Vụ bánh mì 208.000 đồng ở Nội Bài: Cách các nước ngăn “chặt chém” ở sân bay

0
Vụ bánh mì 208.000 đồng ở Nội Bài: Cách các nước ngăn “chặt chém” ở sân bay

Sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết Bánh mì 208.000 đồng ở Nội Bài, khách than đắt hơn ở sân bay quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu sân bay Nội Bài phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Bắc xác minh, làm rõ nội dung phản ánh.

Cục Hàng không cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) rà soát giá hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là dịch vụ ăn, uống tại sân bay để đảm bảo giá bán tương xứng với chất lượng và không quá cao so mặt bằng chung của hàng hóa, dịch vụ cùng loại.

Vụ bánh mì 208.000 đồng ở Nội Bài: Cách các nước ngăn chặt chém ở sân bay - 1

Chiếc bánh mì 208.000 đồng được mua tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Câu chuyện về giá cả đồ ăn tại sân bay luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Các bài viết về chủ đề này được tranh luận sôi nổi.

Một số đồng tình đồ ăn sân bay đắt đỏ vì giá thuê mặt bằng tại các sân bay cao, một chiếc bánh mì hay một bát phở có thể gánh nhiều chi phí, sân bay lại thường xa trung tâm. Song không ít ý kiến phản đối cho rằng, đồ ăn sân bay đắt khó hiểu, giá cả quá cao sẽ dẫn đến những hệ lụy, là rào cản đối với du lịch.

Khách không có lựa chọn?

Phía dưới các bài viết, rất nhiều độc giả đã chia sẻ về trải nghiệm mua đồ ăn với giá đắt đỏ tại một số sân bay của Việt Nam.

Độc giả Mỹ Linh, chia sẻ, cách đây 2 năm giá cả tại sân bay đã khiến chị giật mình. Năm 2023, trong khi chờ máy bay tại sân bay Nội Bài, vì quá khát, chị mua 1 chai nước lọc dung tích 500ml giá 80.000 đồng. “Đang khát đắng cổ, uống ngụm nước lại thấy đắng chát hơn”, chị chia sẻ.

Bàn luận về vấn đề, không ít ý kiến cho rằng, giá cả đồ ăn ở sân bay nếu không có sự điều tiết, chấn chỉnh sẽ chẳng khác nào hiện tượng “chặt chém”.

Độc giả có tài khoản G.Ocean Do cho hay, bản thân đã trải nghiệm dịch vụ ăn uống tại một số sân bay nước ngoài và thấy giá cả ở sân bay Nội Bài “siêu vô lý, đặc biệt là ở nhà ga quốc tế”.

“Giá bán đồ ăn uống ở đây còn đắt hơn 150% so với ở Mỹ hay Canada, chứ chưa so sánh với sân bay các nước trong khu vực. Một cốc cà phê capuchino của một cửa hàng Việt Nam có giá gần 10 USD, tức trên 200.000 đồng. Đây là cách làm ăn chộp giật. Khi khách quốc tế đến sẽ cảm nhận ra sao? Làm như vậy rất khó thu hút du lịch”, độc giả này viết..

Một ý kiến khác cũng cho rằng, không nên viện cớ chi phí vận hành để nâng giá đồ ăn uống so với mặt bằng chung. 

“Chi phí nhân công ở Việt Nam không thể cao hơn ở Mỹ, Canada hay Nhật Bản trong khi đồ ăn tại sân bay của các quốc gia này không quá chênh lệch so với bình thường.

Giả sử có những khoản chi phí cao hơn bình thường nhưng không thể nào đắt hơn chục lần như vậy được, khát thì đành phải uống, đói thì đành phải ăn, không ép mà thành ra ép khách”, độc giả này nêu quan điểm.

Theo độc giả có tài khoản Papo, nhiều hành khách nhận thấy giá cả dịch vụ sân bay quá đắt đỏ nhưng “không biết kêu ai”.

“Đi máy bay có những đặc thù khác với taxi, xe khách, để kịp giờ bay nhiều người thường đến sớm, hoặc vì bận không có kịp ăn uống trước ở nhà, máy bay trễ chuyến, cất cánh muộn do thời tiết…

Khi làm xong thủ tục, vào khu vực chờ, dù biết trước giá đắt, nhiều người vẫn phải ăn vì không có lựa chọn nào khác. “Bởi vậy, giá cả quá đắt đỏ trong khi chất lượng đồ ăn chỉ ở mức bình thường thì là chặt chém chứ không phải giao dịch mua bán bình thường”, độc giả này viết.

Lợi ích cho thiểu số nhưng tạo ra rào cản cho du lịch

Độc giả Hùng Phan cho rằng, giá cả đắt đỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch. Lợi ích chảy vào túi của một số cá nhân, nhưng hệ lụy lại ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Độc giả Hùng Thanh cho rằng, sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất cần cân nhắc giá dịch vụ ăn uống vì đã có nhiều vụ việc được phản ánh, giá bán các loại đồ ăn cao gấp nhiều lần đến mức vô lý so với mặt bằng chung.

“Nếu nói tiền thuê mặt bằng cao nên phải bán giá cao mới đủ chi phí thì cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc, bởi muốn kích cầu du lịch mà để lại ấn tượng không tốt với khách hàng ngay tại sân bay về giá cả đắt đỏ chẳng khác nào “trên rải thảm, dưới rải đinh”, độc giả này nhận định. 

