Vợ chồng Vũng Tàu bán nhà, đạp xe đi phượt cùng con

0
109

Chuyến đi phượt xe đạp cũng là cách cặp vợ chồng ở Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) dạy con nhỏ những bài học không thể tìm thấy ở trường lớp.

phuot xe dap anh 1

“Tôi bán sạch tài sản rồi, từ nhà cửa, đồ đạc, xe cộ”, anh Phạm Quốc Tuấn trả lời Zing khi được hỏi về việc chuẩn bị cho chuyến đi phượt xe đạp của gia đình. Từ một gia đình với cuộc sống ổn định, vợ chồng anh Tuấn quyết định cùng 2 con và 1 chú chó rời Vũng Tàu để khám phá thế giới bên ngoài rộng lớn kia.

Dạy con trên những chuyến đi

Theo anh Tuấn, có 2 lý do khiến gia đình quyết định thực hiện chuyến đi phượt xe đạp này. Trước đó một thời gian, anh Tuấn gặp biến cố về tài chính. Điều này khiến anh nhận ra mình muốn thay đổi cuộc sống, dừng bị cuốn theo vòng xoáy công việc để có thời gian bên gia đình.

Lý do thứ hai là anh muốn thay đổi cách dạy con cái. Anh Tuấn nói: “Tôi không đồng tình với cách nhiều người Việt mình dạy con. Họ bao bọc nhưng lại hay đòn roi, mắng mỏ. Tôi lại muốn con mình khỏe mạnh, học được nhiều thứ, kỹ năng sống trên đường. Giai đoạn từ 0-6 tuổi, con đang dần hình thành tính cách nên cần chú trọng hơn”.

phuot xe dap anh 2

Cô con gái hơn 2 tuổi phụ mẹ giặt đồ.

Vợ anh Tuấn, chị Bùi Thúy, thừa nhận ban đầu cũng khá buồn khi bán sạch tài sản trong nhà. Tuy nhiên, mọi thứ hóa ra lại tốt hơn chị tưởng. Gia đình có thêm thời gian bên nhau còn hai đứa nhóc (bé gái 2 tuổi rưỡi, bé trai gần 5 tuổi) học được nhiều điều về nỗ lực và sự kiên trì.

Trả lời Zing, anh Tuấn nói việc thực hiện chuyến đi này không phải chủ đích riêng của hai vợ chồng. Dù còn nhỏ, ý kiến của hai con cũng được bố mẹ quan tâm. Đây là cách vợ chồng anh Tuấn muốn dạy con từ bé. Chúng có thể tự quyết định cuộc sống của mình. Nếu sai, con tự có bài học.

“Người làm bố mẹ như mình chỉ ở bên, giúp đỡ con khi cần. Việc để con tự định hướng cho cuộc đời rất quan trọng, phải làm từ lúc nhỏ. Lớn lên rất khó dạy”, anh nói.

phuot xe dap anh 3

Cậu con trai nhỏ cũng biết cách phụ bố lắp tấm lấy điện mặt trời.

Hai đứa trẻ bắt nhịp cuộc sống mới nhanh chẳng kém gì người lớn. Chúng không kêu ca, thậm chí là rất thích những chuyến đi như thế. Dĩ nhiên, vì con còn nhỏ, đôi khi vợ chồng anh Tuấn cũng gặp những tình huống hài hước. Thỉnh thoảng, cô con gái nhỏ lại ngủ gật trên xe khiến hành trình của gia đình phải tạm dừng.

Không được sống trong căn nhà có chăn ấm, đệm êm, cả hai đứa trẻ phải tập quen với kiểu sống mới – mà anh Tuấn gọi là kiểu hippie. Dù còn nhỏ tuổi, chúng đã biết cách tự nấu ăn, giặt đồ, may vá và hiểu làm thế nào để sinh tồn khi có vấn đề phát sinh.

Mỗi ngày, đôi vợ chồng lại tìm thấy những bài học mới cho con. Đó có thể là cách lắp tấm lấy điện mặt trời. Đó cũng có thể là bài học về cách con ve sầu lột xác. Đôi khi, bài học cho hai đứa trẻ lại là tình yêu thương của con người với động vật. Có lần, gia đình cũng giải cứu một con khỉ nhỏ khi thấy nó bị chủ cũ đánh đập dã man…

“Hai đứa nó biết thêm nhiều điều lắm. Mỗi tội, đi đường suốt nên mặt xấu xí chút thôi. Nhưng bề ngoài thì dễ đổi còn bản tính thì khó dời mà”, anh Tuấn cho hay.

Hành trình không điểm dừng

Sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, gia đình anh Tuấn bắt đầu hành trình phượt xe đạp. Trước đó, họ cũng từng có những chuyến đi ngắn ngày do con gái còn quá nhỏ.

Để thực hiện chuyến đi dài, ngoài việc bán sạch tài sản, gia đình 4 người và 1 con chó này vẫn cần trang trải cuộc sống hàng ngày. Chia sẻ với phóng viên, anh Tuấn nói vấn đề tài chính thực sự không quá quan trọng.

“Gia đình tôi giờ tiêu ít lắm, chả tốn là bao. Mỗi tháng cũng chỉ cần 3-5 triệu đồng cho 4 người và con chó. Tôi làm online cũng tạm đủ. Trong trường hợp cần, tôi cũng có thể làm thời vụ ở các nông trại để kiếm thêm”, anh cho biết.

phuot xe dap anh 4

Người và chó cùng nhau thực hiện hành trình không biết điểm kết.

Vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ cũng dễ giải quyết. Gia đình anh chủ động mò cua, bắt ốc, kiếm rau rừng… Họ cũng thường nấu ăn bằng bếp củi và sử dụng điện mặt trời để tiết kiệm tối đa chi phí. So với ở nhà, khoản phí bỏ ra cho chuyến đi như này còn tiết kiệm hơn nhiều.

Đến tối, cả nhà dựng lều ngủ. Thỉnh thoảng, họ cũng xin ngủ nhờ nhà dân. Thấy gia đình đạp xe và có con nhỏ nên dân địa phương cũng khá thoải mái. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp hiện giờ, họ tránh tiếp xúc với nhiều người.

“Có lần tôi cũng xin qua đêm nhờ ở Bình Thuận. Gia đình tôi dựng lều ngoài sân rồi xin họ nước tắm thôi”, ông bố hai con nói.

Hiện tại, gia đình đang dừng chân ở huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Sau khoảng nửa tháng đạp xe, họ đã đi được hơn 200 km.

Về cơ bản, hành trình của gia đình này không có lịch trình cụ thể. Việc đạp xe và nghỉ ngơi tùy vào sức mỗi người. Do đó, họ cũng chẳng biết điểm kết thúc của mình là đâu. Cảm giác tự do, ung dung, thoát khỏi cuộc sống bộn bề khiến chuyến đi có vất vả nhưng cũng khiến mọi người đều thoải mái.

“Xưa tôi cũng sợ chuyện ngủ bờ, ở bụi lắm. Mà giờ vượt qua rồi lại thấy thích. Đi mới thấy chẳng có gì bằng vượt qua nỗi sợ hãi. Chuyến đi này cũng giúp các con lớn lên không mang những nỗi sợ như mình vì đã trải qua hết rồi”, vợ anh Tuấn chia sẻ.

phuot xe dap anh 5

Hành trình của đôi vợ chồng có thể kết thúc nếu các con muốn quay lại trường học.

Hiện tại, gia đình vẫn đang dự định đi tiếp và chưa quay lại cuộc sống trước kia. Tuy nhiên, nếu hai con thích và muốn quay lại trường học, bố mẹ sẽ đồng ý ngay lập tức. Với gia đình này, quyết định được đưa ra dựa trên sự bình đẳng, lắng nghe từ nhiều phía.

“Để con được hạnh phúc mới là thứ quan trọng”, anh Tuấn nói.

Nguồn: News.zing.vn

Kinh nghiệm du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn