Phong trào đào kim cương nổi lên rầm rộ ở Nam Phi, sau khi người dân lan truyền thông tin một người chăn gia súc tìm thấy nhiều viên đá quý ở thị trấn KwaHlathi.
Cover |
Tin đồn một người nông dân tìm thấy những viên đá trong như kim cường trên ngọn đồi ở thị trấn KwaHlathi, nơi vốn chỉ là bãi chăn thả gia súc, khiến hàng nghìn người Nam Phi đổ về đây tìm vận may.
Không ít trong số họ vượt qua quãng đường hàng trăm cây số. Tất cả đều mong cơ hội thay đổi số phận tại một quốc gia đã chìm trong nạn thất nghiệp kể từ khi đại dịch bùng phát.
Dường như không mấy người bận tâm trước những nghi ngờ rằng các viên đá kia có thể không phải là kim cương.
Cơn sốt kim cương
Sbusiso Molefe, 41 tuổi, là một trong những người tìm tới ngọn đồi ở thị trấn KwaHlathi với hy vọng thay đổi vận may.
Sau 2 ngày đào bới, người đàn ông tìm thấy 4 viên đá. Molefe thừa nhận ông hoàn toàn không biết chúng có phải đá quý hay không.
“Tôi kiệt sức rồi. Giờ chỉ còn có thể hy vọng. Nếu chúng thực sự là kim cương, điều đó có nghĩa chúng tôi thắng”, Molefe nói.
Trước cơn sốt kim cương, KwaHlathi chỉ là một thị trấn tĩnh lặng với khoảng 4.000 hộ dân sinh sống. Nhưng tình thế đã hoàn toàn thay đổi.
Bãi đất vốn là nơi chăn thả gia súc thuộc quyền sở hữu của cảnh sát trưởng từng được cỏ dại bao phủ. Giờ đây, nơi này chi chít hố – dấu vết đào bới của hàng nghìn người ôm ấp hy vọng tìm thấy kim cương.
Hàng nghìn người đã đổ về thị trấn KwaHlathi hy vọng đào được kim cương. Ảnh: New York Times. |
Cảnh sát trưởng cho biết ông không vui vẻ gì trước hành động của những người đi tìm vận may. Nhưng ông hiểu được hoàn cảnh của họ nên không can thiệp.
Ông Molefe lên đường tới KwaHlathi sau khi đọc trên mạng xã hội thông tin về kim cương tìm được trên cánh đồng.
Nhà của người đàn ông chỉ cách thị trấn khoảng 1 giờ lái xe. Và với một cơ hội ở ngay trước mặt, Molefe không thể bỏ lỡ.
Molefe thất nghiệp từ tháng 10/2020, sau khi nhà máy dệt may nơi ông làm việc đóng cửa. Mọi nỗ lực tìm việc đều bế tắc, Molefe phải sống dựa vào khoản trợ cấp xã hội 77 USD/tháng – chỉ bằng một phần tư tiền công làm việc tại nhà máy.
Những thứ đồ ăn thông thường như thịt bò, sữa, bơ giờ đã trở thành mặt hàng “xa xỉ” mà Molefe không còn dám nghĩ tới.
“Là trụ cột trong gia đình, tình cảnh này khiến tôi thấy xấu hổ”, Molefe nói. Người đàn ông hiện vẫn phải chu cấp cho 3 con nhỏ.
Kim cương là lối thoát?
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Phi lúc này là 32,6%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008, khi Nam Phi bắt đầu thống kê lực lượng lao động hàng quý. Tình hình càng thêm bi đát với thanh niên. Cứ mỗi 4 thanh niên Nam Phi lại có 3 người thất nghiệp.
Bức tranh kinh tế ảm đạm khiến người dân phải lựa chọn bất cứ công việc nào miễn là kiếm ra tiền, dù đó là những công việc đầy rủi ro như đào bới các hầm mỏ bỏ hoang với nguy cơ chết người hiện hữu.
Nó cũng giúp giải thích cho cơn sốt kim cương mà thị trấn KwaHlathi đang là trung tâm.
Quanh KwaHlathi mọc lên thêm một ngôi làng vệ tinh. Mỗi buổi đêm, những người đào kim cương thu mình trong những chiếc chăn, ngủ ngay dưới những cái hố mà họ đã đào vào ban ngày.
Bánh quy, kẹo ngô, sữa, và đủ mọi thứ đồ ăn khác được bán. Một số người khui bia và ăn nhậu. Tất nhiên, không thể thiếu các loại cò mồi thu mua bất cứ thứ gì mà họ tin là có thể bán lại kiếm chênh lệch.
Buổi đêm tại bãi đất nơi dân đào kim cương tạm nghỉ. Ảnh: New York Times. |
Đôi lúc có người hét lên “kim cương, kim cương”. Một số khác âm thầm hơn, chào bán những viên đá không rõ chủng loại.
Cái giá chào mời từ 8-50 USD cho thấy chính bản thân người bán cũng nghi ngờ về giá trị của những viên đá và đang dần tuyệt vọng.
Dù đa phần người đổ tới KwaHlathi đang thiếu thốn về kinh tế, cơn sốt kim cương đôi lúc trông giống như một lễ hội, nơi những con người khốn khổ thoát khỏi thực tại tuyệt vọng vì thất nghiệp, nghèo đói.
Mỗi khi ai đó tìm thấy thứ có vẻ giá trị, những người xung quanh xúm lại ăn mừng.
“Hy vọng tìm thấy kim cương cho phép họ quên đi căng thẳng về những khó khăn khác. Với những người có mặt ở đây, hạnh phúc là điều hiếm có”, Tshepang Molefi, một người cũng tới đào kim cương, cho biết. Cô phải đi 4 giờ taxi từ Johannesburg để tới KwaHlathi.
Chỉ vài ngày sau khi cơn sốt kim cương bắt đầu, quan chức chính phủ đã tới hiện trường lấy mẫu vật để xét nghiệm.
Các nhà lãnh đạo kêu gọi người dân ngừng tụ tập đào bới và mau chóng rời đi bởi lo ngại sự lây lan của virus corona, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ ba đang tấn công đất nước.
Nhà chức trách cũng cảnh báo hoạt động đào bới bừa bãi sẽ phá hủy mảnh đất màu mỡ, vốn là bãi chăn thả quan trọng của người dân địa phương.
Nhưng bất kể chính phủ nói gì, nhiều người vẫn tiếp tục đổ tới.
Dân không tin chính phủ
Trước những thông điệp của chính phủ, nhiều người Nam Phi cười khẩy, bởi đất nước đã trải qua hàng chục năm chứng kiến các tập đoàn nước ngoài khai thác cạn kiệt khoáng sản nhưng chỉ một số ít tầng lớp tinh hoa được hưởng lợi.
“Chính phủ không thể bảo chúng tôi làm bất cứ điều gì. Họ đang làm gì không biết? Mỗi ngày chúng tôi lại nghe về hàng triệu USD bị đánh cắp. Chính phủ không có quyền bảo chúng tôi làm gì trên đất đai của tổ tiên mình”, Lucky Khazi, một người đàn ông 61 tuổi cũng tới đào kim cương, nói.
Tháng 12/2020, Khazi mất việc sau 26 năm cống hiến tại một công ty vận chuyển. Tương lai tìm việc của người đàn ông rất ảm đạm. Khazi cho biết không ai còn muốn tuyển dụng một người ở độ tuổi của ông.
Liau Masekotole, một người chăn cừu ở KwaHlathil, cho biết lần đầu tìm thấy những viên đá trong suốt trên cánh đồng khoảng một năm trước. Người đàn ông lặng lẽ cất giấu chúng để mang về cho gia đình ở Lesotho.
Chính phủ Nam Phi cho biết những viên đá trong được tìm thấy ở KwaHlathi là thạch anh. Ảnh: New York Times. |
Bí mật này bị lộ hồi đầu tháng 6, khi người bạn của Masekotole tên Happy Mthabela khoe khoang về những viên đá cho khách tham dự một đám cưới.
Chỉ trong vài ngày, người đào kim cương nghiệp dư đổ tới KwaHlathil.
Số người đặt phòng ở khách sạn duy nhất ở thị trấn có tên James Ilenge Lodge tăng từ mức 30% lên tới 80%. Đa phần khách là phóng viên tới đưa tin, nhưng bên cạnh đó cũng có những người săn tìm kim cương.
Chủ sở hữu khách sạn, ông Excellent Madlala, nhớ lại đã có ngày nhân viên phục vụ khách sạn xin nghỉ hàng loạt.
Ngày hôm sau, tới lượt nhân viên an ninh cũng xin nghỉ, sau khi khoe với ông về một viên đá và cho biết kim cương đã được tìm thấy ở thị trấn.
Nhiều ông chủ ở thị trấn KwaHlathil cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Khoảng một tuần sau khi cơn sốt kim cương bùng phát, chính phủ can thiệp bằng cách kiểm tra các viên đá được tìm thấy. Nhà chức trách sau đó kết luận những viên đá này là tinh thể thạch anh, không phải kim cương.
Tuần trước, nhà chức trách cưỡng chế buộc những người đào kim cương phải rời đi. Nhưng không ít người vẫn ôm mộng đổi đời. Họ tiếp tục đào bới trên những cánh đồng vô chủ gần đó. Một số người không tin vào kết quả kiểm tra của chính phủ.
“Tôi không tin chính phủ. Họ đang lan truyền tin giả rằng không có kim cương, bởi họ không muốn người ta tới và đào kim cương ở đó lên”, ông Khazi nói.
Tâm lý hoài nghi ấy không khiến giới chức bất ngờ, trong đó có ông Ravi Pillay, một quan chức địa phương phụ trách phát triển kinh tế.
“Hoài nghi như vậy không phải là không có cơ sở, xét tới những gì từng xảy ra trong quá khứ”, ông Pillay nói.
Lúc này, nghiên cứu địa chất đang được tiến hành để đánh giá tiềm năng thương mại của thạch anh tìm thấy ở KwaHlathil.
Giới chức cho biết họ sẽ tìm cách bảo đảm người dân địa phương được hưởng lợi nếu việc khai thác tạo ra lợi nhuận.
Nguồn: News.zing.vn