Wall Street Journal: Lính Mỹ có mặt ở Đài Loan một năm nay

0
Wall Street Journal: Lính Mỹ có mặt ở Đài Loan một năm nay

Một đơn vị thuộc lực lượng tác chiến đặc biệt và một đội lính thủy đánh bộ của Mỹ đã bí mật hoạt động ở Đài Loan để huấn luyện lực lượng quân sự hòn đảo này.

Bài báo độc quyền của Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết khoảng 20 thành viên của lực lượng đặc nhiệm đang huấn luyện cho các đơn vị trong lục quân Đài Loan. Trong khi đó, thủy quân lục chiến Mỹ đang làm việc với các lực lượng hải quân địa phương để huấn luyện điều khiển các loại thuyền nhỏ.

Lực lượng Mỹ đã ở Đài Loan trong ít nhất một năm, các quan chức cho biết thêm.

Việc Mỹ triển khai lực lượng đặc nhiệm là dấu hiệu cho thấy sự lo ngại của Lầu Năm Góc trước việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và các động thái đe dọa gần đây của Bắc Kinh nhằm vào hòn đảo này, Wall Street Journal đưa tin.

quan doi My o Dai Loan anh 1

Động thái này được xem là một phần trong nỗ lực củng cố khả năng phòng thủ của Đài Loan do lo ngại Trung Quốc gây hấn. Ảnh: Walid Berrazeg.

Căng thẳng leo thang ở Đài Loan

Giới chức Mỹ và Đài Loan đã bày tỏ lo ngại sau khi gần 150 máy bay quân sự của Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan trong tuần qua.

Các máy bay này bao gồm máy bay chiến đấu phản lực J-16, máy bay ném bom có năng lực hạt nhân H-6 và máy bay tuần tra chống tàu ngầm Y-8. Theo giới chức Đài Loan, đây là đợt xâm nhập lớn nhất của Trung Quốc cho tới nay.

Các máy bay Trung Quốc chưa tiến vào khu vực mà Đài Loan cho rằng là không phận của mình. Tuy nhiên, việc máy bay quân sự xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là lời nhắc nhở về quan điểm của Bắc Kinh: Đài Loan là “lãnh thổ không thể tách rời” của Trung Quốc và họ không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đoạt lại.

Đầu năm nay, các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ cũng cho biết Bắc Kinh có khả năng sẽ sử dụng vũ lực với hòn đảo này trong vòng sáu năm tới. Thậm chí, một số nhận định động thái này có thể diễn ra sớm hơn thế.

Hôm 6/10, người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính cảnh báo Trung Quốc có đủ năng lực phát động một cuộc tấn công toàn diện vào Đài Loan với tổn thất ở mức thấp nhất vào năm 2025.

quan doi My o Dai Loan anh 2

Các máy bay quân sự Trung Quốc bay gần Đài Loan bao gồm máy bay ném bom H-6. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Phản ứng của Mỹ

Theo Wall Street Journal, các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin triển khai lực lượng quân đội.

Đơn vị đặc nhiệm và lực lượng lính thủy đánh bộ được xem là nỗ lực nhỏ nhưng mang tính biểu tượng của Mỹ nhằm tăng cường sự “tự tin” của Đài Bắc trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại khả năng tấn công của Trung Quốc.

Một số quan chức chính phủ Mỹ và chuyên gia quân sự tin rằng hành động này làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các đơn vị quân đội Mỹ và Đài Loan. Và nó sẽ tốt hơn là chỉ bán thiết bị quân sự cho hòn đảo này.

Mỹ đã bán cho Đài Loan hàng tỷ USD khí tài quân sự trong những năm gần đây, nhưng các quan chức tin rằng Đài Loan phải bắt đầu đầu tư vào việc phòng vệ một cách mạnh mẽ và thông minh hơn.

“Các thiết bị rẻ hơn nhưng có tính sát thương – như tên lửa chống tàu, thủy lôi thông minh – và một lực lượng quân đội dự bị được huấn luyện tốt có thể làm rối các kế hoạch chiến tranh của Bắc Kinh”, Matthew Pottinger, cựu Phó cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, nhận định.

Trước đó, vào tháng 5, ông Christopher Maier, Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách tác chiến đặc biệt, từng nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ trong phiên điều trần rằng nước này nên xem xét việc triển khai lực lượng như trên để giúp Đài Loan tăng cường quân sự.

Ông cho biết các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ có thể chỉ cho các lực lượng ở Đài Loan cách phòng thủ trước một cuộc đổ bộ hoặc huấn luyện hàng chục hoạt động cần thiết khác để bảo vệ hòn đảo.

Tuy nhiên, hoạt động triển khai quân sự này có thể được coi là nhạy cảm về mặt chính trị do mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo các quan chức Mỹ.

Quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng vì các vấn đề thương mại, nguyên nhân đại dịch Covid-19, nhân quyền và an ninh khu vực, bao gồm ở Biển Đông. Trung Quốc có thể coi sự hiện diện của lực lượng quân đội Mỹ ở Đài Loan là vi phạm các cam kết mà Washington đã đưa ra trong các thỏa thuận trước đây.

Khi thiết lập quan hệ chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 1979, Washington đã đồng ý cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan, chấm dứt thỏa thuận phòng vệ và rút lực lượng khỏi hòn đảo này. Mỹ sau đó cho biết sẽ giảm số vũ khí bán cho Đài Loan.

quan doi My o Dai Loan anh 3

Vệ binh danh dự Đài Loan trong một cuộc diễu binh hôm 5/10. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã chỉ ra Đạo luật Quan hệ Đài Loan được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979 đề cập đến việc Mỹ vẫn có thể cung cấp vũ khí mang tính phòng thủ cho Đài Loan, dựa trên đánh giá tình hình.

“Tôi xin lưu ý rằng Trung Quốc đã tăng cường đe dọa và gây sức ép với Đài Loan, bao gồm việc gia tăng các hoạt động quân sự được tiến hành ở khu vực lân cận hòn đảo”, phát ngôn viên John Supple cho biết. “Chúng tôi tin rằng điều này gây mất ổn định và tăng nguy cơ dẫn đến những tính toán sai lầm”.

Trước khi rời nhiệm sở, chính quyền ông Trump đã giải mật tài liệu có tên “Khung chính sách của Mỹ cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đây là “hướng dẫn chiến lược bao quát” cho mọi hành động của Mỹ trong suốt 3 năm qua.

Theo tài liệu, Trung Quốc sẽ có hành động “ngày càng quyết đoán để thúc đẩy thống nhất với Đài Loan”. Tài liệu khuyến nghị Mỹ “cho phép Đài Loan phát triển chiến lược và khả năng phòng thủ hiệu quả sẽ giúp hòn đảo đảm bảo an ninh, không bị ép buộc và có khả năng đàm phán với Trung Quốc theo các điều khoản của riêng mình”.

Chiến lược này cũng kêu gọi sự hiện diện quân sự “đáng tin cậy” của Mỹ để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực, bao gồm cả Đài Loan.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết

Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021

Ca nhiễm

Hôm nay

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Nguồn: News.zing.vn