Vừa bán ra, iPhone 13 đã bị làm giả tem niêm phong

0
46

Người kinh doanh iPhone xách tay cho rằng loại seal mới dễ “đóng lại” hơn loại làm từ vỏ nylon trước đây.

Apple áp dụng cách đóng hộp mới trên iPhone 13 với việc sử dụng hai mảnh giấy niêm phong (seal) thay thế cho lớp vỏ bọc nylon. Hãng cho rằng sử dụng giấy sẽ góp phần bảo vệ môi trường hơn so với vỏ nylon trước đây.

Thay đổi này có thể gây khó khăn cho giới kinh doanh iPhone xách tay, nhập lậu, hàng nhái khi muốn đóng lại seal và lừa người tiêu dùng rằng đây là sản phẩm mới, chưa mở hộp. Tuy nhiên, những mảnh seal mới của Apple đã bị làm giả ngay sau khi iPhone 13 được mở bán.

seal giay cua iphone 13 bi lam gia anh 1

iPhone 13 series được niêm phong bằng phần seal giấy. Ảnh: Schannel.

Trước đó, một số người dùng trên mạng xã hội cho rằng việc Apple sử dụng niêm phong bằng giấy còn giúp hạn chế được việc gian thương đóng lại seal sản phẩm đã mở hộp, ngụy trang để bán như máy mới. “Vậy thì mở hộp phải xé giấy, khó bị làm giả hơn seal nylon”, tài khoản VN. Hùng bình luận.

“Việc đóng lại seal nylon cho iPhone trước giờ rất đơn giản, có sẵn máy móc và vật liệu để làm. Việc Apple đổi sang dùng tem giấy sẽ gây ảnh hưởng ở khoảng thời gian đầu khi người bán chưa tìm ra cách làm giả loại seal này”, ông T.H., một người kinh doanh iPhone lâu năm tại Hà Nội trả lời Zing.

Tuy nhiên, ngay sau khi iPhone 13 được mở bán, những tấm seal giấy của Apple đã nhanh chóng bị làm giả. Qua hình ảnh được chia sẻ, seal màu trắng của iPhone 13, iPhone mini và màu đen của dòng Pro/Max đều đã bị giả mạo.

“Loại seal gì rồi cũng sẽ bị làm giả được hết, vì kỹ thuật để làm vốn không khó. Vấn đề là seal giấy giả sẽ dễ bị phát hiện hơn nếu chất liệu miếng tem, phông chữ in ấn quá chênh lệch với bản gốc của Apple”, ông Hoàng Văn Thuận, Chủ cửa hàng kinh doanh iPhone tại quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ.

seal giay cua iphone 13 bi lam gia anh 2

Seal giấy của iPhone 13 bị làm giả. Ảnh: NVCC.

Theo ông T.H., ngoài việc chờ các mẫu in, chủ hàng còn có thể dùng máy sấy hoặc khò nhiệt để tách seal ra khỏi hộp mà không làm hư hại phần tem này. Do đó, khi đóng lại người mua cũng không thể nhận ra hộp máy đã từng bị khui ra hay chưa.

“Máy iPhone xách tay khi đi qua hải quan đều được chủ hàng khò nhiệt, khui seal trước đó. Sau khi thông quan thì dùng keo dán lại. Thật ra, việc dùng tem giấy còn giúp việc đóng lại dễ hơn loại seal nylon trên các dòng iPhone cũ”, ông Quốc Minh, một người chuyên nhập hàng Mỹ chia sẻ với Zing.

Theo ông Thuận, người mua iPhone không nên chỉ quan tâm đến seal trên hộp để xác định chất lượng thiết bị. “Quan trọng vẫn là việc kiểm tra chức năng trên máy và mức độ uy tín của cửa hàng, còn lớp seal dù là loại gì cũng có thể bị làm giả”, ông Hoàng Văn Thuận cho biết.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn