Vụ án về gã tội phạm có 24 nhân cách

0
39

Loạt phim tài liệu “Monsters Inside: The 24 Faces of Billy Milligan” khám phá trường hợp đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được miễn tội vì hội chứng đa nhân cách.

Thể loại: Tài liệu

Đạo diễn: Olivier Megaton

Đánh giá: 5/10

William Stanley Milligan (còn được gọi là Billy Milligan) là đối tượng được truyền thông nước Mỹ biết đến rộng rãi vào những năm 1970. Sau khi phạm một số trọng tội bao gồm cướp có vũ trang, người đàn ông này đã bị bắt vì ba vụ cưỡng hiếp rúng động trong khuôn viên trường Đại học Bang Ohio.

cuong buc,  Netflix,  da nhan cach anh 1

Nhận thấy sự bất thường của Billy, các nhà tâm lý học đã chẩn đoán kẻ này mắc chứng đa nhân cách (mà hiện nay được gọi là chứng rối loạn nhận dạng phân ly).

Biện hộ rằng có hai nhân cách khác đã thực hiện tội ác mà bản thân Billy không hề hay biết, luật sư đã giúp kẻ cưỡng bức thoát khỏi bản án. Thay vì đi tù thì Billy được đưa đến bệnh viện tâm thần. Đây là trường hợp đầu tiên mà một người thoát tội vì hội chứng đa nhân cách.

24 nhân cách của Billy

Trong giai đoạn đầu của quá trình điều tra, điều trị, các chuyên gia bao gồm bác sĩ tâm lý, nhà tâm thần học, tiến sĩ nghiên cứu… cho rằng Billy xuất hiện các triệu chứng của bệnh tâm thần. Đối tượng đã được bác sĩ Willis C. Driscoll chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt cấp tính. Sau đó, anh được nhà tâm lý học Dorothy Turner kết luận rằng mắc chứng rối loạn đa nhân cách.

cuong buc,  Netflix,  da nhan cach anh 2

Các triệu chứng bao gồm thay đổi tâm lý, vẻ mặt, thái độ, thậm chí chất giọng và tính cách. Trong video phỏng vấn, người ta thấy lúc này có thể là Billy nhút nhát sợ hãi, nhưng ngay lập tức đã đổi sang giọng Đông Âu với vẻ cục cằn.

Nhiều chuyên gia tin rằng các nhân cách khác nhau của Billy lần lượt nắm quyền kiểm soát. Ngoài Billy là nhân cách chính, Arthur là một người Anh thông minh, chuyên gia về khoa học và huyết học.

Ragen Vadascovinich là “cội nguồn của cơn hung bạo” – là nhân cách bạo lực hung hăng nhất. Ragen tự mô tả mình là người Nam Tư, có giọng Slav và có thể viết và nói bằng tiếng Serbo-Croatia. Chính Ragen thú nhận mình là người chủ mưu các vụ cướp vũ trang.

cuong buc,  Netflix,  da nhan cach anh 3

“Người” thừa nhận chịu trách nhiệm cho các vụ hiếp dâm là nhân cách nữ mang tên Adalana.

Đó là một người đồng tính nữ thích làm thơ, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa cho những người khác. Adalana đã cưỡng bức các cô gái trong khuôn viên đại học Ohio mà những nhân cách khác không hay biết.

Ngoài ra còn Allen – một kẻ lừa đảo và thao túng, Tommy: một chuyên gia trốn thoát, Danny sợ mọi người đặc biệt là đàn ông, David 8 tuổi là “kẻ hứng mọi nỗi đau”, thường xuyên ở đó để nhận lấy những nỗi đau của người khác. Christene, ba tuổi và anh trai của cô Christopher là một số trong 24 nhân cách tồn tại trong Billy Milligan hoặc ít ra là được anh ta mô tả như vậy.

Nỗi bất hạnh hay màn kịch kẻ tung người hứng?

Theo Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần, “rối loạn phân ly được đặc trưng bởi sự trốn tránh không chủ ý khỏi thực tế, đặc trưng bởi sự ngắt kết nối giữa suy nghĩ, bản sắc, ý thức và trí nhớ.”

Nguồn cơn của hội chứng đa nhân cách, các chuyên gia được phỏng vấn cho rằng hầu hết người bệnh đều phải chịu sang chấn tinh thần nặng nề trong quá khứ. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị bạo hành vì chúng không thể chạy trốn hoặc chống lại. Cơ chế tự vệ của con người khiến tâm trí của những đứa trẻ phân mảnh, chúng cố gắng chạy trốn tâm trí khỏi thực tại, tưởng tượng ra những kịch bản khác trong đầu để tránh phải đối diện với cơn ác mộng trước mắt.

Điều này lý giải cho việc chứng đa nhân cách hình thành từ sớm trong giai đoạn người trẻ bắt đầu có ý thức về môi trường xung quanh và định hình cho “cái tôi” của mình. Đó là khi không chỉ có một cái tôi xuất hiện.

cuong buc,  Netflix,  da nhan cach anh 4

Phim tài liệu của Netflix ngay từ đầu đã nhen nhóm ý tưởng rằng Billy là nạn nhân của sự bạo hành.

Các cuộc phỏng vấn với người thân và bạn bè rất sốt sắng củng cố thêm cho lời khai của Milligan rằng anh ta bị bố dượng đánh đập và lạm dụng tình dục từ nhỏ.

Tuy nhiên series cũng đã dấy lên những tranh cãi liên quan đến Billy. Kể từ khi chuyển đến bệnh viện tâm thần, anh ta liên tục là đối tượng được truyền thông theo dõi, các bác sĩ và chuyên gia muốn nhân cơ hội để thực hiện nghiên cứu, gây dựng danh tiếng.

Gần 10 năm hỗn loạn sau đó đánh dấu những lần Billy “làm bậy”: trốn thoát khỏi viện tâm thần, làm giấy tờ giả, liên quan đến hai vụ mất tích và là nghi phạm giết người. Không thể phủ nhạn ảnh hưởng từ tiếng tăm và truyền thông đã giúp người đàn ông này thoát tội một lần nữa.

Đưa ra ý kiến chuyên gia xác nhận về tình trạng tâm thần của Billy, loạt phim cũng tranh luận ngược lại rằng liệu có phải tất cả chỉ là một màn kịch. Thời điểm những năm 70 đánh dấu cơn sốt “đa nhân cách” bùng lên nhờ trường hợp của Sybil cô gái có 16 nhân cách (mà sau này đã thừa nhận là bịa đặt) hay bộ phim The Three Faces of Eve. Trường hợp của Billy Milligan là hy hữu, nhưng lại hy hữu đúng trong một giai đoạn đặc biệt mà nước Mỹ đang “chuộng trend” hội chứng đa nhân cách.

Ngoài ra, một số bày tỏ sự nghi ngờ về các bằng chứng được đưa ra. Lá thư bằng tiếng Ả Rập mà Ragen viết về sau đã được chứng minh là của người khác. Một chuyên gia được cử đến nói chuyện bằng tiếng Serbo-Croatia thì nhân cách Nam Tư của Billy ngay lập tức biến mất.

Thêm vào đó là nhiều luận điểm cứng rắn cho rằng các nhà điều trị đã can thiệp thiếu khách quan nhằm thao túng Billy và ngược lại, Billy đang lợi dụng điều này để thoát tội.

Series tài liệu non tay

So với các loạt phim tài liệu cùng chủ đề tội phạm như Making a Murderer, Abducted in Plain Sight, Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes của Netflix thì Monsters Inside: The 24 Faces of Billy Milligan vẫn còn nhiều thiếu sót.

Đầu tiên phải kể tới mạch phim chắp vá và dài dòng. 4 tập của bộ phim dù bám theo trình tự thời gian theo dấu cuộc đời của Billy, nhưng lại xen kẽ nhiều chi tiết gây mất tập trung. Tất cả những tình tiết có ích trong phim có thể cô đọng lại thành khoảng 2 tập mỗi tập 1 tiếng. Phần còn lại là những đoạn video biên tập sơ sài, hiệu ứng không cần thiết, tưởng như muốn kích động tạo sự gay cấn cho câu chuyện nhưng lại phản tác dụng.

cuong buc,  Netflix,  da nhan cach anh 5

Phim có dựng cảnh khoa trương. Các nhân vật phỏng vấn người thì được đặt trong một hành lang hẹp, một tòa nhà đổ nát, kẻ lại ngồi co ro trong một nơi trông như nhà tù, người khác chia sẻ từ một chỗ ngồi được chiếu sáng rực rỡ… mà sau khi xem khán giả vẫn không rõ dụng ý của đạo diễn là gì.

Đặc biệt, không một ai trong số các nạn nhân bao gồm các cô gái bị cưỡng bức, gia đình của họ hoặc bạn bè của những người bị mất tích lên tiếng trong loạt phim này.

Trong khi đó, gia đình của Billy dường như rất hồ hởi để chia sẻ về cuộc sống của họ và một Billy mà họ biết tới. Đến cuối cùng, công lý vẫn không thể đến với những người vô tội bị hủy hoại nhưng ngay cả tiếng nói của họ cũng không được cất lên.

Bên cạnh Sybil hay Three Faces of Eva, điện ảnh Hollywood không thiếu phim về đề tài chứng rối loạn nhận dạng phân ly. James Cameron từng gặp gỡ Billy Milligan để định chuyển thể cuộc đời ông ta thành phim. Ngoài ra chúng ta còn có Psycho, Fight Club và gần đây nhất là Split của M. Night Shyamalan trong đó nhân vật mắc bệnh của James McAvoy được ví như sở hữu siêu năng lực.

Thật không may, không có bộ phim nào trong số các tác phẩm trên mô tả chính xác về cuộc sống của những người mắc rối loạn nhận dạng phân ly.

Monsters Inside: The 24 Faces of Billy Milligan không phải là ví dụ tốt để mô tả một người mắc đa nhân cách. Thay vào đó, người xem nên coi đây như một trường hợp đòi hỏi những nghiên cứu sâu hơn về hội chứng này.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn