(TITC) – Vườn quốc gia Cát Bà (VQG) nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận năm 2004, đồng thời cũng nằm trong Khu du lịch Hạ Long – Cát Bà được quy hoạch có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đây là khu du lịch điển hình trong công tác bảo vệ môi trường.
Tham dự hội thảo “Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia” ngày 28/7 tại Ninh Bình, Phó Giám đốc VQG Phạm Văn Thương cho biết “Để du lịch phát triển bền vững, đồng thời thực hiện tốt chức năng chính của VQG là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái thì việc bảo vệ tốt tài nguyên môi trường sinh thái là điều kiện tiên quyết. Vườn quốc gia Cát Bà đã xây dựng một chiến lược phát triển bằng việc kết hợp chặt chẽ công tác bảo tồn với các hoạt động phát triển du lịch”.
Bảo vệ nguồn tài nguyên
Nhằm tạo khung pháp lý cho các hoạt động quản lý bảo tồn, Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Bà thành phố Hải Phòng đến năm 2020 đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt năm 2014.
Bên cạnh đó, Ban quản lý VQG đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải và các cơ quan ban ngành liên quan như bộ đội, công an, biên phòng và chính quyền các xã vùng đệm của VQG trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, biển, phòng chống cháy rừng, quản lý các hoạt động du lịch.
Ban quản lý VQG cũng đã phối hợp với Ban quản lý vịnh Hạ Long xây dựng, ký kết và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp tuần tra, tuyên truyền bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học giữa hai khu vực; quy chế hợp tác về phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học giữa các Vườn quốc gia Cát Bà – vịnh Hạ Long – Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Ngoài ra, VQG đã tích cực hợp tác với các tổ chức hỗ trợ các chương trình, dự án bảo tồn và phát triển như Dự án bảo tồn voọc Cát Bà của Hội Động vật về Bảo tồn loài và quần thể và Vườn thú Muenster – Đức, Chương trình bảo tồn và phát triển Cát Bà của tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế FFI, Chương trình Bảo tồn Di sản thiên nhiên khu vực của Quỹ Australia vì nhân dân châu Á – Thái Bình Dương, Dự án “khắc phục trở ngại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn Việt Nam”; Chương trình trồng rừng ven biển, trồng rừng đền bù khí thải CO2…
Nhờ thực hiện nghiêm ngặt và hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của VQG, trong những năm qua VQG đã bảo vệ thành công 1.300ha rừng nguyên sinh và quản lý bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã đặc hữu như là khỉ vàng, sơn dương, trăn đất, bìm bịp, chim cu, vọoc Cát Bà…
Phát triển du lịch sinh thái
Nhằm tạo sinh kế thay thế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên làm kế sinh nhai, VQG đã xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà trong đó phân định rõ ranh giới các khu vực dành riêng cho hoạt động bảo tồn, khu vực kết hợp với phát triển du lịch và các loại hình du lịch có thể được thực hiện.
VQG đã hỗ trợ người dân các xã vùng đệm tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng điển hình như du lịch sinh thái cộng đồng Phù Long, xây dựng mô hình nuôi ong, nuôi dê, trồng rau sạch, trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây lấy thuốc…
Đến nay có rất nhiều loại hình du lịch sinh thái phát triển phong phú đem lại cho du khách nhiều lựa chọn như là: du lịch sinh thái rừng, tìm hiểu hệ động thực vật rừng nguyên sinh với các loài linh trưởng đặc hữu hoặc tìm hiểu một số loài côn trùng, bò sát và một số loài thú ăn đêm; khám phá hệ sinh thái vịnh, tùng, áng tại vịnh Lan Hạ, động Trung Trang, động Thiên Long kết hợp lặn ngắm xem san hô, câu cá, tắm biển, leo núi; du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và ngư dân trên biển; du lịch tình nguyện.
Hoạt động bảo vệ môi trường
Để giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, môi trường cho nhân dân và học sinh các trường học trên đảo, ban quản lý VQG cũng đã tổ chức các buổi truyền thông, thi tìm hiểu về đa dạng sinh học, tham quan thực tiễn và tìm hiểu các giá trị của VQG và Khu dự trữ sinh quyển.
Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, các đoàn thể xã hội và người dân trên đảo tiến hành công tác tuyên truyền, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường biển; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia “Ngày vì môi trường xanh” hàng tháng.
Để thực hiện tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho khách tham quan, Ban quản lý VQG cũng đã thực hiện các hoạt động hướng dẫn, các phim tư liệu giới thiệu về sự đa dạng sinh học của VQG, bảng chỉ dẫn du lịch, biển tuyên truyền bảo vệ thiên nhiên, tờ rơi, tập gấp, tranh ảnh, đồ lưu niệm; phối hợp với một số tour tổ chức các hoạt động du lịch tình nguyện cho du khách tham gia dọn vệ sinh…
Do làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, trong những năm qua du khách trong nước và quốc tế đến thăm Vườn quốc gia Cát Bà ngày càng tăng lên.
Với hướng đi kết hợp phát triển du lịch sinh thái với bảo vệ tài nguyên môi trường, Vườn quốc gia Cát Bà đã và đang dần đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế.
Hồng Thanh
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn