Ở thị trường giải trí Hàn Quốc, nghệ sĩ vướng scandal thường chịu hậu quả nghiêm trọng. Họ bị tẩy chay, thậm chí đuổi khỏi nhóm nhạc hoặc đoàn phim.
Việc Jack xuất hiện chỉ thời gian ngắn sau khi tranh cãi nổ ra khiến dư luận đang tranh cãi. Sau khi tập đầu tiên của Running Man lên sóng, khán giả đăng dưới các fanpage liên quan đến chương trình hashtag #taychayjack để thể hiện sự tức giận trước sự xuất hiện của giọng ca Sóng gió. Công chúng cũng đặt câu hỏi cho ê-kíp sản xuất, khi họ tiếp tục để Jack lên hình, thậm chí giới thiệu anh là “ca sĩ đa tài”, “sáng tác thần sầu”.
Động thái của Jack và Running Man bản Việt hoàn toàn khác biệt so với thị trường giải trí Hàn Quốc. Ở đó, cách xử lý khi vướng scandal của hầu hết nghệ sĩ là xin lỗi, tạm dừng hoạt động, thậm chí giải nghệ. Về phía các nhà đài, ê-kíp sản xuất, họ cũng mạnh tay xử lý những nghệ sĩ được cho là không trong sạch về nghề nghiệp, đời tư.
Chủ động dừng hoạt động, giải nghệ khi mắc scandal
Gần đây, Lucas – thành viên nhóm nhạc NCT, WayV – cũng vướng lùm xùm tình ái. Anh bị nhiều cô gái tố lăng nhăng – tình huống khá tương đồng với Jack. Đối mặt với những tranh cãi, Lucas viết tâm thư xin lỗi và tuyên bố tạm dừng hoạt động vô thời hạn. MV mới của anh và thành viên cùng nhóm Hendery được lên kế hoạch ra mắt ngày 25/8 nhưng đã bị công ty giải trí SM hủy bỏ sau khi ồn ào nổ ra.
Các hoạt động quảng bá khác của Lucas cũng bị hủy bỏ. Thời điểm đó, Keep Running (Running Man bản Trung) – chương trình Lucas tham gia – cũng có động thái. Trên fanpage chính thức, Keep Running chỉ cập nhật ảnh của 6 thành viên mà không có Lucas. Công chúng cho rằng Lucas đã bị loại hoặc chủ động rút khỏi đội hình thành viên của chương trình.
SM hủy kế hoạch ra mắt MV của Lucas sau khi tranh cãi nổ ra. |
“Nghệ sĩ, đặc biệt giới thần tượng phải trở nên hoàn hảo. Họ phải là tiêu chuẩn lý tưởng. Bạn là nghệ sĩ solo hay thành viên của một nhóm nhạc cũng phải sống theo bộ quy tắc nghiêm ngặt”, Jeff Benjamin – người phụ trách chuyên mục Kpop của Billboard nói với CBC.
Bởi vậy, khi vướng scandal, họ phải nhanh chóng đưa ra lời giải thích cho người hâm mộ, đồng thời thể hiện thái độ thành khẩn sau mỗi tranh cãi thay vì chỉ đưa ra một lời xin lỗi.
Tháng 3, MBC đưa tin Yunho của TVXQ cố gắng chạy trốn cảnh sát khi bị bắt quả tang uống rượu quá giờ giới nghiêm tại một cơ sở giải trí bất hợp pháp dành cho người lớn. Thời gian đó, cảnh sát chưa đưa ra kết luận về vụ việc của Yunho nhưng anh chủ động lên tiếng xin lỗi, đồng thời dừng việc ghi hình với vai trò MC cho chương trình Kingdom.
Nam ca sĩ dừng mọi hoạt động suốt 6 tháng. Đầu tháng 9, báo chí Hàn Quốc đưa tin Yunho được tuyên vô tội trong vụ việc. Tuy nhiên, nam ca sĩ một lần nữa viết tâm thư xin lỗi vì khiến người hâm mộ lo lắng và thất vọng.
Tạm dừng hoạt động là cách giải quyết scandal khá phổ biến ở Hàn Quốc và được nhiều ngôi sao áp dụng khi vướng tranh cãi. Chẳng hạn, Irene khi chửi mắng biên tập viên thời trang, Hyun Jin (Stray Kids) bị tố bạo lực học đường.
“Sự việc khiến tôi phải nhìn lại quá khứ và tôi rất xấu hổ vì những lời nói, hành động kém cỏi của bản thân. Tôi sẽ suy nghĩ và hành động cẩn thận hơn, để tình huống tương tự không xảy ra. Tôi thực sự xin lỗi người hâm mộ vì đã gây lo lắng”, Irene đưa ra lời xin lỗi, sau đó im ắng gần một năm.
Trong bài viết của Zing, nhà báo Hồng Quang Minh nhận định cách hành xử của sao Hàn khi vướng scandal cho thấy áp lực từ công chúng nước này cũng như thái độ tôn trọng khán giả của giới nghệ sĩ. Ngược lại, Việt Nam trước giờ chưa có văn hóa tẩy chay mạnh mẽ, khán giả tương đối hiền và dễ tha thứ. Vì vậy nhiều nghệ sĩ có scandal vẫn chọn cách im lặng. Một số người xin lỗi nhưng chưa chân thành.
Irene tạm dừng hoạt động gần một năm. |
Đài truyền hình, nhãn hàng quyết liệt với nghệ sĩ có đời tư tai tiếng
Theo SCMP, ngành giải trí Hàn Quốc nổi tiếng khắt khe. Công chúng nước này yêu cầu nghệ sĩ có đời tư trong sạch, không vướng scandal. Với các diễn viên, ca sĩ có tranh cãi, chương trình truyền hình, nhãn hàng lập tức cắt đứt hợp đồng ngay cả khi những lời buộc tội chưa được chứng minh. Nghệ sĩ thậm chí phải nộp phạt tiền quảng cáo vì đã vi phạm hợp đồng khi để hình ảnh bị “vấy bẩn”.
Vừa qua, Seo Ye Ji bị cáo buộc thao túng bạn trai cũ Kim Jung Hyun khiến anh này hành xử thô lỗ với nhân viên đoàn phim và bạn diễn Seo Hyun. Khi đó, Korea JoongAng Daily đưa tin Seo Ye Ji bị nhãn hàng quay lưng và loại khỏi dàn diễn viên của phim Island dù trước đó cô xác nhận đảm nhận vai nữ chính.
Ngôi sao Điên thì có sao cũng đánh mất hàng loạt hợp đồng quảng cáo, từ mặt nạ, mỹ phẩm, phụ kiện… Theo MBN, số tiền phạt của Seo Ye Ji được người trong ngành dự đoán là khoảng 2-3 tỷ won (1,8 triệu-2,7 triệu USD).
Tương tự, Na Eun bị loại khỏi phim Taxi Driver, hủy hàng loạt hợp đồng quảng cáo khi bị tố bắt nạt thành viên cùng nhóm April. Soojin tạm dừng hoạt động sau đó bị đuổi khỏi nhóm (G)I-DLE vì quá khứ bắt nạt bạn học. Phim Dear M bị hoãn chiếu vô thời hạn do nữ chính Park Hye Soo bị tố bạo lực học đường.
Tháng 5, Sports DongA đưa tin Victory Contents – đơn vị sản xuất bộ phim truyền hình River Where the Moon Rises của đài KBS – kiện nam diễn viên Ji Soo và yêu cầu bồi thường. Trước đó, Ji Soo bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục, bắt nạt, đánh đập, trấn lột tiền của bạn học. Ji Soo bị công chúng tẩy chay và River Where the Moon Rises quyết định loại bỏ nam diễn viên để thay thế anh bằng người khác.
Seo Ye Ji và Soojin bị các nhãn hàng hủy hợp đồng. |
Đoàn phim sau đó nộp đơn kiện, yêu cầu công ty quản lý của Ji Soo là KeyEast bồi thường 2,6 triệu USD vì gây tổn hại về danh tiếng và thiệt hại kinh tế.
Theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Geun chia sẻ trên The Korea Times, công chúng Hàn Quốc đôi khi khắc nghiệt nhưng những người nổi tiếng thường được coi trọng và có tác động xã hội lớn. Do đó, cách họ xử lý các vụ bê bối sẽ trở thành tấm gương cho khán giả.
“Nếu một người nổi tiếng từng là kẻ bắt nạt và sau đó họ bị loại khỏi các chương trình, khán giả, đặc biệt trẻ em có thể nhìn vào đó rồi rút ra bài học rằng hậu quả của việc bắt nạt là gì”, Ha Jae Geun nói.
Ha Jae Geun nói tiếp về phía các đài truyền hình, công ty sản xuất hay nhãn hàng họ cũng phải lắng nghe tiếng nói của công chúng để tránh những tác động tiêu cực hơn.
Trong bài viết của Yonhap News, nhà phê bình văn hóa Kim Heon Shik nói thêm diễn viên, ca sĩ hiện còn là bộ mặt của Hàn Quốc với khán giả nước ngoài. Do đó, công chúng ngày càng có yêu cầu cao với vấn đề đạo đức của giới nghệ sĩ.
Ông nói: “Anh hưởng toàn cầu của văn hóa đại chúng đang ngày càng tăng và mọi người nghĩ các ngôi sao đại diện cho Hàn Quốc. Ngày nay, một ca sĩ hoặc diễn viên Hàn Quốc có thể xuất hiện trên nhiều nền tảng ở nước ngoài. Do đó, công chúng muốn họ trong sạch về mặt đạo đức”.
Nguồn: News.zing.vn