Nhóm bất động sản tương tự cũng giảm sâu và tác động tiêu cực đến chỉ số, một số mã còn giảm sàn trắng bên mua như HDG, IJC… Ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán hiện nay.

Điểm sáng hôm nay chính là cổ phiếu chứng khoán khi đồng loạt bứt phá, trong đó các cổ phiếu vốn hóa nhỏ như TCI, DSC, BMS, WSS, SHS, CTS, APG, AGR… được kéo lên mức giá trần bất chấp biến động tiêu cực của thị trường chung.

Dien bien VN-Index,  Chung khoan ngay 23/8,  Co phieu chung khoan anh 2

Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán tăng trần phiên 23/8. Bảng giá: SSI

Nhóm cổ phiếu phân bón cũng gây ấn tượng khi tăng giá mạnh, dẫn đầu là DPM và DCM với mức tăng gần 3%, một số mã có vốn hóa thấp như BFC, LAS và DDV cũng tăng mạnh 2-7%.

Cổ phiếu riêng lẻ đáng chú ý là NVL của của Novaland tăng 1,2% trong phiên để trở thành mã có đóng góp tích cực nhất vào chỉ số. Công ty vừa thông báo sẽ triển khai phương án phát hành tổng cộng 884 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và thưởng cổ phiếu.

Thanh khoản dù không cao như phiên cuối tuần nhưng lực bắt đáy lớn vẫn giúp giữ giá trị giao dịch ở mức cao. Tổng lượng giao dịch trên cả 3 sàn chứng khoán ghi nhận gần 32.000 tỷ đồng, giảm khoảng 34% so với cuối tuần trước. Riêng giá trị giao dịch tại HoSE ghi nhận mức giảm 33% về 25.819 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn giao dịch kém tích cực khi liên tục rút vốn khỏi sàn. Nhóm này bán tổng cộng 1.786 tỷ đồng và mua lại 1.401 tỷ, tương đương với lượng rút ròng 385 tỷ đồng. Lực bán chủ yếu ở các mã VHM, SSI và CTG trong khi mua mạnh chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Dien bien VN-Index,  Chung khoan ngay 23/8,  Co phieu chung khoan anh 3

VCB tác động tiêu cực nhất và NVL tác động tích cực nhất lên chỉ số. Nguồn:VNDirect.

Trước phiên giao dịch đầu tuần, KB Việt Nam cho rằng, xu hướng giảm điểm đang có phần lấn át với vùng hỗ trợ kế tiếp tại quanh 1.285-1.295 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán thu hẹp tỷ trọng của các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục tại các nhịp hồi phục trong phiên.

Chứng khoán MB nhận thấy điểm tích cực là thị trường đã lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy để giúp hãm đà rơi của chỉ số. Điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.

Tương tự, Kiến Thiết Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế việc bắt đáy và mở thêm vị thế mua mới. Thay vào đó cần ưu tiên chốt lời và kiên quyết cắt lỗ, thanh toán các khoản vay margin, đưa tài khoản về trạng thái an toàn để bảo vệ nguồn vốn, bảo vệ thành quả lợi nhuận trong 3 tuần qua. Nhịp hồi phục là điểm thoát hàng tốt trong phiên tiếp theo.

Nguồn: News.zing.vn