Sau nhiều thập kỷ, vũ khí hạt nhân không phải là ưu tiên hàng đầu ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga. Chiến tranh không gian mạng là vấn đề cấp thiết hơn trong cuộc gặp Biden – Putin.
Trong 70 năm, hội nghị giữa các tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo Liên Xô hoặc Nga luôn bị chi phối bởi vấn đề hạt nhân, mà cụ thể là kho vũ khí khổng lồ mà hai quốc gia này bắt đầu tích lũy từ những năm 1940, theo New York Times.
Giờ đây, khi Tổng thống Mỹ Biden gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva hôm 16/6, lần đầu tiên “vũ khí mạng” được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Trong vòng một thập kỷ, cả Nga và Mỹ ngày càng gia tăng phát triển công nghệ, kèm theo đó là các cuộc xung đột cấp thấp. Tuy nhiên, trong những cuộc gặp giữa hai siêu cường trước đây, xung đột kỹ thuật số chưa được xem là trọng tâm trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường.
Thế nhưng giờ đây, tấn công mạng không còn là vấn đề thứ cấp, mà đã trở thành một trong những điều cấp thiết ông Biden buộc phải đưa ra thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh với ông Putin tại Geveva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6.
Theo New York Times, tần suất và mức độ phức tạp ngày càng gia tăng của các cuộc tấn công mạng gần đây vào cơ sở hạ tầng của Mỹ đã cho thấy hàng loạt lỗ hổng.
Trong họp báo sau hội nghị với ông Putin ngày 16/6, ông Biden nói rằng Điện Kremlin đã tấn công mạng vào 16 khu vực cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, nhưng không nói rõ là khu vực nào. Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo rằng nếu Nga còn tiếp tục, Mỹ sẽ đáp trả trên “không gian mạng”.
Ông Putin đã bác bỏ các cáo buộc trên và cũng nói rằng Nga không chứa chấp tội phạm mạng. Ông phản pháo rằng “số lượng lớn nhất các cuộc tấn công mạng trên thế giới xuất phát từ Mỹ”.
Dẫu vậy, trong họp báo sau cuộc họp tại Geneva, Tổng thống Putin cho biết ông và ông Biden đã đồng ý “bắt đầu tham vấn” về an ninh mạng.
Kiểm soát “vũ khí mạng” khó hơn kiểm soát vũ khí hạt nhân
Đối với ông Biden, vũ khí hạt nhân vẫn là vấn đề lớn, và hai nhà lãnh đạo vẫn dành nhiều thời gian đề thảo luận về “sự ổn định chiến lược” nhằm kiềm chế leo thang hạt nhân. Tuy nhiên, nhiệm vụ cấp thiết hơn trước mắt của ông Biden là nêu vấn đề về an ninh mạng với ông Putin.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp mặt trước Villa La Grange ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6. Ảnh: Reuters. |
Các biện pháp răn đe nhằm duy trì nền hòa bình trong thời Chiến tranh Lạnh sẽ không hiệu quả đối với các mối đe dọa kỹ thuật số.
Trong thời cạnh tranh hạt nhân, Mỹ biết mọi vũ khí của Nga được đặt ở đâu và ai có thẩm quyền kích hoạt chúng. Tuy nhiên, trong không gian mạng, không có cách nào để đếm các mối đe dọa hoặc thậm chí tìm ra ai là người gõ phím, theo New York Times.
Danh sách thảo luận về an ninh mạng mà phía Mỹ đưa ra bao gồm các cuộc tấn công hoặc cố xâm nhập vào lưới điện, hệ thống bầu cử, đường ống dẫn nước và năng lượng, nhà máy điện hạt nhân, và đặc biệt là hệ thống chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, việc kiểm soát xung đột mạng gặp khó khăn hơn rất nhiều so với kiểm soát hạt nhân.
Ông Eric Rosenbach, cựu lãnh đạo chính sách mạng tại Lầu Năm Góc, cáo buộc “người Nga đã nhiều lần vi phạm các thỏa thuận về không gian mạng tại Liên Hợp Quốc và đang cố gắng tấn công Mỹ một cách có hệ thống”.
Ông Putin bác bỏ cáo buộc của Mỹ về các cuộc tấn công mạng, và cho rằng những cáo buộc này là một phần của chiến dịch thông tin sai lệch khổng lồ do Mỹ dẫn đầu.
Ông Putin nói với NBC News vào ngày 13/6: “Chúng tôi bị buộc tội đủ thứ, can thiệp bầu cử, tấn công mạng, vân vân và vân vân, và không phải chỉ một lần. Họ không đưa ra bất kỳ bằng chứng hay chứng cứ nào. Đó chỉ là những lời buộc tội vô căn cứ”.
Theo New York Times, bằng chứng đã được đưa ra, dù khó thể hiện và khó giải thích.
Ông Putin tại cuộc họp với ông Biden ở Villa La Grange ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6. Ảnh: Reuters. |
Khi Triều Tiên tấn công hãng phim Sony Entertainment của Mỹ để đáp trả lại một bộ phim chế nhạo ông Kim Jong Un, 70% máy tính của công ty đã bị phá hủy. Người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ vào thời điểm đó, ông Michael Rogers, cho rằng Mỹ sẽ phản ứng mạnh sau vụ việc.
Tuy nhiên, không có điều gì xảy ra.
Dưới thời ông Obama, hệ thống email của Nhà Trắng từng bị xâm nhập. Thông tin tình báo chỉ ra rằng chính Nga đứng sau vụ việc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân chưa bao giờ nhận được thông báo xác định chính xác thủ phạm là Moscow.
Nga cũng bị cáo buộc là cố gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016, nhưng ông Obama khi đó cũng chỉ có thể phản ứng bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao Nga và đóng cửa một số cơ quan ngoại giao của Nga tại Mỹ.
Đến thời ông Trump, Mỹ tiếp tục phải im lặng khi ông Putin phủ nhận về việc can thiệp bầu cử.
Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi
Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ đã có một số hành động đáp trả tới cơ quan tình báo của Nga và đánh bật một nhóm ransomware (mã độc chặn người dùng truy cập và sử dụng dữ liệu bên trong máy chủ, phải trả tiền chuộc nếu muốn lấy lại quyền) lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công mạng được cho là của Nga vẫn tiếp tục gia tăng.
Điều khiến nhóm an ninh quốc gia của ông Biden lo lắng không phải là số lượng các cuộc tấn công, mà là mức độ tinh vi ngày một tăng.
Theo ước tính của Microsoft, vụ tấn công vào công ty phát triển phần mềm SolarWinds có khoảng 1.000 tin tặc – được cho là làm việc cho cơ quan tình báo hàng đầu của Nga SVR – tham gia.
Nhóm tin tặc này cố đưa người Nga thâm nhập vào chuỗi cung ứng phần mềm cho cơ quan chính phủ, gồm các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 và các tổ chức tham mưu. Đáng nói, cuộc tấn công này được thực hiện ngay trên đất Mỹ, từ các máy chủ của Amazon, theo New York Times.
Các nhà lãnh đạo của Mỹ và Nga họp tại Villa La Grange ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6. Ảnh: Reuters. |
Ông Biden cho biết ông muốn “đáp trả tương xứng” và đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế hơn. Ông cũng ám chỉ rằng phía Nga có thể sẽ có những hành động “không thể nhìn thấy” khác.
“Các cuộc tấn công mạng do nhà nước tài trợ ở phạm vi và quy mô lớn vẫn là vấn đề mà Mỹ quan tâm nghiêm túc”, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, nói.
Sau vụ tấn công mạng vào SolarWinds là sự gia tăng đáng kinh ngạc của những cuộc tấn công ransomware tống tiền.
Các nhóm tội phạm khóa dữ liệu của một công ty hoặc bệnh viện, sau đó yêu cầu hàng triệu Bitcoin để mở khóa. Ông Biden đã cáo buộc Nga chứa chấp những nhóm này.
Ông Rosenbach, cựu giám đốc chính sách mạng của Lầu Năm Góc, nêu quan điểm: “Thay vì tập trung vào các quy tắc trừu tượng, ông Biden nên gây sức ép với ông Putin bằng các hành động cụ thể”.
Ông cho rằng việc đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung có khả năng sẽ thuyết phục được Putin âm thầm ngăn chặn tội phạm mạng từ Nga.
Nguồn: News.zing.vn