Thuộc vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam) nên hàng loạt tiệm cắt tóc, phòng gym, trung tâm thương mại,… thuộc 15 phường của TP Thủ Đức (TP.HCM) phải tạm ngừng hoạt động.
Ngày 4/10, chị N.H. phải tạm đóng cửa salon tóc trên đường số 11 (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức), do nơi chị sống thuộc vùng cam (vùng dịch cấp độ 3). Chưa kịp mừng vì được mở cửa lại sau nhiều tháng tạm ngưng, chị H. phải thông báo với khách hàng quen chờ đợi thêm thời gian để được phục vụ.
Theo văn bản đánh giá cấp độ dịch của UBND TP Thủ Đức vừa ban hành, địa phương này phân chia 34 phường theo 2 vùng.
Việc này dẫn đến hàng loạt cửa tiệm đã mở cửa nhận khách được một vài ngày thì phải đóng cửa ngay. Các chủ cửa hàng bị động không xoay xở kịp và lo lắng mất khách.
Nhiều hoạt động bị tạm dừng
Dựa vào văn bản, cấp độ 3 (vùng cam) có 15 phường, gồm: Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, An Phú, Cát Lái, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Phước Long B, Hiệp Bình Chánh, Bình Chiểu, Tam Bình, Linh Trung, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Xuân. 19 phường còn lại thuộc cấp độ 2 (vùng vàng).
Trung tâm thương mại tại nhiều quận ở TP.HCM đã mở cửa lại phục vụ người dân. Trong khi đó, một số nơi tại TP Thủ Đức, hoạt động này vẫn chưa được phép mở cửa. Ảnh: Phương Lâm. |
Đối với những phường thuộc vùng dịch cấp độ 3, trung tâm thương mại, cơ sở cắt tóc, gội đầu, thể dục thể thao (gym, yoga,…), đám cưới, đám tang, dịch vụ kính thuốc, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, dịch vụ làm răng giả, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm,… phải tạm dừng hoạt động. Các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống chỉ kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Những phường thuộc vùng dịch cấp độ 2 (vùng vàng), thì cơ sở cắt tóc, gội đầu, thể dục thể thao (gym, yoga,…) được hoạt động tối đa 30% công suất và tối đa 5 người tại cùng một thời điểm. Các hoạt động đám tang, đám cưới, hội họp, ngoài trời được hoạt động với số lượng người giới hạn.
Chung hoàn cảnh với chị N., salon tóc của anh Lê Anh Tuấn đặt cạnh chung cư Citihome (phường Cát Lái) cũng đóng cửa 2 hôm nay. Anh Tuấn và 5 nhân viên trong tiệm đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19, dự định khi hoạt động sẽ đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Nhưng chỉ mở cửa nhận khách được vài giờ thì tiệm phải tạm dừng.
Với những khách hàng đã đặt lịch cắt tóc từ trước, anh Tuấn phải nhắn tin xin lỗi vì không thể phục vụ tiếp và hẹn ngày quay trở lại. Mỗi ngày qua đi, anh phải chi hơn 1 triệu đồng trả phí mặt bằng và khoản lương hỗ trợ nhân viên. Từ khi đóng cửa đến nay, anh Tuấn phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng để bù lỗ trong khi nguồn thu bằng 0.
“Khách hàng không làm được ở tiệm họ sẽ tới những nơi khác được mở cửa để làm chứ không chờ mình. Nếu không đảm bảo cuộc sống cho nhân viên thì họ cũng không gắn bó. Tôi thực sự khó khăn và bị động trước việc này”, anh Tuấn nói.
Người dân mong khoanh vùng dịch hẹp hơn
Trước thông tin này, người dân sinh sống tại vùng cam cũng cho biết gặp một số bất tiện.
Chị Hiến Thu (24 tuổi, ngụ phường Linh Trung) dự định đến phòng gym gần nhà để tập lại nhưng hiện vẫn chưa mở cửa. Chị đã đóng phí theo năm với giá vài triệu đồng, nên đang chờ thông báo từ phòng gym để đi tập lại.
“Mới hôm qua tôi đi ngang thấy tiệm đã lau chùi chuẩn bị. Sáng nay chạy tới nơi thì thấy vẫn chưa hoạt động. Tôi nghĩ nên khoanh vùng dịch theo quy mô nhỏ hơn chứ cấp phường như hiện nay thì người dân sẽ gặp khó”, chị Thu nói.
Nhiều thợ cắt tóc mặc bảo hộ kín mít để làm việc khi TP.HCM cho mở cửa trở lại. Ảnh: Phương Lâm. |
Chị Hoàng Lan (28 tuổi, ngụ phường Tam Phú) đã đặt lịch với phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ để chữa bệnh nhưng nơi này đã gọi hủy lịch vì TP Thủ Đức chưa cho phép hoạt động.
“Tôi đã xin nghỉ hôm nay để đi chữa da nhưng cuối cùng lại báo đóng cửa đột ngột. Mong là các hoạt động sớm hoạt động lại để tạo thuận tiện cho người dân”, chị Hoàng Lan nói.
Ở chiều ngược lại, chị Tiên Lê (32 tuổi, phường Linh Trung) cho biết chưa sẵn sàng hớt tóc, gội đầu hay tới trung tâm thương mại ngay. Chị Lê vẫn tập luyện yoga tại nhà hàng ngày dưới sự hướng dẫn online của huấn luyện viên.
Chỉ khi nhận đồ từ shipper hay đi siêu thị, cô gái này mới ra khỏi nhà. Đối với chị Lê, siêu thị cho phép người dân vào mua, các tiệm sửa xe hoạt động lại đã giúp giải quyết những nhu cầu tối thiểu của bản thân.
“Mỗi ngày vẫn còn hàng nghìn ca bệnh nên tôi con lo ngại. Nên mở cửa thận trọng chứ không ồ ạt để chống dịch hiệu quả”, chị Tiên bày tỏ.
UBND TP Thủ Đức thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch sẽ được tiến hành định kỳ hàng tuần. Tùy theo tình hình, địa phương sẽ tiếp tục áp dụng hoặc điều chỉnh mức độ để triển khai phục hồi các hoạt động kinh tế tại các phường cho phù hợp.
Nguồn: News.zing.vn