Vụ bánh mì 208.000 đồng ở Nội Bài: Cách các nước ngăn chặt chém ở sân bay - 2

Suất phở gà giá 8 USD (hơn 200.000 đồng) tại nhà ga T2 – sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh: Tuệ Minh).

Độc giả Tuan Anh Nguyễn cũng bày tỏ lo lắng, giá cả đồ ăn tại sân bay đắt đỏ sẽ là trở ngại đối với phát triển du lịch, du khách sẽ không muốn trở lại Việt Nam lần thứ 2.

“Sân bay là bộ mặt của ngành du lịch, chào đón bạn bè quốc tế, đón những người con xa xứ trở về… Không nên để khách hiểu rằng mình bị “chặt chém” với một mức giá “trên trời”.

Tôi cho rằng, cần xem xét việc này thật cẩn trọng, nhẹ thì phạt nhắc nhở, nếu đã lặp đi lặp lại kiểu buôn bán chộp giật thì cần thu hồi giấy phép kinh doanh để đơn vị khác thực hiện. Không thể để tình trạng kêu ca về mức giá tại một sân bay lớn cứ lâu lâu lại khiến dư luận xôn xao”, độc giả Việt Anh chia sẻ.

Những cách khắc phục giá hàng hoá sân bay đắt đỏ trên thế giới

Không chỉ tại Việt Nam, giá hàng hoá trong sân bay ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng ở mức cao. Trước những phàn nàn từ hành khách, chính quyền một số nước đã áp dụng các mô hình quản lý hoặc ban hành quy định nhằm giúp người tiêu dùng có thể mua sắm với mức giá hợp lý hơn.

Tại Thái Lan, hồi năm 2016, báo chí nước này phản ánh tình trạng giá các món ăn ở sân bay đắt đỏ. Cụ thể, một đĩa cơm gà kiểu Thái ở sân bay quốc tế Don Mueang (Bangkok) được bán với giá 159 baht (127.000 đồng).

Trước những lời phàn nàn của khách, Tổng thanh tra Withawat Rachatanant đã đến kiểm tra thực tế tại sân bay và phát hiện giá các đồ ăn ở đây cao hơn 85-200% so với cùng loại được bán trong tạp hoá. 

“Đắt kinh khủng. Một gia đình 2 người phải tốn ít nhất 500 baht (350.000 đồng) cho một bữa ăn ở sân bay”, vị Tổng thanh tra nói. 

Sau khi tiến hành kiểm tra, ông đã đề nghị Cục Hàng không Thái Lan yêu cầu các gian hàng thực phẩm trong sân bay điều chỉnh giảm giá bán. Tuy nhiên, các tiểu thương cho rằng, giá bán cao do họ phải mở cửa 24/24 và gánh chi phí thuê mặt bằng cao hơn bên ngoài.

Vụ bánh mì 208.000 đồng ở Nội Bài: Cách các nước ngăn chặt chém ở sân bay - 3

Các khu ẩm thực trong sân bay ở Thái Lan có giá phải chăng (Ảnh: Nation).

Năm 2018, sau khi có bài viết của báo chí Nhật Bản phản ánh giá cả hàng hoá ở sân bay tại Bangkok đắt đỏ, Thủ tướng Thái Lan thời điểm đó là ông Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu cơ quan chức năng điều tra.

Để khắc phục tình trạng giá đồ ăn, thức uống quá cao, sân bay Don Mueang  thiết lập một khu ẩm thực riêng, nơi các món ăn được bán với mức giá rẻ, trung bình khoảng 60 baht/món (42.000 đồng) và không món nào vượt quá 100 baht (70.000 đồng).

Tại Ấn Độ, mức giá thức ăn, đồ uống cao ở sân bay từng đắt đỏ khiến nhiều khách hàng phàn nàn. Vấn đề này đã được nhiều nghị sĩ của nước này phát biểu tại các cuộc họp quốc hội. 

Năm 2024, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai chương trình “Udaan Yatri Cafe” tại các sân bay, nhằm cung cấp đồ ăn và thức uống với giá cả phải chăng cho hành khách. Mô hình này được thí điểm tại sân bay Netaji Subhas Chandra Bose ở Kolkata. Nếu đạt hiệu quả, chính phủ dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Vụ bánh mì 208.000 đồng ở Nội Bài: Cách các nước ngăn chặt chém ở sân bay - 4

Mô hình quán cà phê bán đồ ăn, thức uống giá rẻ ở sân bay Ấn Độ (Ảnh: India).

Sau một thời gian ngắn mở cửa, mô hình quán cà phê này đã thu hút khoảng 900 khách/ngày. Tại đây, hành khách có thể mua cốc cà phê hoặc chai nước lọc với giá 10 Rupee (3.000 đồng), giá một chiếc bánh ngọt và một chiếc samosa (bánh gối chiên) 20 Rupee (6.000 đồng).

Tại Mỹ, tháng 7/2021, một hành khách phàn nàn mua bia ở sân bay với giá 27,85 USD (727.000 đồng) trên mạng xã hội. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định có tình trạng bán bia với giá đắt đỏ như phản ánh của khách. Cơ quan quản lý các sân bay LaGuardia, JFK và Newark ở New York và bang New Jersey ban hành hướng dẫn dài 35 trang với các đơn vị kinh doanh, buôn bán hàng hoá ở sân bay. 

Theo đó, các nhà cung cấp hàng hoá trong sân bay không được niêm yết giá cao hơn 10% so với các cửa hàng bên ngoài.

Nguồn: Dantri