Vui xuân với người Tày ở Đồng Phú

0
217

Dù di cư đến huyện Đồng Phú sinh sống đã hàng chục năm nay nhưng người Tày vẫn không thôi nhớ núi rừng Tây Bắc cùng tiếng đàn, câu hát, những trò chơi dân gian của dân tộc mình. Bằng cách nào đó, họ mày mò tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau với mong muốn gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

NHIỀU TRÒ CHƠI DÂN GIAN ĐẶC SẮC

Già làng Nông Văn Phùng – một trong những người Tày đến ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi cách đây gần 30 năm, cho biết: “Rời quê hương vào huyện Đồng Phú lập nghiệp, đa phần điều kiện kinh tế các hộ trong ấp còn rất khó khăn. Quanh năm đầu tắt mặt tối phát rẫy, làm thuê để lo cho cái bụng không đói. Bây giờ đời sống người Tày được cải thiện nên muốn khôi phục một số phong tục tập quán của dân tộc để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn”.

 Tung còn – trò chơi không thể thiếu của người Tày trong dịp tết

Đã thành thông lệ, đầu năm mới đồng bào Tày ở Tân Lợi và một số xã lân cận như Tân Hưng, Tân Hòa, Tân Phước tập trung về nhà văn hóa ấp Đồng Bia để hòa mình vào lễ hội xuân do Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện tổ chức. Trước đó, người dân tranh thủ dọn vệ sinh, chuẩn bị sân bãi, dụng cụ để tham gia các trò chơi dân gian. Trên bãi đất rộng, một cây mai cao lớn được dựng lên để làm cột tung còn, phần ngọn lấy một thanh tre uốn thành vòng tròn rồi dùng giấy đỏ dán kín, ở giữa khoét một vòng tròn nhỏ buộc vào ngọn cây mai. Quả còn do 4 bộ phận ghép thành bầu còn gồm 4 mảnh vải màu hình tam giác được khâu lại với nhau, phần trong bầu còn được nhét mùn cưa hoặc cát. Chơi còn dễ mà khó, người chơi tung được quả còn qua vòng tròn trên ngọn cây mai sẽ chiến thắng và được mọi người khen ngợi. Đây là trò chơi không thể thiếu của người Tày nhân dịp tết đến xuân về.

Nếu tung còn là trò chơi thu hút đông đảo người già, người trẻ, nam thanh, nữ tú thì lày cỏ chỉ dành riêng cho nam giới. Già làng Nông Văn Phùng cho biết: “Chơi lày cỏ rất đơn giản. Người chơi cùng hô một con số, số nào là do bản thân mình chọn, miễn là cộng các ngón tay của hai người đúng với số hô. Đây là trò chơi sôi động, được đàn ông Tày rất yêu thích bởi người thua sẽ bị phạt uống rượu”.      

Thu hút sự cổ vũ của đông đảo khán giả là nơi diễn ra trò chơi đi cà kheo đá bóng. Trò chơi này thường tổ chức trên bãi đất rộng, hai đội thi đấu trong hai hiệp như những trận đấu bóng bình thường, khác biệt duy nhất là các cầu thủ phải đi trên những đôi chân tre cao lều khều để thi đấu. Bên cạnh các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, tại lễ hội xuân, người dân còn được tham gia nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu, kéo co…

HÒA MÌNH VÀO LÀN ĐIỆU THEN

Tết đến, người Tày ở Đồng Phú thường tập trung tại các nhà văn hóa ấp để tổ chức hát then. Những cô gái Tày xúng xính trong trang phục áo chàm, váy tơ, thắt đai lăng hẳng, đầu quấn khăn tím, cổ đeo kiềng bạc, tay cầm đàn tính xướng lên những điệu then trong trẻo. Hiện nay, phong trào hát then ở Đồng Phú đang được khôi phục mà nòng cốt là hai câu lạc bộ hát then ở Tân Hòa và Đồng Tiến.

Kéo co – trò chơi của sự đoàn kết

Chị Trần Thị Kim Oanh, Đội trưởng đội văn nghệ hát then xã Tân Hòa cho biết: “Hát then được chia làm hai dòng chính là then hát và then cúng. Then hát bao gồm lượn hát giao duyên, lượn cọi, nàng ới, phong sư, trao duyên và hát trong các dịp về nhà mới, đám cưới, lễ tết, hẹn hò… Then cúng là hát cầu mùa, giải hạn, mừng thọ… Lời then mộc mạc, giản dị, bày tỏ tình yêu quê hương xứ sở, gửi gắm vào câu hát nỗi nhớ bản làng xa xôi, giãi bày những nỗi buồn vui trong cuộc sống”.

Còn bà Nông Thị Nữ (thành viên đội văn nghệ hát then ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến) – người có thâm niên 30 năm gắn bó với làn điệu then, chia sẻ: “Trước đây ở quê, ai cũng biết hát then. Người Tày dùng điệu then để quên đi những ngày lao động vất vả, mệt nhọc. Vì thế, 12 tuổi tôi đã biết hát then thông qua người thân trong gia đình và sự chỉ dạy của các vị cao niên trong thôn. Hát then khó nhất là phần đàn, vì đó là sự kết hợp giữa đàn tính, lục lạc, sáo để làm sao cho các âm thanh hòa hợp với nhau tạo thành một bản hoàn chỉnh”.

Không chỉ phục vụ nhân dân trong dịp lễ, tết. Hiện nay, các đội văn nghệ hát then của người Tày đã được Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện chọn làm đội văn nghệ nòng cốt để biểu diễn trong các hội thi, lưu diễn, chương trình văn nghệ do huyện tổ chức. Đây là cơ hội để người Tày mang làn điệu then của dân tộc mình giới thiệu đến bạn bè phương Nam.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn